'Đi quen rồi, mặc áo phao vướng lắm': Người dân Nghệ An phớt lờ nguy hiểm, đi đò không áo phao mùa lũ
Hiện nay, địa bàn Nghệ An vẫn còn nhiều bến đò ngang hoạt động phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, bất chấp nguy cơ tai nạn trong mùa mưa lũ, nhiều hành khách vẫn chủ quan, không mặc áo phao khi qua sông.
Thực trạng này đang đặt ra những lo ngại lớn về an toàn giao thông đường thủy, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn từ các cơ quan chức năng và ý thức tự bảo vệ chính mình của người dân.
.jpg)
Ghi nhận tại bến đò Cung - nơi nối đôi bờ sông Lam giữa 2 xã Cát Ngạn và Thuần Trung, vào thời điểm nước sông dâng cao, dòng chảy đục ngầu và mạnh, nhiều hành khách vẫn thản nhiên lên thuyền mà không hề mặc áo phao. Mặc dù trên thuyền đều có sẵn áo phao được trang bị đầy đủ, nhưng thực tế hầu hết người đi đò đều bỏ qua việc sử dụng trang bị cứu sinh này.
Anh Nguyễn Văn Tình (xã Cát Ngạn), một người dân thường xuyên đi đò cho biết: “Chúng tôi đi quen rồi, mặc áo phao vừa mất thời gian lại vướng víu nên thôi”.

Câu chuyện của anh Tình không phải cá biệt. Theo chia sẻ của chủ đò tại bến đò Cung, mỗi ngày, đò phục vụ từ 70 - 80 chuyến, do nhu cầu đi lại của người dân 2 xã rất lớn, nhất là khi cầu Đò Cung chưa thể thông xe do còn đang thi công đường dẫn 2 đầu cầu. “Chúng tôi cũng nhắc khách mặc áo phao, nhưng cũng chỉ nhắc được vậy. Có người nghe, có người không nghe. Còn mặc hay không thì không ai ép được”, chủ đò nói.
Điều kiện cơ sở vật chất tại các bến đò cũng đang ở mức đáng lo ngại. Tại bến đò Cung, mặt sàn đò không có lan can hay tay vịn, khiến người và phương tiện dễ trượt xuống nước nếu gặp sóng to. Các điểm lên, xuống thuyền chỉ được lót bằng những tấm ván gỗ đơn sơ, mỗi khi đò cập bến là ván tròng trành theo sóng, rất khó giữ thăng bằng, đặc biệt đối với người điều khiển xe máy.

Theo ghi nhận, hai bên bến đều chưa được đầu tư xây dựng đúng chuẩn, không có bảng nội quy, không có niêm yết giá vé công khai. Tất cả đều mang tính chất tạm bợ, tồn tại vì nhu cầu đi lại của người dân chứ không đi kèm các biện pháp bảo đảm an toàn tương xứng.
Ông Trần Xuân Hà - Chủ tịch UBND xã Cát Ngạn cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở tại bến đò Cung. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan. Khi có kiểm tra thì mặc áo phao, không có thì lại bỏ. Mong muốn của xã là cầu Đò Cung sớm đưa vào sử dụng để xóa đi bến đò này.

Tình trạng thiếu an toàn không chỉ tồn tại ở bến đò Cung. Tại bến đò Nguộc nối đôi bờ sông Lam, nơi phục vụ nhu cầu đi lại của người dân 2 xã Xuân Lâm và Hoa Quân, tình hình cũng tương tự. Bến đò này được đầu tư sơ sài, nhà chờ lụp xụp, tường vách xiêu vẹo. Biển nội quy đã hoen rỉ, thậm chí bị bụi cây che khuất, không ai đọc được. Trong khi đó, mỗi chuyến đò qua lại trên dòng sông Lam vẫn tiếp tục lặng lẽ chở khách mà không mấy ai chịu mặc áo phao.
Trên toàn tỉnh Nghệ An hiện có 7 bến đò chở khách qua sông đang hoạt động thường xuyên, gồm: bến Vạn Rú (xã Thiên Nhẫn), bến đò Phuống và Rú Nguộc (xã Xuân Lâm), bến đò Cung (xã Cát Ngạn), bến Tào Sơn (xã Yên Xuân), bến Lĩnh Sơn (xã Anh Sơn Đông), bến Cồn Phối và Thái Sơn (xã Nghĩa Hành). Ngoài ra, trên lòng hồ thủy điện Hủa Na (xã Thông Thụ) cũng có 2 bến đò có giấy phép hoạt động phục vụ người dân.

Tuy nhiên, không phải bến đò nào cũng được đầu tư bài bản và đảm bảo đủ các tiêu chí an toàn. Sự thiếu hụt hạ tầng, cộng với thói quen chủ quan của người dân đang khiến những chuyến đò này trở thành nỗi lo lớn mỗi khi mùa mưa lũ về.
Trong bối cảnh nhiều địa phương vẫn chưa có cầu qua sông, đò ngang vẫn là phương tiện đi lại không thể thay thế. Tuy nhiên, chính quyền và ngành chức năng không thể đứng ngoài cuộc trước những nguy cơ an toàn đường thủy đang hiển hiện.

Thời gian tới, các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân về việc bắt buộc mặc áo phao khi qua đò. Song song với đó, cần đẩy mạnh kiểm tra, nhắc nhở chủ đò bổ sung thiết bị cứu sinh, cải thiện cơ sở vật chất bến bãi và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.


Việc đảm bảo an toàn cho các chuyến đò ngang không chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương hay chủ đò, mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Bởi chỉ cần một sự bất cẩn, một lần chủ quan, hậu quả có thể không gì bù đắp được.