Công an Nghệ An liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều vụ hàng giả, thực phẩm bẩn, sẽ tiếp tục kiểm tra định kỳ và đột xuất
Trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng và thực phẩm bẩn tràn lan, gây hại cho sức khỏe người dân và môi trường kinh doanh, Công an tỉnh Nghệ An đã quyết liệt vào cuộc. Phát huy vai trò nòng cốt trong quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, lực lượng công an đã chủ động nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm.
Phát hiện nhiều vụ buôn bán hàng giả, thực phẩm bẩn quy mô lớn
Cuối tháng 5/2025, một đường dây vận chuyển, tiêu thụ hàng giả quy mô lớn hoạt động liên tỉnh đã bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu và môi trường (Phòng Cảnh sát kinh tế) triệt phá.
Cụ thể, qua quá trình điều tra, theo dõi, phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An), lực lượng đã tiến hành kiểm tra xe tải BKS 37C-441.xx do Nhữ Văn H. (SN 1994, trú tại huyện Quỳnh Lưu cũ) điều khiển và phát hiện gần 480.000 sản phẩm không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc. Tang vật gồm hơn 400.000 gói dầu gội đầu giả các nhãn hiệu nổi tiếng, 6.000 gói nước xả vải Comfort giả, gần 1.300 tuýp kem đánh răng và 63.000 cây bút viết. Tổng giá trị lô hàng ước tính khoảng 523 triệu đồng.
.jpg)
Tài xế khai chở hàng cho các đối tượng Nguyễn Thị Dung, Phạm Thị Phương và Hoàng Văn Thái (trú Diễn Kim, Diễn Châu cũ). Khám xét nơi ở, công an thu giữ thêm hàng nghìn sản phẩm giả. Quá trình điều tra xác định Phạm Thị Sáng (SN 1962, trú Gia Lâm, Hà Nội) là kẻ chủ mưu, chuyên thu gom hàng giả từ các đầu mối phía Bắc rồi phân phối cho nhóm Dung, Phương và Thái tiêu thụ ở miền Trung, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 4 đối tượng về hành vi "Buôn bán hàng giả".

Mới đây, ngày 3/7, Phòng Cảnh sát kinh tế phá chuyên án, bắt quả tang đối tượng Phạm Hà Vinh (SN 1993, trú tại số 82 đường Bùi Huy Bích, phường Vinh Lộc) về hành vi “Buôn bán hàng cấm”, thu giữ 2.640 bao thuốc lá điếu nhập lậu các loại. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đang điều tra mở rộng và xử lý theo quy định của pháp luật.

Không chỉ đấu tranh mạnh với tội phạm hàng giả, Công an tỉnh Nghệ An còn vào cuộc quyết liệt trong xử lý các vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Một trong những vụ án điển hình gần đây là chuyên án đấu tranh với hoạt động sản xuất thực phẩm bẩn tại TP Vinh cũ.
Ngày 11/4/2025, Phòng Cảnh sát kinh tế chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra đồng loạt 4 cơ sở sản xuất giá đỗ tại TP Vinh cũ, bắt quả tang 4 đối tượng gồm: Lưu Mạnh Hưởng (SN 1993), Lưu Văn Trung (SN 1997) cùng trú tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định (nay là tỉnh Ninh Bình); Trần Khắc Duy (SN 1990) và Nguyễn Văn Hướng (SN 1998) cùng trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh (nay là phường Trường Vinh).
Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ gần 2.000 lu chứa giá đỗ với tổng khối lượng khoảng 25 tấn, 25 lít hóa chất “nước kẹo” (tên khoa học là 6-Benzylaminopurine - 6-BAP), 150 lít dung dịch hóa chất đã pha cùng nhiều tang vật liên quan. Đây là loại hóa chất cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm do có thể gây ngộ độc cấp tính, rối loạn tiêu hóa, tổn thương phổi và hệ hô hấp nếu con người tiếp xúc hoặc ăn phải.
Kết quả điều tra mở rộng cho thấy, từ năm 2024 đến khi bị bắt giữ, các đối tượng đã sản xuất và bán ra thị trường khoảng 3.500 tấn giá đỗ thành phẩm có sử dụng “nước kẹo” để thúc đẩy tăng trưởng, tạo hình thức bắt mắt và bán thu lợi nhuận cao. Trên cơ sở tài liệu thu thập, ngày 15/4, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố 3 vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 đối tượng trên về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”.
Theo số liệu tổng hợp, trong 5 tháng đầu năm 2025, Công an tỉnh phát hiện, bắt giữ 894 vụ 1.071 đối tượng vi phạm pháp luật về hàng cấm, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, ATTP; thu giữ nhiều tang vật, hàng hóa có giá trị khoảng 18 tỷ đồng; đã khởi tố hình sự 160 vụ/224 đối tượng liên quan đến các hành vi hàng cấm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, ATTP; đồng thời xử phạt hành chính trên 600 vụ, thu nộp ngân sách hơn 9,2 tỷ đồng.
Riêng đợt cao điểm (từ ngày 15/5/2025 đến ngày 15/6/2025), Công an tỉnh Nghệ An đã trực tiếp phát hiện, bắt giữ 78 vụ, 80 đối tượng (trong đó có 3 tổ chức, 75 cá nhân), khởi tố 3 vụ, 4 đối tượng “vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”.
Siết chặt quản lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
Là địa phương có địa bàn rộng, dân số đông, nhu cầu tiêu dùng lớn và giao thương sôi động, Nghệ An trở thành điểm đến của nhiều luồng hàng hóa từ các tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các đối tượng lợi dụng trà trộn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm kiếm lời bất chính.
Thời gian gần đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, tình trạng buôn bán hàng hóa vi phạm pháp luật trên nền tảng số ngày càng diễn biến phức tạp. Nhiều tổ chức, cá nhân đã sử dụng mạng xã hội như Facebook, TikTok, lập nhóm kín trên Zalo hoặc thiết lập các website bán hàng để quảng bá, rao bán hàng hóa giả mạo, kém chất lượng. Thủ đoạn thường thấy là không công khai địa chỉ kho hàng, thường xuyên thay đổi địa điểm, thuê kho ở nơi vắng người để tránh bị phát hiện; thậm chí không có kho hàng thực tế mà chỉ nhập hàng khi có đơn, hoặc làm trung gian hưởng chênh lệch giữa bên bán và người mua.
Công tác xử lý sau phát hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất phục vụ bảo quản tang vật, nhất là hàng dễ hư hỏng như thực phẩm còn hạn chế; một số loại hàng hóa còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, độc hại…

Trước thực tế đó, Công an Nghệ An đã xác định rõ vai trò nòng cốt trong công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, lực lượng công an tăng cường siết chặt công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là các loại hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như sữa, thực phẩm chức năng, thuốc, mỹ phẩm, rượu bia, thực phẩm tươi sống...
Công tác đấu tranh được tập trung theo tuyến, địa bàn, đối tượng và mặt hàng cụ thể. Các tuyến trọng điểm gồm: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 7, 48, tuyến đường sắt Bắc - Nam, các tuyến biên giới đất liền qua cửa khẩu Nậm Cắn, Thanh Thủy, Tam Hợp, tuyến biển qua cảng Cửa Lò và vùng ven biển Diễn Châu, Quỳnh Lưu cũ. Địa bàn trọng điểm, các chợ đầu mối, kho bãi, trung tâm luồng hàng hóa lớn và các cơ sở lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh trái phép.
Về đối tượng, lực lượng công an tập trung rà soát, đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm, cá nhân chủ mưu chuyên cung cấp, vận chuyển, tiêu thụ hàng giả, hàng cấm, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn. Các mặt hàng trọng tâm gồm: thực phẩm chế biến, sữa, thực phẩm chức năng, thuốc, mỹ phẩm, pháo, thuốc lá, phân bón, dược phẩm, hàng điện tử, quần áo, giày dép...

Dự báo trong thời gian tới, khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại điện tử tiếp tục mở rộng, tình hình vi phạm sẽ càng phức tạp hơn. Do vậy, Công an Nghệ An tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan để tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất hoạt động sản xuất, kinh doanh; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh công tác nghiệp vụ, Công an tỉnh cũng đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền với các cơ quan báo chí, truyền thông; vận động các tổ chức, cá nhân không tiếp tay cho các hành vi buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc. Các hộ kinh doanh được vận động ký cam kết chấp hành nghiêm quy định pháp luật, không sản xuất, kinh doanh, tàng trữ hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời thực hiện niêm yết giá, bán đúng giá và dán cam kết tại điểm kinh doanh.
Công an Nghệ An cũng kêu gọi người dân tích cực tố giác tội phạm, cung cấp thông tin liên quan đến các hành vi gian lận thương mại, nhất là các hành vi lợi dụng nền tảng số để vi phạm pháp luật. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp.