HĐND tỉnh Nghệ An đề xuất nghiên cứu tiếp nhận Trường THPT Hermann Gmeiner Vinh vào hệ thống trường công lập
Một trong những nội dung quan trọng được trình tại Kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh Nghệ An khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 liên quan đến công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh, trong đó kiến nghị nghiên cứu tiếp nhận Trường THPT Hermann Gmeiner Vinh vào hệ thống trường công lập.

Tại Kỳ họp, HĐND tỉnh đã được nghe đồng chí Chu Đức Thái - Uỷ viên Thường trực, Trưởng ban Văn hoá và Xã hội HĐND tỉnh báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Nhiều kết quả tích cực
Theo báo cáo giám sát, giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh đã thực hiện sáp nhập 31 trường và giảm 200 điểm trường lẻ mầm non và phổ thông công lập; giảm 1 Trung tâm Hướng nghiệp Nghệ An; giảm 14 đầu mối về chức năng giáo dục nghề nghiệp; sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An vào Đại học Kinh tế Nghệ An và đổi tên thành Trường Đại học Nghệ An.

Tỉnh đã xây dựng và triển khai có hiệu quả mô hình trường Phổ thông dân tộc bán trú kiểu mới, trường trọng điểm chất lượng cao, trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế.
Hệ thống trường Dân tộc nội trú, trường Phổ thông dân tộc bán trú, đang được củng cố và triển khai xây dựng tại nhiều địa phương theo định hướng của Trung ương.
Kết quả thực hiện sắp xếp mạng lưới trường lớp đã góp phần thu gọn đầu mối, từ đó đầu tư trọng tâm, trọng điểm hơn, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư.
Hiện toàn tỉnh có 1.507 trường; trong đó 540 trường mầm non, 479 trường tiểu học, 397 trường THCS và 91 trường THPT; có 19 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp, 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên và 412 trung tâm học tập cộng đồng cấp xã.
Trên địa bàn tỉnh có 6 trường đại học; 35 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 09 trường cao đẳng, 12 trường trung cấp, 01 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 13 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp.

Giải quyết các vấn đề tồn tại
Bên cạnh các kết quả tích cực, Trưởng ban Văn hoá và Xã hội HĐND tỉnh Chu Đức Thái cũng báo cáo một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, số lượng các điểm trường lẻ trên địa bàn toàn tỉnh còn nhiều, đặc biệt là ở bậc học mầm non và tiểu học (toàn tỉnh còn 882 điểm lẻ), gây khó khăn trong việc đảm bảo điều kiện học tập, nâng cao chất lượng giáo dục.
Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học của mạng lưới giáo dục mầm non và phổ thông tuy đã được quan tâm đầu tư bổ sung, hoàn thiện nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân và chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chậm so với yêu cầu, kế hoạch đề ra. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn dàn trải; chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên còn hạn chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp lạc hậu, cũ kỹ, năng lực nghiên cứu thực tiễn không theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ, không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Kiến nghị 5 nhóm vấn đề
Thông qua kết quả giám sát, HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh 5 nhóm vấn đề. Trọng tâm là rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp trong thời gian qua để kịp thời điều chỉnh, xây dựng kế hoạch sắp xếp mạng lưới trường lớp cho giai đoạn 2026 - 2030 phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, quy hoạch của ngành Giáo dục - Đào tạo, tốc độ gia tăng dân số, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các địa phương, các quy định, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh khi thực hiện xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tiếp tục có kế hoạch bố trí nguồn ngân sách chi đầu tư cho giáo dục trong giai đoạn 2026 - 2030, trọng tâm, trọng điểm cho việc thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp.
Tiến hành đánh giá việc thực hiện các chỉ đạo, chủ trương, chính sách, các Nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế chính sách trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo; từ đó đề xuất xây dựng chính sách cho giai đoạn 2026 - 2030 sát thực, hiệu quả, thúc đẩy phát triển giáo dục – đào tạo tỉnh nhà.

Tiếp tục sáp nhập các trường có quy mô nhỏ, chưa đảm bảo điều kiện dạy học; sáp nhập các điểm lẻ, lớp ghép trên địa bàn tỉnh. Tập trung đầu tư xây dựng, phát triển các trường phổ thông nội trú, trường phổ thông bán trú ở vùng miền núi, biên giới; tăng cường quy hoạch, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp… nhằm đáp ứng điều kiện học tập, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả đầu tư.
Nghiên cứu số lượng các trường THPT trên địa bàn thành phố Vinh (cũ) để có phương án đảm bảo trường lớp học tập cho học sinh, trong đó đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở 2 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, xem xét tiếp nhận và mở rộng Trường THPT Hermann Gmeiner Vinh vào hệ thống trường công lập.
Đẩy nhanh việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc tỉnh quản lý theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; hợp lý về cơ cấu ngành, nghề; cơ cấu trình độ đào tạo, trong đó nghiên cứu tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển 3 cơ sở đào tạo nghề theo vùng như: Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Miền Tây, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú; đồng thời tập trung nguồn lực cho 3 trường cao đẳng nghề trọng điểm hiện nay của tỉnh gồm: Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, Cao đẳng Việt Đức, Cao đẳng Du lịch Thương mại Nghệ An.
Rà soát lại toàn bộ hệ thống trụ sở làm việc dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính bỏ cấp huyện, nhập xã trên địa bàn tỉnh để nghiên cứu ưu tiên chuyển đổi công năng để xây dựng phòng học, nhà ở công vụ cho giáo viên, nhất là ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nghiên cứu có các chính sách khuyến khích mở rộng xã hội hoá giáo dục, trong đó ưu tiên chuyển giao các cơ sở trụ sở không còn sử dụng hoặc ưu tiên đất đai,… cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giáo dục…