Pháp luật

Nghệ An: Tạo thế trận liên hoàn, khép kín trong đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người

Khánh Ly 08/07/2025 18:43

Mặc dù các cấp, ngành, lực lượng chức năng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng hiện tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Nghệ An tiếp tục tiềm ẩn phức tạp. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi.

Giăng bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Theo lực lượng chức năng, tội phạm mua bán người thường hoạt động ở vùng nông thôn, miền núi, nơi có trình độ dân trí thấp, kinh tế khó khăn, nhiều người thiếu việc làm, người dân cả tin, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt.

bna_mientayxunghejpg-1-.jpg
Một góc miền Tây xứ Nghệ. Ảnh tư liệu minh hoạ: PV

Nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là trẻ em và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; những cô gái mới lớn có tư tưởng thoát ly công việc lao động nông nghiệp tại địa phương, mong muốn tìm kiếm việc làm nhàn hạ, thu nhập cao hơn; trẻ em không có người lớn trông coi...

Các đối tượng chủ yếu lợi dụng vào mối quan hệ quen biết hoặc qua các đầu mối trung gian để tiếp cận nạn nhân, dụ dỗ, hứa hẹn tìm việc làm cho họ với mức lương cao; hoặc công khai ngã giá, rủ rê nạn nhân lấy chồng nước ngoài sẽ có cuộc sống giàu sang và có tiền giúp đỡ gia đình nên một số nạn nhân tin và tự nguyện đi theo.

hinh 1
Hai bị cáo Cụt Thị Liên và Cụt Thị Tuyết tại phiên toà xét xử tội mua bán người. Ảnh tư liệu: Trần Vũ

Điển hình như mới đây, TAND tỉnh Nghệ An đã mở phiên toà xét xử Cụt Thị Liên (SN 1992) quê ở xã Bảo Thắng (nay thuộc xã Chiêu Lưu, Nghệ An) và Cụt Thị Tuyết (SN 1989) cùng trú xã Chiêu Lưu. Liên từng tham gia hoạt động phụ nữ ở thôn, bản nhưng chỉ vì hám lợi, người phụ nữ ấy đã cùng đồng phạm là Cụt Thị Tuyết (là cháu con anh trai Liên) lừa bán cháu bé 14 tuổi sang xứ người. Cả hai tỉ tê việc sang bên đó lấy chồng sẽ sống sung túc, gia đình sẽ có tiền…

hinh 2
Hối hận muộn màng của bị cáo Cụt Thị Liên tại phiên toà xét xử tội mua bán trẻ em. Ảnh tư liệu: Trần Vũ

Trước những hứa hẹn đường mật của các đối tượng, cô bé 14 tuổi đã đồng ý. 8 năm sau, khi nạn nhân trốn về nước thì hành vi của Liên bị bại lộ.

Tại phiên xét xử ngày 30/6/2025, HĐXX tuyên phạt Cụt Thị Liên 12 năm tù, Cụt Thị Tuyết 10 năm tù về tội Mua bán trẻ em.

Cùng với phương thức tiếp cận, dụ dỗ trực tiếp như hai đối tượng Liên và Tuyết, thời gian gần đây, các đối tượng thường thông qua mạng xã hội (Zalo, Facebook, Telegram...) để tìm cách lôi kéo, lừa gạt nạn nhân đem đi bán.

bna_uploaded-thanhluongbna-2023_07_15-_phut-doan-tu-voi-nguoi-than-cua-thieu-nu-nghe-an-bi-lua-ban-sang-trung-quoc-tu-nam-15-tuoi-vua-duoc-giai-cuu-4287-9756-2-.jpg
Một nạn nhân đoàn tụ với gia đình sau nhiều năm bị lừa bán qua Trung Quốc. Ảnh tư liệu: Tiến Hùng

Đáng chú ý hiện nay, tội phạm mua bán người còn hướng tới các lao động trẻ có nhu cầu tìm kiếm việc làm ở nước ngoài với mức lương cao, dụ dỗ nạn nhân xuất cảnh sang các nước trung gian rồi đưa sang các khu tự trị tại Lào, Campuchia, Myanmar... để bắt ép thực hiện hành vi phạm tội như Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến, đánh bạc…

Điển hình, ngày 11/4/2025, lực lượng chức năng đã bắt 2 đối tượng: Bùi Thị Thảo (SN 1994), quê quán xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu cũ (nay là xã Hải Châu), Nghệ An; trú tại Thành phố Hồ Chí Minh và Lê Văn Hà (SN 1999), trú tại xã Tam Đỉnh, huyện Anh Sơn cũ (nay là xã Nhân Hoà), tỉnh Nghệ An về hành vi mua bán người, giải cứu thành công 6 nạn nhân bị lừa bán sang Myanmar.

bna_a2(2).jpg
Hai đối tượng Bùi Thị Thảo và Lê Văn Hà bị bắt vì lừa bán 6 người sang Myanmar. Ảnh tư liệu: Văn Hậu

Thực tiễn cho thấy, đối tượng phạm tội chủ yếu là nữ giới đã có quá trình làm ăn, sinh sống tại Trung Quốc sau đó về địa bàn, cấu kết với một số đối tượng ở địa phương khu vực biên giới tạo thành các đường dây khép kín để lôi kéo, lừa gạt phụ nữ, trẻ em đưa sang Trung Quốc bán để hưởng lợi.

Cá biệt, có một số đối tượng từng là nạn nhân trong các vụ mua bán người, nay quay lại móc nối, dụ dỗ lừa bán người khác. Ngoài ra, còn xuất hiện các đối tượng lừa đảo đưa công dân sang làm việc tại nước ngoài, sau đó bán cho ổ nhóm tội phạm lừa đảo quốc tế ở vùng Tam Giác Vàng.

bna_uploaded-khanhlybna-2024_05_07-_nan-nhan-m-o-xa-keng-du-ke-lai-nhung-ngay-thang-tui-nhuc-sau-khi-bi-lua-ban-sang-trung-quoc-anh-tu-lieu-tien-dong-7622-2-.jpg
Một nạn nhân ở xã Keng Đu kể lại những ngày tháng tủi nhục sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc. Ảnh tư liệu: Tiến Đông

Giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh Nghệ An phát hiện 47 vụ, 84 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người. Địa điểm bị mua bán tập trung chủ yếu tại Trung Quốc; thời gian gần đây xuất hiện thêm địa điểm bị mua bán khác là Lào, Campuchia, Myanmar... là những nước thứ 3 của các loại tội phạm đang xảy ra mạnh lên trong thời gian gần đây như Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc. Trong tổng số 47 vụ được phát hiện thì có 40 vụ tại Trung Quốc (chiếm 85,1%), 5 vụ tại Lào (chiếm 10,6%), 1 vụ tại Myanmar (chiếm 2,15%), 1 vụ tại Việt Nam (chiếm 2,15%).

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Thực hiện Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh, phòng ngừa.

Trong đó, chú trọng công tác truyền thông dưới nhiều hình thức; lồng ghép nội dung phòng ngừa mua bán người vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, như chương trình giảm nghèo bền vững, các chính sách ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, các chính sách về y tế, an sinh xã hội... nhằm phòng ngừa, hạn chế các nguy cơ của tội phạm mua bán người.

bna_b528c92e8a203c7e6531.jpg
Tỉnh đoàn, Hội LHTN tỉnh tổ chức truyền thông phòng chống mua bán người ở xã Tam Hợp ( Tương Dương cũ) nay là xã Tam Thái. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng (Công an, Biên phòng...) triển khai quyết liệt công tác phòng ngừa nghiệp vụ, góp phần hạn chế phát sinh tội phạm mua bán người. Đồng thời, tăng cường tuần tra kiểm soát, chủ động nắm tình hình, phân loại đối tượng thường xuyên làm ăn sinh sống hoặc qua lại khu vực biên giới; quản lý chặt chẽ hoạt động xuất, nhập cảnh kiểm soát, xác định các hành vi thiếu minh bạch hoặc làm giả hộ chiếu, thị thực, chứng minh nhân dân và hộ khẩu nhằm mục đích ra nước ngoài.

Công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân mua bán người cũng được quan tâm. 5 năm qua, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã tổ chức tiếp nhận, xác minh 54 người nghi là nạn nhân của các vụ án mua bán người. Tất cả các nạn nhân khi được giải cứu trở về, trong quá trình di chuyển về địa phương, làm việc với cơ quan chức năng đều được hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu ban đầu như ăn uống, chi phí tàu xe, nghỉ, vật dụng sinh hoạt cá nhân.

Trường hợp nạn nhân là trẻ em và người chưa thành niên, các lực lượng chức năng mời gia đình đến đón hoặc cử người giám hộ đưa các em trở về với gia đình.

bna_7(2).jpg
BĐBP Nghệ An phát huy hiệu quả phòng, chống tội phạm nói chung, mua bán người nói riêng qua mô hình hòm thư tố giác tội phạm. Ảnh: Hải Thượng

Ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng, các sở, ngành, chính quyền địa phương các tổ chức xã hội cũng phối hợp làm tốt công tác xác minh, xác định, tiếp nhận, trao trả và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân. Đặc biệt, đã thường xuyên phối hợp các tổ chức phi chính phủ (Hagar, Trẻ em Rồng Xanh, Vòng tay thái bình) tiến hành giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ các nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị bán sang Trung Quốc trở về; phối hợp Cục C02, V02 - Bộ Công an tiến hành xác minh, xác định, tiếp nhận các nạn nhân bị mua bán ở nước ngoài.

Tiếp tục tấn công, trấn áp

Dự báo hoạt động của tội phạm mua bán người ở địa bàn Nghệ An sẽ còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, ngày 1/7/2025, UBND tỉnh ban hành Công văn số 6325/UBND-NC yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, phường tăng cường các giải pháp phòng ngừa; triển khai đợt cao điểm truyền thông và tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn tỉnh (từ ngày 01/7 đến hết 30/7/2025) với chủ đề năm 2025: “Mua bán người là tội phạm có tổ chức - Hãy chấm dứt sự bóc lột”.

bna_dsc05517.jpg
Cán bộ Đồn biên phòng Thông Thụ tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Khánh Ly

Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội; duy trì, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng ngừa tội phạm mua bán người. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là các tỉnh của nước bạn Lào giáp biên với Nghệ An về phòng, chống mua bán người để kịp thời trao đổi thông tin, duy trì đường dây nóng, phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao, truy nã tội phạm mua bán người và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân là người Nghệ An bị mua bán.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng các cấp tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới; triển khai các chương trình, mô hình phát huy hiệu quả trong công tác phòng ngừa tội phạm mua bán người. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an mở cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới, cửa khẩu, biển, hải đảo và các khu vực thuộc trách nhiệm quản lý, tạo thế trận liên hoàn, khép kín từ nội địa đến khu vực biên giới trong đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người.

bna_9448(1).jpg
Xã Thông Thụ quan tâm tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống mua bán người cho phụ nữ. Ảnh: Khánh Ly

UBND tỉnh cũng giao UBND các xã, phường mới thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; quan tâm giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân của tội phạm mua bán người (như người nghèo hoặc có hoàn cảnh gia đình éo le, hôn nhân đổ vỡ, nạn nhân của bạo lực gia đình, người thiếu hiểu biết, có xu hướng đi làm ăn xa…). Quan tâm, có biện pháp thu hút, tạo việc làm cho người dân tại địa phương… giúp người dân cải thiện cuộc sống và chủ động phòng ngừa tội phạm mua bán người.

Khánh Ly