Nghệ An: Duy trì tiến độ, không để bị 'đóng băng' dự án đầu tư công quy mô lớn sau sáp nhập xã
Từ ngày 1/7/2025, mô hình tổ chức chính quyền hai cấp chính thức được vận hành tại các địa phương sau sáp nhập xã. Nhiều người dân tỏ ra băn khoăn: Liệu các công trình, dự án đang thi công dở dang có bị gián đoạn ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình và quyền lợi dân sinh?
Một số công trình do xã làm chủ đầu tư đang tạm dừng
Thời điểm đầu tháng 7, khi Nghệ An chính thức vận hành chính quyền hai cấp sau sáp nhập, nhiều dự án do xã làm chủ đầu tư đang phải tạm dừng, chờ hoàn thiện bộ máy và rà soát kế hoạch đầu tư.

Tại xã Tiên Đồng, địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn, hiện có hai công trình quan trọng là Trường Tiểu học Đồng Văn 3 và Trường Mầm non Đồng Văn 1 với tổng mức đầu tư mỗi công trình từ 8 – 10 tỷ đồng, bằng nguồn ngân sách địa phương và huy động từ người dân.
Tuy nhiên, hiện các công trình này đã phải tạm dừng thi công do thiếu vốn và cần hoàn thiện các thủ tục sau sáp nhập xã. “Chúng tôi đang tập trung kiện toàn bộ máy chính quyền mới. Sau khi ổn định tổ chức, xã sẽ bàn với nhà thầu để tiếp tục thi công, phấn đấu hoàn thành trước năm học mới”, ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch UBND xã Tiên Đồng thông tin.
Cũng trên địa bàn xã Tiên Đồng, dự án nâng cấp đường chính vào trung tâm xã và một số tuyến vào các thôn, bản vùng trong vẫn đang tiếp tục thi công do được quản lý bởi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tân Kỳ – là đơn vị cấp huyện nên không bị gián đoạn.
Ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch UBND xã Tiên Đồng cho rằng, các dự án do các xã cũ làm chủ đầu tư đang thi công dở dang trước đây, đã được xã mới tiếp nhận. Đây là những công trình trọng điểm của xã, do vậy sau khi bộ máy của chính quyền cấp xã hoạt động ổn định, địa phương sẽ bố trí ngân sách, cùng với nguồn đóng góp của người dân để tiếp tục thi công.

Tại xã Tân An – địa phương mới sau sáp nhập, hiện có dự án đường giao thông từ hội trường xóm Phú Cốc đến đường ĐH 370 do xã làm chủ đầu tư, đang tạm dừng. Ông Nguyễn Viết Đức – Chủ tịch UBND xã Tân An, cho biết: “Theo quy định, xã mới thành lập có trách nhiệm kế thừa, tiếp nhận các dự án của xã cũ. Sau khi rà soát, chúng tôi đang xây dựng phương án tiếp tục thi công công trình nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân”.
Một điểm sáng trong giai đoạn sáp nhập xã là tại xã Châu Tiến. Tại đây, dự án xây dựng dãy phòng học 2 tầng của Trường THCS bán trú Bính Thuận (do ngân sách nhà nước đầu tư) vẫn được nhà thầu duy trì thi công liên tục. Quan sát thực tế cho thấy, công trình đang được triển khai phần móng, vật liệu tập kết đầy đủ, công nhân làm việc đều đặn. Đại diện nhà thầu cho biết: “Mặc dù địa phương đang ổn định tổ chức sau sáp nhập, nhưng tiến độ dự án vẫn không bị gián đoạn. Mỗi ngày đều có công nhân thi công, quyết tâm hoàn thành sớm”, đại diện đơn vị thi công chia sẻ.

Ông Nguyễn Tiến Hùng - Chủ tịch UBND xã Châu Tiến cho hay, dự án Trường THCS bán trú Bính Thuận được đầu từ bằng nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia, nên địa phương luôn giám sát nhà thầu thi công liên tục, nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Các công trình đầu tư công vẫn giữ tiến độ
Nếu như các dự án do xã làm chủ đầu tư đang tạm dừng thi công, thì với các dự án do huyện trước đây làm chủ đầu tư vẫn đẩy nhanh tiến độ.
Trên địa bàn huyện Tân Kỳ (cũ) hiện có 7 công trình, dự án được Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công đang triển khai xây dựng. Cụ thể gồm các dự án: nâng cấp đường Hương – Phú – Hành; nâng cấp đường từ ngã tư Tân An đi xã Tiên Đồng; nâng cấp giao thông nội thị xã Tân Kỳ; xây dựng cầu Khe Đá tại xã Tiên Đồng; mở rộng tuyến từ xã Tân Kỳ đi xã Nghĩa Hành; nâng cấp tuyến từ xã Tân An đi bản Tân Sơn 2 (xã Tiên Đồng); và dự án nâng cấp đường từ ngã ba Đồng Lau đi xóm Thung Mòn (xã Tiên Đồng).

Ông Nguyễn Tất Hải – đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tân Kỳ khẳng định: Việc sáp nhập xã, bỏ cấp huyện không ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn. Tất cả các công trình do huyện (trước đây) làm chủ đầu tư đều đang được thi công bình thường. Dự án nâng cấp đường Hương – Phú – Hành đã cơ bản hoàn thành, giải ngân gần hết 148 tỷ đồng vốn đầu tư. Dự án đường Tân An – Tiên Đồng đã giải ngân 40/70 tỷ đồng. Dự án giao thông nội thị xã Tân Kỳ thi công đạt 60% khối lượng, với 45/75 tỷ đồng đã được giải ngân. Cầu Khe Đá đã giải ngân 12/17 tỷ đồng…
Dù vậy, ông Hải cũng bày tỏ lo ngại về phần vốn đối ứng do huyện cũ cam kết trước đây: “Sau khi cấp huyện không còn, nhiều dự án chưa rõ sẽ xử lý phần vốn đối ứng ra sao. Ví dụ, dự án đường nội thị thị trấn Tân Kỳ (cũ) phần vốn đối ứng 13 tỷ đồng chưa được giải ngân. Nếu không có hướng dẫn cụ thể, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình”.
Tại địa bàn huyện Con Cuông (cũ) có 18 công trình, dự án đầu tư công đang thi công. Tuy nhiên, theo ông Mai Quang Hợi – đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Con Cuông, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, không bị ảnh hưởng.

“Ban vẫn giữ nguyên tổ chức và thực hiện các dự án theo tiến độ. Các công trình như Trường Trung học phổ thông nội trú Con Cuông (tổng vốn 83 tỷ đồng) đã hoàn thành 50% khối lượng, giải ngân 40% vốn; Cầu Khe Mọi (xã Môn Sơn) trị giá gần 50 tỷ đồng cũng đã thi công được 40%”, ông Hợi chia sẻ.
Tương tự, các công trình, dự án do cấp huyện (cũ) làm chủ đầu tư khác cũng vậy, tiến độ thi công vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, vấn đề mà các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các địa phương đang băn khoăn là phần vốn đối ứng của cấp huyện trước đây sẽ tháo gỡ như thế nào để đảm bảo tiến độ dự án.

Việc vận hành chính quyền hai cấp sau sáp nhập xã là bước đi lớn trong cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, hướng đến phục vụ người dân tốt hơn. Điều đáng ghi nhận là phần lớn các công trình, dự án, nhất là những dự án đầu tư công quy mô lớn, vẫn đang được duy trì, không bị “đóng băng” trong giai đoạn chuyển tiếp.
Tuy nhiên, các địa phương vẫn cần sớm có phương án xử lý các dự án do cấp xã cũ làm chủ đầu tư, đặc biệt là vấn đề vốn đối ứng và trách nhiệm pháp lý của đơn vị tiếp nhận. Đồng thời, cần sự hướng dẫn cụ thể của cấp tỉnh trong việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý để công trình sớm được hoàn thiện, phục vụ đời sống dân sinh./.