Sắp xếp tinh gọn bộ máy

Nghệ An thành lập 23 công đoàn xã, phường sau tinh gọn, đảm bảo chăm lo lợi ích đoàn viên, người lao động trong tình hình mới

Diệp Thanh 11/07/2025 11:17

Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An đã xây dựng Đề án thành lập Công đoàn xã, phường trên địa bàn tỉnh.

Tinh gọn để hiệu quả

Việc thành lập Công đoàn xã, phường sẽ tuân thủ nguyên tắc tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, dựa trên các tiêu chí và điều kiện cụ thể, phù hợp với thực tiễn hoạt động Công đoàn tại địa phương.

Theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các xã, phường có từ 1.500 đoàn viên và 10 công đoàn cơ sở trở lên sẽ thành lập Công đoàn xã, phường. Đối với những xã, phường không đủ điều kiện, sẽ thực hiện mô hình Công đoàn liên xã/phường bằng cách ghép với 1 xã, phường lân cận có đông đoàn viên hoặc nhiều Công đoàn cơ sở. Công đoàn này sẽ chịu trách nhiệm quản lý đoàn viên, Công đoàn cơ sở và phát triển đoàn viên mới trong cụm, với mục tiêu đạt tối thiểu 1.500 đoàn viên và 10 Công đoàn/nghiệp đoàn cơ sở.

bna_lien-doan-lao-dong-de-an-tinh-gon-cong-doan.-anh-diep-thanh00002-223a3536ddc61d2b4a498a525a5bcbaf.jpg
Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị trình Đề án tinh gọn tổ chức công đoàn. Ảnh: Diệp Thanh

Bà Phan Thị Trang – Phó ban Công tác Công đoàn, người trực tiếp tham gia xây dựng đề án cho biết: Nghệ An sẽ triển khai việc thành lập Công đoàn cấp xã, phường một cách thận trọng, dựa trên Quy định số 301-QĐ/TW về biên chế cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã (định hướng khoảng 8-10 biên chế). Trước mắt, Công đoàn cấp xã, phường sẽ được thành lập tại 6 xã, phường đủ tiêu chí 1.500 đoàn viên và 10 Công đoàn cơ sở, cùng với 17 Công đoàn liên xã/phường được hình thành từ việc kết hợp các xã, phường có đông đoàn viên hoặc nhiều Công đoàn cơ sở, đảm bảo thuận lợi về địa lý và khoảng cách. Như vậy, tổng số Công đoàn cấp xã, phường trên toàn tỉnh sẽ là 23 đơn vị. Cơ cấu Ban Chấp hành các đơn vị này sẽ từ 9 đến 15 ủy viên, và Ủy ban Kiểm tra từ 3 đến 5 ủy viên.

bna_cham-dut-hoat-dong-cd-kkt-dong-nam-anh-diep-thanh-3-4ae4d3b4d0ea97f9b61ecae980e29ba2.jpg
Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam bàn giao các đơn vị Công đoàn cơ sở trực thuộc cho Liên đoàn Lao động tỉnh theo đề án tinh gọn. Ảnh: Diệp Thanh

Về bố trí cán bộ, mỗi Công đoàn cấp xã, phường sẽ có 2 cán bộ, gồm 1 Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc kiêm Chủ tịch Công đoàn xã, phường và 1 cán bộ Công đoàn chuyên trách. Với 23 đơn vị Công đoàn được thành lập, tổng số cán bộ Công đoàn chuyên trách tại cấp xã, phường trên toàn tỉnh là 46 người.

Đáng chú ý, tại một số xã miền núi như Anh Sơn, Nhân Hòa, Vĩnh Tường, Con Cuông, Mường Xén, Hữu Kiệm, Tam Quang, Tam Thái, Tương Dương, Quế Phong, Mường Quàng, Quỳ Châu, do đặc thù về khoảng cách địa lý và số lượng đoàn viên, Công đoàn cơ sở còn hạn chế, tỉnh sẽ bố trí 1 Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phụ trách Công đoàn để đảm bảo công tác quản lý.

bna_tong-ket-thang-cong-nhan-anh-diep-thanh00012-0579e78ae9552886dd2cfb6d2c5d65e0.jpg
Tặng hoa tri ân đội ngũ cán bộ Công đoàn về hưu và chuyển công tác sau sắp xếp tinh gọn. Ảnh: Diệp Thanh

Sau sắp xếp đơn vị hành chính, Nghệ An có 130 xã, phường mới, trong đó, có 84 xã, phường đã có Công đoàn, với 86.935 đoàn viên. Đáng chú ý, có 17 xã, phường có từ 1.500 đoàn viên trở lên, trong khi 67 xã, phường còn lại có dưới 1.500 đoàn viên. Cá biệt, xã Hùng Châu có số đoàn viên cao nhất với 8.059 người, còn xã Phúc Lộc chỉ có 5 đoàn viên.

Cánh tay nối dài

Với vai trò như những “cánh tay nối dài” của tổ chức Công đoàn cấp tỉnh, Công đoàn xã, phường sẽ đảm nhiệm nhiều trọng trách. Theo đề án được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua ngày 8/7, Công đoàn xã, phường sẽ chịu trách nhiệm trước Liên đoàn Lao động tỉnh, đảng ủy xã, phường về việc chỉ đạo, tổ chức hoạt động Công đoàn, phong trào công nhân, lao động trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội của xã, phường để thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương và công tác Công đoàn.

bna_tong-ldld-tap-huan-anh-diep-thanh00003-0615378186376a58106a9bb4fdd32946-63664ea30c589fd26bde7b6021dc2e41-1-.jpg
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ chuyên đề về bối cảnh tình hình mới và những vấn đề đặt ra với tổ chức Công đoàn Việt Nam hiện nay tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho các trưởng ban tuyên giáo công đoàn. Ảnh tư liệu: Diệp Thanh

Nhiệm vụ cốt lõi của Công đoàn xã, phường là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, người lao động về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, góp phần nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ.

Tặng quà, thăm hỏi đoàn viên, người lao động trong Tháng Công nhân 2025. Ảnh tư liệu: Diệp Thanh
Tặng quà, thăm hỏi đoàn viên, người lao động trong Tháng Công nhân năm 2025. Ảnh tư liệu: Diệp Thanh

Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, Công đoàn còn trực tiếp tham gia bảo vệ quyền lợi người lao động. Cụ thể, Công đoàn sẽ hướng dẫn, hỗ trợ Công đoàn cơ sở trong việc thương lượng, ký kết và giám sát Thỏa ước lao động tập thể, cũng như đối thoại tại nơi làm việc. Đơn vị này cũng góp ý xây dựng các chính sách của địa phương liên quan đến lao động, việc làm và an sinh xã hội, đồng thời, giám sát chặt chẽ việc thực hiện pháp luật lao động, Công đoàn và các chế độ, chính sách dành cho đoàn viên, người lao động. Mọi tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động sẽ được Công đoàn tập hợp, giải quyết, bao gồm cả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về quyền và lợi ích.

Hơn thế nữa, Công đoàn xã, phường sẽ phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, xây dựng đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc và chăm sóc sức khỏe cho đoàn viên, người lao động. Việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng của địa phương để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, đảm bảo an ninh trong công nhân, lao động cũng là một nhiệm vụ trọng yếu.

Công tác phát triển tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động cũng được chú trọng. Công đoàn xã, phường sẽ tổ chức vận động người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn, thành lập Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở trên địa bàn, đồng thời, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn. Công đoàn cũng hướng dẫn đánh giá, xếp loại chất lượng Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở hàng năm và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền nhân dân. Các phong trào thi đua yêu nước sẽ được hướng dẫn, triển khai, khuyến khích Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở liên hệ chặt chẽ với nhân dân và thực hiện tốt các quyền, nghĩa vụ theo Điều lệ Công đoàn.

13.png
Công nhân, lao động Nghệ An với phong trào nhuộm đỏ nhà xưởng bằng cờ Tổ quốc do tổ chức Công đoàn phát động. Ảnh: CSCC

Cuối cùng, Công đoàn xã, phường có trách nhiệm đôn đốc thu kinh phí, đoàn phí Công đoàn, đồng thời, quản lý và sử dụng tài chính, tài sản Công đoàn theo đúng quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Về quyền hạn, Công đoàn xã, phường được cử cán bộ Công đoàn đến các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người lao động gia nhập, thành lập Công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn cơ sở. Công đoàn cấp xã, phường cũng có quyền cụ thể hóa các văn bản của Đảng, Công đoàn cấp trên để hướng dẫn các Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở hoạt động.

“Việc thành lập Công đoàn xã, phường của tỉnh Nghệ An tuân thủ theo đúng quy định của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, triển khai có hiệu quả Đề án thành lập Công đoàn xã, phường. Việc thành lập Công đoàn xã, phường gắn với việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên trách đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động Công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong thời gian tiếp theo, nếu xã, phường nào có đủ tiêu chí, tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục đề xuất để thành lập tổ chức Công đoàn”.

Ông Kha Văn Tám - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An

bna_cong-nhan-lao-dong-nganh-may-anh-diep-thanh00003-c55e018d3149237df0f9a1a002f1bba3.jpg
Công đoàn cấp xã, phường sẽ là "cánh tay nối dài" chăm lo lợi ích cho đoàn viên, công nhân, lao động trong tình hình mới. Ảnh: Diệp Thanh

Ngoài ra, Công đoàn xã, phường có quyền tham gia với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động; giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động theo quy định của pháp luật và đại diện theo ủy quyền của người lao động khởi kiện vụ việc lao động tại tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị vi phạm./.

Diệp Thanh