Siết chặt công tác đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại - Bài 1: Thực trạng ở chợ
Nhóm Phóng viên•09/07/2025 11:23
Mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tục kiểm tra thị trường, nhưng thực tế tại nhiều chợ vùng nông thôn, vùng cao ở Nghệ An tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến. Trong thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tục kiểm tra thị trường, nhưng thực tế tại nhiều chợ vùng nông thôn, vùng cao ở Nghệ An tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến. Trong thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm.
Hàng thật, hàng giả lẫn lộn trên quầy
Tại nhiều chợ vùng nông thôn, miền núi Nghệ An, thực trạng bày bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng nhái nhãn hiệu nổi tiếng vẫn diễn ra phổ biến. Không khó để bắt gặp những sản phẩm “na ná” các thương hiệu lớn, từ bánh kẹo, nước giải khát cho đến quần áo, giày dép. Các mặt hàng này thường được bày bán lẫn lộn với hàng thật, khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt. Nhiều tiểu thương cố tình lợi dụng điều đó để trà trộn, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng kém chất lượng.
Tại trung tâm thương mại Phủ Diễn, thuộc xã Diễn Châu (trước đây là thị trấn Diễn Thành, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), phóng viên ghi nhận tình trạng một số đại lý công khai bày bán các sản phẩm làm nhái những thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới. Nhiều mặt hàng như túi xách, ví cầm tay gắn nhãn hiệu Dior, Chanel, Louis Vuitton, Hermes… được trưng bày ở vị trí dễ thấy, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Dù không có nhãn mác hay giấy tờ chứng minh nguồn gốc, người bán vẫn sẵn sàng đưa ra mức giá dao động từ 500 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng, tùy theo mức độ tinh vi và thương hiệu bị làm giả.
Điều đáng nói là các sản phẩm nhái đó vẫn thu hút lượng lớn người mua, phần lớn vì giá rẻ, kiểu dáng bắt mắt. Chị Trần Thị Lương, một người dân địa phương chia sẻ: “Tôi thích túi Chanel nhưng không đủ tiền mua hàng thật. Mua chiếc fake 400.000 đồng, nhìn vẫn đẹp và sang, ai mà biết thật hay giả!”.
Cũng tại trung tâm thương mại Phủ Diễn, không chỉ túi xách, những mặt hàng khác như đồng hồ nhiều mẫu mã được gắn thương hiệu nổi tiếng của Thụy Sĩ, nhưng có giá chỉ từ 1 - 1,5 triệu đồng/chiếc. Chủ quầy hàng thừa nhận đây là hàng nhái nhưng vẫn tự tin khẳng định: "Chúng tôi bảo hành 6 tháng cho khách hàng. Dù biết là hàng nhái nhưng mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng nên nhiều người vẫn chuộng mua".
Đối với các mặt hàng tiêu dùng như đồ gia dụng, đồ điện tử, thiết bị nhà bếp tại trung tâm thương mại Phủ Diễn cũng tình trạng tương tự. Nhiều quầy hàng bày bán chảo rán, môi, thau, bát, đĩa… bằng nhựa không rõ nguồn gốc. Khi được hỏi, người bán cho biết: “Hàng nhập theo lô, không có nhãn mác là chuyện bình thường(!?)”.
Ghi nhận của phóng viên tại xã Nghi Lộc (thuộc thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc cũ) cho thấy tình trạng buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc đang diễn ra phổ biến, đặc biệt là tại các khu chợ dân sinh và dãy cửa hàng ven Quốc lộ 1. Dọc tuyến đường chính qua xã, nhiều gian hàng bày bán vali kéo với mẫu mã bắt mắt, đa dạng màu sắc. Tuy nhiên, theo chủ cửa hàng, hầu hết các sản phẩm này có xuất xứ từ Trung Quốc, được nhập về theo lô, không có hóa đơn, chứng từ. Giá bán dao động từ 350.000 đến 400.000 đồng/chiếc.
Lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm trên địa bàn tỉnh với nhiều mặt hàng không có hóa đơn chứng từ, nhãn phụ bằng tiếng Việt, dấu hợp quy. Ảnh: PV
Các mặt hàng như mũ bảo hiểm cũng được bày bán tràn lan, với giá chỉ từ 80.000 - 120.000 đồng/chiếc, nhưng phần lớn đều không ghi rõ nơi sản xuất, ngày sản xuất, hoặc không đạt chuẩn về chất lượng an toàn. Người bán thường chỉ giới thiệu chung chung là "hàng phổ thông", "giá rẻ để đi gần".
Đáng lo ngại hơn, tại khu vực này cũng xuất hiện nhiều cửa hàng kinh doanh đồ điện dân dụng. Các loại máy bơm nước, ổ điện, dây điện... được trưng bày rất nhiều, hầu như không có nhãn mác hay giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Một chiếc máy bơm nước được chào bán với giá từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/chiếc, nhưng không kèm theo bảo hành sản phẩm hay tài liệu kỹ thuật. Chủ cửa hàng cho biết: “Hàng Trung Quốc không có nhãn mác nhưng xài ổn, người dân mua nhiều vì giá mềm”.
Đối với mặt hàng thiết bị điện như ổ cắm, dây điện, người bán thừa nhận có bán cả hàng “xịn” lẫn hàng giá rẻ. “Ổ điện hàng “xịn” giá 180.000 đồng/chiếc, còn hàng giá rẻ thì chỉ 80.000 đến 100.000 đồng thôi. Tùy người mua lựa chọn, ai muốn rẻ cũng có”, một chủ quầy hàng nói.
Tại xã Yên Thành cũng có khá nhiều cơ sở bán điện gia dụng và mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, không bảo hành, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về chất lượng và an toàn cho người sử dụng. Nhiều cửa hàng tại khu vực này đang bày bán phổ biến các thiết bị điện như quạt tích điện, quạt trần, quạt treo tường… với mức giá thấp hơn nhiều so với thị trường. Đáng nói là hầu hết các sản phẩm này đều không có phiếu bảo hành, không dán tem kiểm định, cũng không thể xác định được nơi sản xuất. Người tiêu dùng khi mua hàng chủ yếu dựa vào lời giới thiệu của người bán, mà không có bất kỳ cam kết nào về chất lượng.
“
Chị Nguyễn Thị Xinh, một người dân tại xã Yên Thành chia sẻ: “Tôi mua một chiếc quạt tích điện tại khu vực Cầu Dinh, xã Yên Thành, dùng chưa đầy một tuần thì máy đã hư, mang ra cửa hàng thì không ai chịu trách nhiệm, cũng không có giấy bảo hành hay nơi nhận sửa chữa. Tiền mất, quạt bỏ xó”.
Rồi nữa, các loại mỹ phẩm cũng được rao bán rộng rãi dưới dạng “hàng xách tay”, với lời quảng cáo hấp dẫn về chất lượng và hiệu quả. Son, phấn, nước hoa, kem chống nắng… đều không có tem nhãn, thông tin thành phần hay hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Nhiều loại không rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng, không hề có chứng nhận kiểm định của cơ quan chức năng.
"Hàng giá rẻ" ở miền núi
Ở các xã miền núi tỉnh Nghệ An, trong các loại hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán, thì đặc biệt là các mặt hàng bánh kẹo không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng hoặc vi phạm quy định về nhãn mác; các đồ gia dụng nhái thương hiệu được bày bán công khai tại các chợ và cả trên các xe hàng lưu động.
Ghi nhận tại chợ Mường Xén, xã Mường Xén (huyện Kỳ Sơn cũ), nhiều hàng hóa tại đây được bán ngay tại lối ra vào. Trong đó, bánh kẹo là mặt hàng chủ đạo ở khu vực trước cổng với hàng chục loại khác nhau, từ hàng thương hiệu đến các loại sản phẩm không có tên tuổi, nhãn mác. Có một số mặt hàng được đựng trong bao ni lông lớn dựng từ 5 – 10kg, không có nhãn phụ, không có địa chỉ nơi sản xuất cũng như hạn sử dụng.
Hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng bày bán ở nhiều chợ dân sinh.
Đối với các mặt hàng tiêu dùng như đồ gia dụng, đồ điện tử, thiết bị nhà bếp tại trung tâm thương mại Phủ Diễn cũng tình trạng tương tự. Nhiều quầy hàng bày bán chảo rán, môi, thau, bát, đĩa… bằng nhựa không rõ nguồn gốc. Khi được hỏi, người bán cho biết: “Hàng nhập theo lô, không có nhãn mác là chuyện bình thường(!?)”.
Nhìn chung, tại các chợ trung tâm xã hoặc những điểm họp chợ phiên vùng cao, bánh kẹo, mì tôm, nước ngọt, quần áo giá rẻ... được bày bán la liệt. Tuy nhiên, phần lớn các mặt hàng này không có hóa đơn chứng từ, không nhãn phụ tiếng Việt, có bao bì sặc sỡ, hàng hóa bắt mắt, thu hút sự quan tâm của người dân. Một số loại kẹo, bánh được đóng gói sơ sài trong bao tải lớn, không có tên đơn vị sản xuất, chỉ có tờ giấy nhỏ ghi tay vài dòng bằng bút bi. Những mặt hàng kiểu này lại tiêu thụ khá mạnh bởi có giá rất rẻ, phù hợp với túi tiền của người dân vùng cao.
Chị Lương Thị X, tiểu thương tại xã Tri Lễ chia sẻ: “Ở đây dân nghèo lắm, bán hàng đắt tiền thì không ai mua. Hàng hóa chúng tôi nhập từ các xe quen, họ chở lên tận nơi, chỉ thấy giá được thì lấy về bán. Cứ có người mua là được”.
Ông Lô Văn Thế - Chủ tịch UBND xã Châu Bình cho biết: Bà con tại địa phương vẫn chưa quan tâm nhiều đến vấn đề hàng giả, hàng nhái… Trên địa bàn xã Châu Bình, chợ không hoạt động hiệu quả, đồng bào chủ yếu mua hàng từ quán tạp hóa nhỏ lẻ và các xe chở hàng lưu động. Các loại xe này thường xuyên đi vào trong các bản làng với đủ loại hàng hóa để bán cho người dân với giá rẻ, được tiêu thụ khá mạnh, tuy nhiên, chất lượng các mặt hàng này vẫn chưa thể được kiểm chứng hoàn toàn và rất cần sự phối hợp, kiểm tra của các đơn vị liên ngành.
Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này không chỉ nằm ở người bán, mà còn bắt nguồn từ điều kiện kinh tế – xã hội đặc thù của miền núi. Mức sống người dân thấp, thu nhập bấp bênh, lại thiếu thông tin, thiếu điều kiện tiếp cận với các sản phẩm có kiểm định chất lượng. Trong khi đó, các cơ quan chức năng dù có cố gắng nhưng vẫn chưa thể kiểm soát chặt toàn bộ mạng lưới buôn bán nhỏ lẻ, di động ở vùng sâu, vùng xa. Chính sự chênh lệch giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng về hàng hóa an toàn đã tạo ra khoảng trống để hàng rẻ, hàng trôi nổi, hàng không đảm bảo chất lượng.
Lực lượng Quản lý thị trường tăng cường các đợt kiểm tra, kiểm soát vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng. Ảnh: PV
Một nguyên nhân khác không thể bỏ qua là tâm lý chủ quan và hạn chế trong nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng vùng cao. Với thu nhập còn thấp, nhiều người dân thường lựa chọn sản phẩm giá rẻ, bao bì bắt mắt mà ít khi để ý đến nguồn gốc xuất xứ hay hạn sử dụng. Thậm chí, nhiều người còn không biết phải kiểm tra thông tin gì trên nhãn mác để đánh giá chất lượng sản phẩm, không có các thiết bị điện tử để truy xuất nguồn gốc hay tra cứu. Chính điều đó đã vô tình khiến cho hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn xuất hiện phổ biến tại các địa phương vùng núi.
“
Thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các lực lượng chức năng của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Nghệ An đã liên tiếp phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm trên địa bàn tỉnh với nhiều mặt hàng không có hóa đơn chứng từ, nhãn phụ bằng tiếng Việt, dấu hợp quy...