Thời sự

Gỡ điểm nghẽn, cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) - Kỳ 1: Chỉ số PCI chưa ổn định

Phạm Bằng - Thanh Lê 08/07/2025 16:39

Từ năm 2019 - 2022, Nghệ An giữ thứ hạng cao, đứng top đầu khu vực Bắc Trung Bộ và luôn nằm trong top 30 tỉnh dẫn đầu trong xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) toàn quốc. Tuy nhiên, trong 2 năm liên tiếp (2023 - 2024), chỉ số PCI của Nghệ An đã bị tụt hạng đáng kể, nhiều chỉ số thành phần xếp hạng thấp.

pci-1-cover.png
pci-1-titbai(1).png

Phạm Bằng - Thanh Lê • 08/07/2025

Từ năm 2019 - 2022, Nghệ An giữ thứ hạng cao, đứng top đầu khu vực Bắc Trung Bộ và luôn nằm trong top 30 tỉnh dẫn đầu trong xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) toàn quốc. Tuy nhiên, trong 2 năm liên tiếp (2023 - 2024), chỉ số PCI của Nghệ An đã bị tụt hạng đáng kể, nhiều chỉ số thành phần xếp hạng thấp.

pci-1-tit1.png

Môi trường đầu tư kinh doanh là tổng hợp các yếu tố và điều kiện khách quan, chủ quan tác động trực tiếp hay gián tiếp đến hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, được phản ánh thông qua nhiều chỉ số, trong đó PCI là chỉ số phản ánh chính. Nhận thức tầm quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển của tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 1 trong 3 đột phá phát triển: “Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gắn với cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành”.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06 tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06 tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng

Với phương châm xây dựng chính quyền kiến tạo và phục vụ, lấy thước đo niềm tin, sự hài lòng của doanh nghiệp là mục tiêu cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế, thời gian qua tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI. Trên quan điểm mà Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung nhiều lần nhấn mạnh: “Khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng chính là khó khăn, vướng mắc của tỉnh”, các sở, ngành, địa phương của Nghệ An đã duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên, chủ động lắng nghe, nắm bắt các vướng mắc của doanh nghiệp và tích cực tháo gỡ, giải quyết nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng

Tỉnh cũng đã tăng cường hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Ban hành các văn bản chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, khắc phục hạn chế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Quyết liệt chỉ đạo công tác rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ, dự án tồn đọng. Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng cho rằng, trong thời gian qua Nghệ An đã không ngừng đổi mới, cải cách mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm các thủ tục hành chính để tạo ra môi trường đầu tư thực sự thông thoáng và hấp dẫn, hiệu quả thực chất để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đến nay Nghệ An là 1 trong 20 địa phương trong cả nước có tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng cao nhất (100%).

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh kiểm tra tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Đông Lộc. Ảnh: Thành Duy
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh kiểm tra tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Đông Lộc. Ảnh: Thành Duy

Thủ tục đầu tư vào khu kinh tế, các khu công nghiệp được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện, thời gian giải quyết được giảm 2/3 theo quy định. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết đối với 812 thủ tục, tổng thời gian được cắt giảm là 2.117,5 ngày. Hiện đã có 11/13 sở, ngành rà soát và kiến nghị cắt giảm thời gian giải quyết TTHC đối với 287 TTHC; nhiều TTHC đã được cắt giảm trên 50%.

Nghệ An cũng đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 cho 21/21 huyện, thành phố, thị xã trước khi kết thúc hoạt động cấp huyện. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam, đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các dự án. Chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất, mặt bằng đầu tư thu hút các doanh nghiệp đầu tư và quan tâm đầu tư hạ tầng trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn lực về hạ tầng, đất đai, mặt bằng, lao động...

Sản xuất hàng may mặc ở Khu công nghiệp Nam Giang. Ảnh: Quang An
Sản xuất hàng may mặc ở Khu công nghiệp Nam Giang. Ảnh: Quang An

Đánh giá cao sự lắng nghe, chia sẻ và đồng hành của tỉnh đối với cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua, ông Trần Anh Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh đánh giá: Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Nghệ An đã được cải thiện rõ nét; nhiều cơ chế, chính sách đã phát huy hiệu quả.

Minh chứng là trong 3 năm (2022 - 2024), Nghệ An liên tiếp nằm trong top 10/63 tỉnh, thành (cũ) của cả nước có kết quả thu hút FDI lớn nhất cả nước. Nghệ An đã thu hút được nhiều "đại bàng" công nghệ hàng đầu thế giới thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu như: Luxshare ICT, Shangdong, Everwin, Foxconn, Sunny, Goertek, Juteng, Runergy...

Kết quả thu hút FDI của tỉnh Nghệ An từ năm 2020 đến hết năm 2024. Đồ hoạ: Phạm Bằng
Kết quả thu hút FDI của tỉnh Nghệ An từ năm 2020 đến hết năm 2024. Đồ họa: Phạm Bằng
Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp FDI tại Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp FDI tại Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Một số chỉ số thành phần PCI của tỉnh xếp thứ hạng cao so với cả nước qua các năm như: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp 7 năm lọt vào top 10, trong đó có 4 năm lọt vào top 5; Chỉ số Gia nhập thị trường 2 năm lọt vào top 10. Một số chỉ số trước đây tỉnh xếp thấp nay đã có sự cải thiện rất tích cực, như chỉ số tiếp cận đất đai tăng 48 bậc, xếp thứ 7 cả nước; chỉ số chi phí không chính thức tăng 13 bậc; chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự tăng 32 bậc. Trong chỉ số gia nhập thị trường, có 7/19 chỉ tiêu thứ hạng thuộc top 10. Chỉ số về chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp được cải thiện và là 1 trong 2 chỉ số có thứ hạng tốt nhất của tỉnh, xếp thứ 7 cả nước.

pci-1-tit2.png

Mặc dù môi trường đầu tư kinh doanh của Nghệ An đã được cải thiện, song theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, cũng như mong muốn của doanh nghiệp thì chưa đạt yêu cầu, còn những rào cản, điểm nghẽn. Thể hiện trong 2 năm gần đây, kết quả chỉ số PCI của tỉnh sụt giảm về thứ hạng. Năm 2024, Nghệ An đạt 66,48 điểm, xếp thứ 44/63 tỉnh, thành của cả nước, giữ nguyên thứ hạng so với năm 2023, xếp thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ. Một số chỉ số thành phần đang có thứ bậc thấp như: Tính minh bạch (xếp thứ 59), chi phí thời gian (xếp thứ 59), cạnh tranh bình đẳng (xếp thứ 58), đào tạo lao động (xếp thứ 55)...

Thứ hạng chỉ số PCI của tỉnh Nghệ An từ năm 2019 đến năm 2024. Đồ họa: Hữu Quân
Thứ hạng chỉ số PCI của tỉnh Nghệ An từ năm 2019 đến năm 2024. Đồ họa: Hữu Quân
Kết quả PCI của tỉnh Nghệ An năm 2024. Đồ hoạ: Hữu Quân
Kết quả PCI của tỉnh Nghệ An năm 2024. Đồ họa: Hữu Quân
5 chỉ số thành phần giảm điểm trong Bộ chỉ số PCI của tỉnh Nghệ An năm 2024. Đồ hoạ: Hữu Quân
5 chỉ số thành phần giảm điểm trong Bộ chỉ số PCI của tỉnh Nghệ An năm 2024. Đồ họa: Hữu Quân

Đánh giá Nghệ An đã có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính nhưng nhiều rào cản, điểm nghẽn và bất cập trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ cần phải được nhìn nhận, tìm nguyên nhân và xử lý triệt để, nghiêm túc, ông Phan Duy Hùng - Trưởng phòng Pháp chế và Đối ngoại, Chi nhánh VCCI Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình cho rằng: Chi phí không chính thức còn cao là một trong những nguyên nhân chính khiến môi trường đầu tư của tỉnh Nghệ An mất điểm. Điều này làm ảnh hưởng tới niềm tin của các doanh nghiệp, tạo ra gánh nặng, tăng chi phí, làm mất cơ hội đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp làm ăn chân chính, hiệu quả, muốn mở rộng kinh doanh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh thăm dây chuyền sản xuất tại nhà máy của Tập đoàn Luxshare - ICT. Ảnh: Thành Duy
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh thăm dây chuyền sản xuất tại nhà máy của Tập đoàn Luxshare - ICT. Ảnh: Thành Duy

Trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã có nhiều giải pháp về tạo mặt bằng sạch cho doanh nghiệp, nhà đầu tư song so với nhu cầu thì vẫn đang thiếu. Ông Đỗ Sỹ Quang - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Nghệ An, Giám đốc Công ty CP Thương mại ABT chia sẻ: Đối với các doanh nghiệp sản xuất, vấn đề đất đai rất được doanh nghiệp quan tâm với mong muốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khó tiếp cận quỹ đất sạch. Nhiều doanh nghiệp đang đánh giá môi trường kinh doanh của tỉnh chưa thực sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Clip: PV

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn và dân số đông nhưng có một nghịch lý là đang thiếu hụt lao động tại địa phương. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn đang gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động, đặc biệt là lao động đã qua đào tạo, lao động chất lượng cao. Vì thế, chỉ số này của tỉnh năm 2024 tiếp tục giảm điểm và giảm thứ hạng. Nhiều doanh nghiệp đánh giá, công tác đào tạo lao động của tỉnh vẫn chưa có sự ổn định trong chất lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư, qua đó ảnh hưởng kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng đó, việc thiếu hạ tầng xã hội cho công nhân, phúc lợi thấp... nên vẫn còn tình trạng công nhân nhảy việc.

Một điểm đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp đang đánh giá môi trường kinh doanh của tỉnh chưa thực sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Kết quả Chỉ số PCI 2024 cho thấy, độ minh bạch môi trường kinh doanh của tỉnh đang có sự sụt giảm, sau khi được cải thiện trong hai năm trước, có 10/14 chỉ tiêu có điểm bằng hoặc thấp hơn giá trị trung vị và nhiều chỉ tiêu đứng gần cuối bảng xếp hạng.

Clip: PV

Đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng lãnh đạo tỉnh dành ưu ái, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp lớn so với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi khối doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỉ lệ lớn, có nhiều đóng góp cho địa phương. Mặc dù tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt nhưng doanh nghiệp cho rằng, chất lượng cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Quang cảnh Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành Cường
Quang cảnh Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Lý giải nguyên nhân, theo Sở Nội vụ, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư một số trường hợp vẫn còn chưa kịp thời. Một số thủ tục hành chính có quy trình giải quyết còn phức tạp, chưa được cắt giảm, đơn giản hóa đã gây phiền hà cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; chuyển đổi số còn chậm, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình vẫn còn nhiều hạn chế. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cấp còn vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ dẫn đến bị xử lý kỷ luật.

Phải khẳng định, kết quả điều tra PCI mang tính chất đại diện, chưa phản ánh được hoàn toàn các khía cạnh của môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Song, như Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung từng khẳng định, việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cải thiện chỉ số PCI không đơn giản là cải thiện thứ bậc, mà mục tiêu lớn hơn là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, hiệu quả cho doanh nghiệp hoạt động. Việc cải thiện chỉ số PCI vừa là mục tiêu, vừa là động lực để tỉnh Nghệ An thay đổi, năng động hơn, tốt hơn về năng lực điều hành quản lý, thực hiện tốt hơn tinh thần phục vụ doanh nghiệp, để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh.

Khu kinh tế Đông Nam đang trở thành động lực phát triển mới và ngày càng mở rộng cả về quy mô lẫn số lượng. Trong ảnh: Hệ thống nhà máy và hạ tầng KCN VSIP. Ảnh: Thành Cường
Khu kinh tế Đông Nam đang trở thành động lực phát triển mới và ngày càng mở rộng cả về quy mô lẫn số lượng. Trong ảnh: Hệ thống nhà máy và hạ tầng KCN VSIP. Ảnh: Thành Cường

>> Trang chủ
>> Bài cuối: Điều hành, phục vụ tốt hơn

Phạm Bằng - Thanh Lê