Thời sự

Nghệ An: Kinh tế khởi sắc, quyết liệt bứt tốc để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025

Thành Duy - Phạm Bằng 09/07/2025 08:26

Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2025 của Nghệ An đạt nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới và trong nước. Tuy nhiên, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi sự đồng lòng, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và giám sát thực hiện.

HĐND tháng 7 2025-10
Quang cảnh Kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: Thành Cường

Sáng 9/7, tại Kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh khóa XVIII, đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2025.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, cạnh tranh địa chính trị, xung đột vũ trang, bất ổn chuỗi cung ứng… tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, thì Nghệ An vẫn giữ vững được đà tăng trưởng khá ấn tượng.

Tốc độ tăng trưởng GRDP toàn tỉnh ước đạt 8,24%, xếp thứ 12/34 tỉnh, thành phố sau sắp xếp, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 (6,76%). Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng giữ vai trò đầu tàu với mức tăng 13,45% (riêng công nghiệp đạt 14,42%), tiếp tục là trụ cột chính thúc đẩy tăng trưởng.

HĐND tháng 7 2025-14
Các đồng chí lãnh đạo HĐND tỉnh chủ tọa Kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: Thành Cường

Khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,48%; dịch vụ tăng 6,72%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 25,1%; doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 87,3 nghìn tỷ đồng, tăng 14,8%.

Thu ngân sách nhà nước đạt 13.909 tỷ đồng, bằng 78,5% dự toán, tăng 14,7% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa chiếm 12.932 tỷ đồng, đạt 80,7% dự toán.

Tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm. Đến ngày 30/6, tổng vốn đầu tư công đã giải ngân đạt 3.907 tỷ đồng, tương đương 43,09% kế hoạch vốn đã giao chi tiết, mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2024.

Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi rõ nét, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 14,67%; đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,55%, với nhiều sản phẩm tăng trưởng vượt bậc, nhất là linh kiện điện tử.

HĐND tháng 7 2025
Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2025. Ảnh: Thành Cường

Hàng loạt dự án mới đi vào vận hành trong các khu kinh tế, khu công nghiệp như VSIP, WHA đã giúp gia tăng năng lực sản xuất đáng kể cho địa phương. Song song đó, công tác cải thiện môi trường đầu tư được đẩy mạnh, 6 tháng đầu năm tỉnh đã cấp mới 35 dự án và điều chỉnh 98 lượt dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 15.000 tỷ đồng.

Về nông nghiệp, tổng sản lượng lương thực vụ đông xuân ước đạt gần 634 nghìn tấn. Chăn nuôi duy trì ổn định, diện tích rừng trồng mới tăng 11%, sản lượng khai thác gỗ tăng 8,9%, thủy sản tăng 4,4%.

Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, với 8 xã được công nhận đạt chuẩn các cấp độ, huyện Nam Đàn (cũ) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tổng số sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên trên toàn tỉnh hiện đã lên tới 737 sản phẩm.

Du lịch cũng có sự phục hồi mạnh mẽ, với tổng lượt khách đạt khoảng 6,2 triệu người; trong đó hơn 3,8 lượt triệu khách lưu trú, tăng 13% so với cùng kỳ.

bna_img_4752.jpg
Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng GRDP toàn tỉnh ước đạt 8,24%, xếp thứ 12/34 tỉnh, thành phố sau sắp xếp, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 (6,76%). Ảnh: Quang cảnh các phường Thành Vinh, Trường Vinh, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Về xã hội, Nghệ An tiếp tục duy trì vị thế trong giáo dục mũi nhọn với 96 học sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đứng thứ 5 cả nước; tổ chức tốt các kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT và tốt nghiệp THPT năm 2025 bảo đảm nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế.

Ngành Y tế được củng cố, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe được nâng cao. Công tác an sinh xã hội có nhiều điểm sáng, nổi bật là chương trình hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo với hơn 20.452 căn được hoàn thiện, đạt 98,19% kế hoạch, hướng tới hoàn thành 100% trong tháng 7.

UBND tỉnh cũng xác định cải cách hành chính, chuyển đổi số và tổ chức lại bộ máy là đột phá của năm. Với phương châm: “Rõ nội dung công việc; rõ bộ phận tham mưu; rõ cá nhân lãnh đạo, chỉ đạo; rõ thời gian hoàn thành; rõ sản phẩm công việc”, công tác cải cách hành chính được thực hiện quyết liệt. Tỉnh đã lựa chọn 6 đơn vị làm điểm chỉ đạo; đồng thời hợp nhất 3 ban chỉ đạo lớn thành Ban Chỉ đạo tỉnh về “phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06”.

 Cán bộ xã Xuân Lâm, tỉnh Nghệ An hướng dẫn người dân quy trình giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh TL
Cán bộ xã Xuân Lâm, tỉnh Nghệ An hướng dẫn người dân quy trình giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: TL

Đến nay, 25/45 nhiệm vụ, tương đương 55,6% nhiệm vụ cải cách hành chính năm nay đã hoàn thành. Đặc biệt, từ ngày 1/7, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức được triển khai. Sau gần 09 ngày hoạt động theo mô hình mới, nhìn chung được dư luận nhân dân đánh giá tốt, nhất là trong tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính, chưa xuất hiện các vấn đề nổi cộm. UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành theo dõi sát việc tổ chức vận hành để tiếp tục hỗ trợ xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn để bộ máy mới hoạt động thông suốt, hiệu quả.

Công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được tăng cường. Các đoàn công tác của Trung ương, sự kiện chính trị, văn hóa diễn ra an toàn, chu đáo. Đối ngoại được mở rộng, góp phần nâng tầm vị thế tỉnh trong bối cảnh hội nhập.

Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, thách thức: Tăng trưởng GRDP chưa đạt kịch bản đề ra (8,24% so với 9,25%), tạo áp lực rất lớn cho 2 quý còn lại. Doanh nghiệp vẫn đối mặt khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng cao.

Tiến độ một số công trình trọng điểm chậm do vướng mặt bằng, thủ tục. Công tác tuyển dụng lao động có kỹ năng cho các dự án FDI chưa đáp ứng yêu cầu.

Công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập; trên địa bàn tỉnh có tình trạng lợi dụng thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính để lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình trái phép.

Cải cách hành chính có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; việc giải quyết TTHC có lúc, có nơi còn chậm.

bna_c45ed9a0e5b753e90aa6.jpg
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Nghệ An tăng 13,55% trong 6 tháng đầu năm 2025 với nhiều sản phẩm tăng trưởng vượt bậc, nhất là linh kiện điện tử. Ảnh: Thành Duy

Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2025 (đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng 10,5%) - năm cuối nhiệm kỳ và năm bản lề cho giai đoạn phát triển mới, UBND tỉnh xác định 11 nhóm giải pháp trọng tâm: Tập trung vận hành hiệu quả mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; rà soát, cập nhật kịch bản điều hành tăng trưởng; đẩy mạnh sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công; thu, chi ngân sách chặt chẽ, hiệu quả; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chăm lo các lĩnh vực giáo dục, y tế, an sinh xã hội; quản lý chặt tài nguyên, môi trường, ứng phó thiên tai; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, không để gián đoạn dịch vụ công; chuẩn bị tốt cho đại hội Đảng các cấp và bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp; đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định xã hội và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, dân vận, tạo đồng thuận xã hội.

Thành Duy - Phạm Bằng