Chuyển đổi số

Những mẹo đơn giản giúp kéo dài tuổi thọ cho Smart TV

Phan Văn Hòa 10/07/2025 06:33

Smart TV ngày càng phổ biến trong mỗi gia đình, nhưng không phải ai cũng biết cách bảo quản đúng cách. Bài viết này sẽ chia sẻ những mẹo đơn giản mà hiệu quả giúp kéo dài tuổi thọ cho chiếc Smart TV của bạn.

Chiếc Smart TV đắt tiền trong phòng khách không chỉ là trung tâm giải trí mà còn là một khoản đầu tư lâu dài nếu bạn biết cách chăm sóc đúng cách. Với một vài thói quen bảo trì đơn giản, bạn hoàn toàn có thể kéo dài tuổi thọ thiết bị lên đến cả chục năm, thay vì phải thay mới chỉ sau vài năm sử dụng.

Vệ sinh Smart TV đúng cách

Một trong những bước quan trọng nhất là vệ sinh đúng cách. Đừng nhầm lẫn màn hình TV với gương phòng tắm, việc dùng các chất tẩy rửa mạnh như cồn, amoniac, hoặc nước lau kính có thể phá hủy lớp phủ chống chói và gây hỏng vĩnh viễn.

Ảnh minh họa
Một trong những bước quan trọng nhất là vệ sinh Smart TV đúng cách. Ảnh: Internet.

Samsung và nhiều nhà sản xuất khác đều khuyến cáo chỉ nên dùng khăn sợi nhỏ mềm, chống tĩnh điện, tương tự loại dùng để lau kính mắt hoặc ống kính máy ảnh, để lau màn hình nhẹ nhàng theo chuyển động tròn.

Đối với các vết bẩn cứng đầu như dấu vân tay, bạn có thể làm ẩm nhẹ khăn bằng nước cất thay vì xịt trực tiếp lên màn hình.

Sử dụng bộ chống sét lan truyền

Một trong những cách hiệu quả nhất để bảo vệ Smart TV của bạn khỏi các rủi ro về điện là đầu tư vào bộ chống sét lan truyền chất lượng cao. Hầu hết các nhà sản xuất TV đều khuyến nghị sử dụng thiết bị này nhằm ngăn chặn thiệt hại từ các đợt tăng điện áp đột ngột, nguyên nhân phổ biến gây hỏng hóc cho các linh kiện điện tử nhạy cảm bên trong TV.

Tuy nhiên, đừng quên rằng bộ chống sét lan truyền cũng có “tuổi thọ” nhất định, thường từ 3 đến 5 năm và cần được thay thế sau mỗi sự cố điện nghiêm trọng. Một khoản đầu tư nhỏ hôm nay có thể giúp bạn tránh được thiệt hại lớn sau này.

Hãy nhẹ nhàng khi rút cáp

Bạn đã bao giờ phải luồn tay vào phía sau chiếc Smart TV treo sát tường chỉ để rút một sợi cáp HDMI? Và rồi bạn cố giật mạnh ở một góc nghiêng vì không thể nhìn thấy đầu cắm? Hành động tưởng như vô hại ấy lại có thể khiến bạn phải trả giá đắt.

Các cổng HDMI, USB và nhiều đầu vào khác trên TV hiện đại đều rất dễ bị hỏng, đặc biệt là trên các mẫu TV siêu mỏng. Việc rút cáp sai cách có thể làm cong các chân tiếp xúc, khiến tín hiệu chập chờn, thậm chí làm hỏng bảng mạch bên trong.

Ảnh minh họa1
Việc rút cáp sai cách có thể làm cong các chân tiếp xúc, khiến tín hiệu chập chờn, thậm chí làm hỏng bảng mạch bên trong. Ảnh: Internet

Để tránh điều đó, hãy luôn rút cáp bằng cách nắm vào đầu nối, kéo thẳng ra thay vì dùng lực ở dây cáp. Nếu góc quá khuất, hãy dùng đèn pin hoặc nhờ người giữ TV giúp.

Nếu bạn thường xuyên thay đổi thiết bị ví dụ như máy chơi game hoặc laptop thì hãy đầu tư vào bộ chuyển mạch HDMI. Thiết bị này luôn gắn cố định với TV, cho phép bạn cắm/rút dễ dàng từ vị trí thuận tiện mà không lo làm hỏng cổng gốc.

Giữ các vật thể tránh xa màn hình

Dù trông có vẻ cứng cáp, màn hình TV, đặc biệt là loại OLED và LCD cực kỳ dễ tổn thương. Chỉ một cú chạm nhẹ từ một món đồ chơi, quyển sách, hoặc vật dụng lau chùi vô tình rơi từ kệ phía trên cũng có thể gây ra điểm chết, nứt màn hình hoặc hỏng lớp hiển thị bên trong. Và đáng tiếc, những hư hỏng này thường không nằm trong phạm vi bảo hành.

Nguy cơ càng cao hơn trong gia đình có trẻ nhỏ hoặc vật nuôi. Một viên đạn xốp tưởng chừng vô hại cũng có thể để lại hậu quả không thể khắc phục. Tương tự, việc đặt đồ vật như điều khiển, chậu cây hay đồ trang trí lên kệ phía trên TV cũng là rủi ro tiềm tàng nếu chúng rơi xuống.

Vì vậy, hãy thiết lập một “vùng an toàn” xung quanh TV. Với nhà có trẻ nhỏ, bạn nên đầu tư miếng dán bảo vệ màn hình để tăng khả năng chống va đập. Nếu dùng giá treo tường, hãy đảm bảo chúng chắc chắn và kiểm tra định kỳ các ốc vít. Một phút lơ là có thể khiến bạn phải thay cả chiếc TV chỉ vì một vết nứt nhỏ.

Chú ý nhiệt độ và độ ẩm

Smart TV không chỉ cần hình ảnh đẹp, mà còn cần được đặt đúng chỗ để hoạt động bền bỉ. Nhiệt độ lý tưởng cho TV thường nằm trong khoảng 5°C đến 40°C, tương đương điều kiện phòng bình thường. Đặt TV ở nơi quá nóng, quá lạnh hoặc ẩm ướt như tầng hầm thiếu thông gió có thể gây ngưng tụ hơi nước bên trong, dẫn đến nguy cơ đoản mạch và hư hỏng bảng mạch.

Nhiệt độ cao còn buộc hệ thống làm mát bên trong phải hoạt động quá mức, khiến linh kiện nhanh xuống cấp. Vì vậy, dù nhìn có vẻ đẹp mắt, bạn không nên lắp TV phía trên lò sưởi hay nơi có ánh nắng chiếu trực tiếp cả ngày.

Một lưu ý quan trọng khi di chuyển TV từ nơi lạnh sang nơi ấm, đừng bật ngay. Sự chênh lệch nhiệt độ có thể khiến hơi nước tích tụ bên trong tấm nền, và việc bật máy quá sớm có thể gây hư hỏng không thể khắc phục. Tốt nhất, hãy để TV “làm quen” với môi trường mới trong vài giờ trước khi sử dụng.

Hãy cho TV một chút thời gian nghỉ ngơi

Dù được thiết kế để hoạt động bền bỉ, Smart TV vẫn cần được nghỉ ngơi định kỳ. Việc để TV chạy liên tục 24/7, dù để hiển thị bảng thông tin, giám sát camera hay làm màn hình máy tính sẽ gây hao mòn không cần thiết lên đèn nền, bộ xử lý và hệ thống tản nhiệt.

Giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả là thiết lập lịch tắt/mở tự động trong cài đặt của TV, hoặc sử dụng phích cắm thông minh để chủ động kiểm soát thời gian hoạt động.

Ngoài ra, hãy tắt hoàn toàn và rút phích cắm ít nhất một lần mỗi tuần, trong khoảng 30 giây. Việc này giúp xóa bộ nhớ tạm, làm mới hệ điều hành và kéo dài tuổi thọ linh kiện. Cũng giống như con người, TV của bạn hoạt động tốt nhất khi có thời gian nghỉ hợp lý.

Cập nhật phần mềm

Smart TV ngày nay không khác gì một chiếc máy tính có màn hình lớn và cũng như bất kỳ máy tính nào, chúng cần được cập nhật phần mềm định kỳ để hoạt động ổn định, an toàn và tận dụng được các tính năng mới nhất.

Các bản cập nhật phần mềm thường bao gồm vá lỗi bảo mật, cải tiến hiệu suất và bổ sung tính năng mới nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, không ít người dùng lại bỏ qua hoặc thậm chí không biết đến chúng.

May mắn là các TV hiện đại từ Samsung, LG, Sony, TCL... đều hỗ trợ kiểm tra và cập nhật tự động. Dù vậy, bạn vẫn nên kiểm tra trong phần cài đặt, thường nằm trong mục “Hệ thống”, “Hỗ trợ” hoặc “Giới thiệu” để đảm bảo tính năng cập nhật tự động đang được bật. Nếu không, hãy đặt lịch nhắc hàng tháng để kiểm tra và cập nhật thủ công.

Đôi khi, sau một bản cập nhật lớn, TV cũ có thể chậm lại tạm thời do hệ thống đang tái cấu trúc hoặc tối ưu hóa tính năng mới. Nếu gặp tình trạng này, thử tắt nguồn hoàn toàn và rút phích cắm trong 30 giây, một mẹo đơn giản nhưng thường giúp cải thiện hiệu suất rõ rệt.

Chỉ với một chút chú ý, bạn có thể kéo dài gấp đôi, thậm chí gấp ba tuổi thọ sử dụng của chiếc Smart TV mà không cần đến công cụ kỹ thuật hay chi phí bổ sung nào. Cập nhật định kỳ không chỉ là bảo trì, mà còn là cách đầu tư thông minh cho trải nghiệm giải trí hàng ngày của bạn.

Phan Văn Hòa