Siết chặt công tác đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại - Bài 3: Tiêu dùng thông minh
Nhóm Phóng viên•09/07/2025 11:24
Như đã đề cập ở các bài trước, hiện nay hàng hóa các loại, đặc biệt là thực phẩm, được bán ở khắp mọi nơi và nhiều chủng loại, dạng thức, từ bán nguyên liệu thô cho đến sơ chế, bán trực tiếp tại cửa hàng hoặc bán online đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, không phải loại thực phẩm nào cũng lành mạnh, an toàn. Vì vậy, vấn đề ở chỗ: Mỗi người cần là "người tiêu dùng thông thái" để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Như đã đề cập, hiện nay hàng hóa các loại, đặc biệt là thực phẩm, được bán ở khắp mọi nơi và nhiều chủng loại, dạng thức, từ bán nguyên liệu thô cho đến sơ chế, bán trực tiếp tại cửa hàng hoặc bán online đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, không phải loại thực phẩm nào cũng lành mạnh, an toàn. Vì vậy, vấn đề ở chỗ: Mỗi người cần là "người tiêu dùng thông thái" để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Cảnh báo “chợ online"
Chiều muộn ngày 2/7, vì công việc không thể về nhà sớm, chị Trần Minh Anh ở phường Trường Vinh, tỉnh Nghệ An lựa chọn cách “đi chợ online” để chuẩn bị cho bữa tối của gia đình. “Chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối mạng, những ngày bận rộn, tôi thường đặt đồ ăn đã chế biến tại các địa chỉ quen. Tuy mua đồ ăn sẵn như vậy giá có đắt hơn, cộng thêm phí giao hàng khoảng 15 – 20 nghìn đồng, song những người có khung giờ làm khá bận rộn như tôi thường phải lựa chọn” - chị Minh Anh cho biết.
Hỏi chị Trần Minh Anh về chất lượng và nguồn gốc của thực phẩm chị thường đặt mua trên mạng, chị cho biết, chủ yếu mua theo niềm tin và lâu dần trở thành quen biết với người bán hàng. Kể cả những người bán đồ ăn chế biến sẵn ở các chợ dân sinh, các cửa hàng mang nhãn hiệu “thực phẩm sạch”, những khách hàng như chị cũng không chắc chắn về chất lượng cũng như nguồn gốc của nguyên liệu, thực phẩm mà mình đã mua về ăn.
Thực tế hiện nay, nhiều chị em sử dụng điện thoại thông minh đều tiếp cận với nhiều nguồn bán hàng hóa trên không gian mạng thông qua các ứng dụng, tài khoản bán hàng như Shopee, Lazada, TikTok, Facebook, Zalo,… Đặc biệt, trên ứng dụng Facebook, có hàng trăm tài khoản của cá nhân cũng như các nhóm, hội rao bán thực phẩm, nguyên liệu chế biến cũng như các món ăn đã sơ chế, chế biến sẵn. Ví như các nhóm: "Chợ thực phẩm – TP. VINH", "Đồ ăn vặt Vinh"… với hàng chục nghìn thành viên tham gia. Tại các nhóm này, mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn được rao bán công khai, đa dạng từ các loại bánh ngọt, chè, nước hoa quả giải khát đủ màu sắc đến các món ăn gia đình với đa dạng nguyên liệu từ cá, thịt, rau, gia vị, hoa quả, món cho các bữa tiệc… Hầu hết các món ăn này được bán với giá rẻ hơn tại các cửa hàng và so với người tiêu dùng tự mua nguyên liệu để chế biến.
Đã có không ít trường hợp bị ngộ độc thực phẩm vì cả tin vào những thực phẩm trên mạng. Trong tháng 6 vừa qua, vì công việc bận rộn, chị Phan Tú Thảo, sinh năm 1996, nhân viên văn phòng tại một công ty trên địa bàn phường Trường Vinh đã chủ động đặt suất cơm trưa online cho 4 chị em đồng nghiệp. Suất ăn được chị đặt từ một tài khoản bán cơm văn phòng quen thuộc trên Facebook, nơi thường đăng tải hình ảnh những hộp cơm đầy đặn, bắt mắt kèm lời quảng cáo “ngon – sạch – giao nhanh tận nơi”. Mỗi suất 50 nghìn đồng, bao gồm cơm, thịt kho trứng, cá om dưa, rau xào, canh và một miếng đồ tráng miệng nhỏ.
Các loại chè được rao bán trên mạng xã hội. Ảnh: PvNước giải khát, nước bồi bổ sức khoẻ không nhãn mác được bán ở chợ Hưng Dũng, phường Trường Vinh. Ảnh: PVThức ăn chế biến sẵn thường được bán tại các chợ dân sinh, các chợ gần các khu công nghiệp, trường học. Ảnh: PV
Bữa trưa đó diễn ra nhanh chóng như mọi khi, nhưng đến khoảng 2 giờ chiều, vài người trong nhóm bắt đầu cảm thấy đầy bụng, đau âm ỉ vùng bụng dưới, sau đó là tiêu chảy nhẹ. Chị Thảo và các đồng nghiệp khác phải tạm ngừng công việc, tranh thủ ra hiệu thuốc mua thuốc tiêu hóa và nước bù khoáng. Rất may các triệu chứng không quá nặng, nhưng đủ để khiến cả nhóm mệt mỏi suốt buổi chiều. Sau sự cố, chị Thảo quay lại nhắn tin cho người bán để phản ánh tình trạng nhưng không nhận được phản hồi. Bức xúc, chị Thảo đã chia sẻ câu chuyện lên nhóm cộng đồng Facebook nơi mình từng thấy quảng cáo. Nhiều người vào xác nhận từng gặp tình trạng tương tự khi đặt cơm từ địa chỉ này. Từ đó, chị Thảo và các đồng nghiệp thống nhất không đặt cơm từ các tài khoản bán hàng online không rõ nguồn gốc nữa.
"Nở rộ" thực phẩm giá rẻ, chế biến sẵn
Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài thực trạng thực phẩm được bán trên các nền tảng mạng xã hội, thì tại nhiều chợ dân sinh, chợ đầu mối cũng có nhiều hàng quán bán thức ăn đã chế biến hoàn chỉnh và thường được bày bán nhiều ở các khung giờ tan tầm. Tại chợ Vinh, cuối các buổi chiều, tại khu vực bán thực phẩm ở phía Tây của đình chính, đủ các loại xe đẩy và các cửa hàng bán nguyên liệu đã sơ chế và thực phẩm đã nấu chín như các loại nộm, thịt quay, các loại bánh... Điều đáng nói, những hàng quán này bày bán đồ ăn trong môi trường vệ sinh không đảm bảo, xung quanh ẩm thấp, nhiều khói bụi, nhiều nơi bùn đất và rác hữu cơ bốc mùi hôi nồng nặc.
Tại chợ Hưng Dũng thuộc phường Trường Vinh, cuối các buổi chiều cũng thường có nhiều hàng quán bán thức ăn đã nấu chín như thịt, cá kho, các loại dưa, cà muối, chân gà bóp, xúc xích rán, giò chả, lòng lợn... Qua quan sát nhiều ngày qua, cho thấy những hàng quán này lượng người mua khá đông, nhiều khách đến mua đã quen thuộc với chủ hàng và ít khi có người hỏi về nguồn gốc nguyên liệu chế biến. Do giá thành hợp lý, lại tiện lợi nên những mặt hàng này đều được bán hết trong thời gian ngắn.
Thức ăn chế biến sẵn bán ở đường phố, các quán ăn nhỏ ven đường. Ảnh: PV
Đặc biệt, hiện nay các loại thức ăn nhanh trên các đường phố đã trở thành lựa chọn quen thuộc với nhiều người, đặc biệt là học sinh, sinh viên và người lao động. Tuy nhiên, phía sau sự tiện lợi và giá rẻ ấy lại tiềm ẩn nhiều mối nguy hại đối với sức khỏe, nhất là khi các món ăn như xúc xích, nem chua rán, lạp xưởng, trà tắc, sữa chua, sữa đậu nành… không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các mặt hàng này thường được bày bán hàng ngày, đặc biệt là ban đêm trên các tuyến đường lớn, khu vực trường học, điểm du lịch, các ngày diễn ra phố đêm, phố đi bộ trên địa bàn Nghệ An. Tại đây, không khó để bắt gặp những quầy hàng rong bày bán các món ăn chiên rán sẵn trong chảo dầu đen kịt, được sử dụng đi sử dụng lại nhiều lần. Xúc xích, nem rán hay lạp xưởng đều là những thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều muối, chất bảo quản và phẩm màu. Nếu bảo quản không đúng cách hoặc để lâu ngoài nhiệt độ môi trường, các sản phẩm này dễ bị biến chất, nhiễm khuẩn.
Các loại nước uống như trà tắc, sữa chua, sữa đậu nành bán rong cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Nhiều cơ sở vì lợi nhuận mà pha chế bằng nguyên liệu kém chất lượng, dùng phẩm màu và hương liệu công nghiệp không rõ nguồn gốc. Nước được sử dụng đôi khi là nước lã chưa qua xử lý. Các loại đồ uống này lại thường được đựng trong chai nhựa tái sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm vi sinh vật gây bệnh. Khi tiêu thụ, người ăn có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, thậm chí tích tụ chất độc lâu dài gây hại gan, thận, mặc dù biết nguy hại nhưng với giá bán chỉ từ 10.000 đồng, nhiều người vẫn chủ quan mua sử dụng.
Bên cạnh các thực phẩm chế biến sẵn, thì loại hình buffet giá rẻ cũng đã xuất hiện rầm rộ ở nhiều đô thị trên cả nước trong thời gian qua. Tại Nghệ An, mô hình buffet này cũng xuất hiện trên nhiều tuyến đường ở đô thị Vinh (cũ) như Nguyễn Huy Oánh, Trần Đăng Dinh, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Cừ… chỉ trên dưới 100.000 đồng, người dân có thể ăn thả ga các món như thịt bò, ba chỉ lợn, nầm, lòng, mực cắt khoanh, bạch tuộc, gà, tôm…
Thực phẩm chế biến sẵn không bao bì, nhãn mác và được quét các lớp gia vị sặc sỡ, nhiều dầu mỡ. Ảnh: PV
Các thực phẩm này đều được quét các lớp gia vị sặc sỡ. Nhiều món có dấu hiệu đông lạnh nhiều lần, chảy nước, thậm chí bốc mùi hôi. Thực tế cho thấy, một khi đặt vấn đề chi phí thực phẩm vào phép toán kinh doanh, thì mô hình buffet giá rẻ sẽ hiện nguyên hình là một “canh bạc” với sức khỏe người dùng. Đơn cử như 1 cân thịt bò trên thị trường khoảng 200.000 đồng thì không thể chỉ với 100.000 đồng, thực khách lại được phục vụ vô số món, không thể nào có thực phẩm tươi, sạch.
Tuyên truyền, khuyến cáo tiêu dùng thông minh
Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ, truy tố nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận, làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Những thông tin đó đều được công khai, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ở phường Trường Vinh, tại tổ dân cư thuộc phường Hưng Dũng cũ, trước những cảnh báo của “nạn” thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng kém chất lượng, nhiều chị em nội trợ vẫn thường nhắc nhở nhau thực hiện “tiêu dùng thông minh” để không ảnh hưởng sức khỏe bản thân và gia đình, như trường hợp của mẹ con chị Nguyễn Thị Thương.
Trước Tết Nguyên đán năm 2025, con trai chị Thương đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, song do thường xuyên ăn đồ ăn chế biến sẵn và uống nhiều nước ngọt đóng chai, chỉ một thời gian ngắn con trai chị Thương bị suy thận và điều trị tại bệnh viện ở Đài Loan hết hơn 1 tỷ đồng nhưng không khỏi. Chị Thương và chồng đã bán đất, chuyển nhà để có tiền đưa con về nước chạy thận, chữa trị. Song do thận đã suy nặng, không thể lọc máu, chị Thương đã phải hiến một quả thận để ghép cho con trai. Sau gần nửa năm điều trị với hàng tỷ đồng chi phí, đến nay hai mẹ con chị Thương đã dần bình phục, trở lại cuộc sống thường ngày với chế độ ăn uống theo chỉ định.
Chị Nguyễn Thị Thương bày tỏ, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, đặc biệt nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Đối với trường hợp con trai của chị, chỉ một thời gian ngắn lơ là không để ý lựa chọn thực phẩm tốt, sử dụng quá liều lượng trong thời gian liên tục đã dẫn đến hậu quả như vậy. Qua sự việc của gia đình mình, chị Thương cũng muốn nhắn nhủ những người nội trợ, các chị em phụ nữ hãy luôn tỉnh táo, tiêu dùng thông minh, bày dạy cho con cái tránh xa các loại thực phẩm độc hại, có nguy cơ độc hại, đặc biệt là các loại đồ hộp, đồ ăn nhanh, nước ngọt.
Lực lượng chức năng kiểm tra kinh doanh hàng thực phẩm trên thị trường. Ảnh: PV
Thành phố đã vậy, tại những địa phương vùng biên, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, ý thức mua hàng chuẩn lại càng khó khăn. Với họ, việc mua sản phẩm giá cao, một gói kẹo vài chục nghìn đồng là cả một sự cân nhắc. Anh Lương Văn Mạnh, xã Tiền Phong chia sẻ: “Thấy rẻ thì mua thôi, chứ mình cũng không biết thật giả thế nào. Nhìn bao bì đẹp là tin tưởng…”.
Tâm lý ham rẻ, sự thiếu hiểu biết về hàng hóa, cộng với địa hình miền núi rộng lớn, giao thông cách trở, khiến người dân vùng cao gần như bị lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn hàng từ các thương lái hoặc xe hàng lưu động. Những chiếc xe bán hàng rong vốn không được kiểm tra, giám sát thường xuyên trở thành nguồn cung cấp chính cho nhiều bản làng hẻo lánh. Mối quan hệ giữa người bán và người mua đơn giản chỉ là “quen biết – tin tưởng – mua bán”. Nhưng chính điều đó đã khiến hàng giả, hàng kém chất lượng dễ dàng len lỏi vào từng hộ gia đình ở vùng cao.
Để bảo vệ chính mình, người tiêu dùng cần chấp hành các quy định của pháp luật trong các hoạt động giao dịch thương mại, trao đổi hàng hóa trên thị trường, thay đổi thói quen mua sắm, kiên quyết nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Người dân cần trang bị kiến thức, thông tin để trở thành người tiêu dùng thông thái, lựa chọn mua các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có hóa đơn chứng từ hợp pháp, khi mua bán hàng hóa dịch vụ phải có chứng từ, hóa đơn để bảo vệ quyền lợi tiêu dùng khi xảy ra khiếu nại, tranh chấp.
Một trong những giải pháp đơn giản và hữu hiệu nhất hiện nay là kiểm tra mã vạch, mã QR trên sản phẩm, cho phép người dùng dễ dàng tra cứu thông tin về nguồn gốc, nơi sản xuất, thành phần… chỉ trong vài giây. Đối với hàng hóa hợp pháp, thông tin trả về sẽ đầy đủ, rõ ràng, khớp với bao bì. Trong khi đó, hàng giả thường có mã vạch không truy xuất được, hoặc dẫn đến dữ liệu mập mờ, sai lệch.
Người tiêu dùng nên ưu tiên lựa chọn thực phẩm, hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: PV
Bên cạnh mã vạch, việc quan sát kỹ bao bì, tem chống giả và nhãn mác cũng rất quan trọng. Hàng chính hãng thường có bao bì được in sắc nét, chất liệu tốt, không sai chính tả, không nhòe mực. Tem chống giả nếu có thì phải còn nguyên vẹn, không bị bong tróc hoặc dán đè. Một dấu hiệu rõ ràng khác để cảnh giác là giá bán quá thấp. Những mặt hàng có giá “rẻ bất thường”, giảm tới 50-70% so với giá niêm yết thông thường là điều cần nghi ngờ. Nhiều vụ việc đã được ghi nhận, trong đó người tiêu dùng mua phải mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc tây giả chỉ vì ham rẻ, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí là tử vong.
Bởi vậy, người tiêu dùng thông minh không chỉ quan tâm đến giá rẻ, mà còn đặt câu hỏi: “Sản phẩm này có nguồn gốc rõ ràng không?”, “Tại sao giá rẻ đến vậy?”, “Đơn vị bán có đáng tin cậy không?”. Song song với đó, nếu phát hiện ra các sai phạm, người tiêu dùng cần kịp thời phản ánh đến các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của mình cũng như hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật để phát hiện, tố cáo các vi phạm, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.
“
Theo báo cáo của Sở Y tế Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm 2025, công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được triển khai trên diện rộng. Tổng cộng có hơn 4.000 cơ sở được kiểm tra, trong đó 104 cơ sở vi phạm, chủ yếu là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Tổng số tiền xử phạt hành chính gần 183 triệu đồng. Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm, khiến 45 người mắc nhưng không có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm trước, tăng hơn 1 vụ.