Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu tiên không tham dự BRICS, bất ngờ với lý do
Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo BRICS bắt đầu tại Brazil vào ngày 6/7, nhưng không có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo CNN, lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ nắm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – một trong những nhà lãnh đạo đưa BRICS trở thành trung tâm trong nỗ lực định hình lại cán cân quyền lực toàn cầu, không tham dự thượng đỉnh thường niên của các nhà lãnh đạo quốc gia thành viên.
Tên gọi của tổ chức vốn được viết tắt từ tên các thành viên sáng lập gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Kể từ năm 2024, mở rộng kết nạp thêm Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ethiopia, Indonesia và Iran.
Sự vắng mặt của Chủ tịch Tập Cận Bình trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày ở Rio de Janeiro diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với BRICS. Một số thành viên đang phải đối mặt với thời hạn ngày 9/7 để đàm phán thuế quan với Mỹ, và tất cả đều phải đối mặt với sự bất ổn kinh tế toàn cầu do sự phá vỡ quan hệ thương mại của Mỹ gây ra.
CNN cho rằng, sự vắng mặt của Chủ tịch Tập Cận Bình có nghĩa là nhà lãnh đạo Trung Quốc đang bỏ lỡ một cơ hội quan trọng để thể hiện Trung Quốc là một nhà lãnh đạo thay thế ổn định cho Mỹ. Đó là một hình ảnh mà Bắc Kinh từ lâu đã tìm kiếm để ở khu vực Nam bán cầu.
Giới quan sát cho rằng, quyết định không tham dự của nhà lãnh đạo Trung Quốc – thay vào đó là Thủ tướng Lý Cường, không có nghĩa là Bắc Kinh hạ thấp tầm quan trọng của BRICS, hoặc điều đó không còn có ý nghĩa với Bắc Kinh trong đối trọng sức mạnh với phương Tây. Ngược lại, điều đó cho thấy Trung Quốc đánh giá BRICS đủ ổn định và đang đi đúng hướng mà Bắc Kinh kỳ vọng.
“BRICS là một phần không thể thiếu trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đảm bảo rằng nó không bị các đồng minh của Mỹ bao vây” - Chong Ja Ian, phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết.
South China Morning Post cho rằng, sự vắng mặt có thể xuất phát từ lịch trình bận rộn, đặc biệt khi Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Brazil Lula da Silva hai lần chỉ trong vòng một năm qua. Bên cạnh đó, quãng đường dài cùng lịch tiếp xúc quốc tế dày đặc cũng có thể là yếu tố khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc ưu tiên cử đại diện, thay vì trực tiếp tham dự.
Tuy nhiên, một lý do sâu xa hơn có thể nằm ở tình hình trong nước. Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức kinh tế nghiêm trọng: từ thị trường bất động sản lao đao, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tăng cao, cho tới căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ. Trong bối cảnh đó, việc Chủ tịch Tập Cận Bình tập trung xử lý các vấn đề nội bộ là dễ hiểu.
Ngoài những thách thức kinh tế trong nước, Chủ tịch Tập Cận Bình hiện còn đang mang trên vai một nhiệm vụ chiến lược quan trọng: định hình giai đoạn phát triển tiếp theo cho Trung Quốc trong bối cảnh thế giới ngày càng bất ổn về địa chính trị. Chính vì vậy, việc ông vắng mặt tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này không chỉ đơn thuần là điều chỉnh lịch trình, mà còn phản ánh ưu tiên cấp bách trong nước – đặc biệt là công tác chuẩn bị cho Kế hoạch 5 năm lần thứ 15.
Theo Tân Hoa Xã, từ giữa tháng 5, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức khởi động quá trình xây dựng các đề xuất cho kế hoạch phát triển quốc gia giai đoạn 2026–2030. Song song với đó, Bắc Kinh cũng triển khai một chương trình tham vấn công khai kéo dài một tháng – một động thái hiếm thấy nhằm mở rộng kênh thu thập ý kiến người dân trong quá trình hoạch định chính sách trung và dài hạn.
Thông thường, các đề xuất chiến lược như vậy sẽ được đưa ra tại Hội nghị toàn thể của Trung ương Đảng trước khi hoàn thiện và công bố chính thức tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội Trung Quốc vào tháng 3 năm sau. Vì vậy, thời điểm hiện tại đóng vai trò then chốt, đòi hỏi sự hiện diện thường trực và chỉ đạo sát sao từ người đứng đầu quốc gia.
Tuy nhiên, sự vắng mặt của ông Tập cũng để lại khoảng trống rõ rệt trong chiến lược ngoại giao của Trung Quốc tại BRICS.
Theo chuyên gia Oliver Stuenkel thuộc Quỹ Getulio Vargas (FGV), khi Chủ tịch Trung Quốc không trực tiếp hiện diện, khả năng thúc đẩy các ưu tiên và định hướng chiến lược của Bắc Kinh tại diễn đàn sẽ bị hạn chế. Phái đoàn Trung Quốc vẫn thiếu đi “sức nặng chính trị” cần thiết để tạo dựng các kết nối cá nhân và tiến hành các cuộc trao đổi bên lề với lãnh đạo các quốc gia khác, vốn là một phần không thể thiếu trong ngoại giao đa phương.
Trung Quốc là trụ cột kinh tế của BRICS, chiếm khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của nhóm. Bắc Kinh cũng là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các thành viên trong nhóm.