Kinh tế

Khẩn trương kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai tại các phường, xã mới

Quang An 11/07/2025 15:08

Khi mùa mưa bão đang đến gần với nhiều dự báo bất lợi, việc kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tại các xã, phường mới ở Nghệ An trở thành yêu cầu bắt buộc. Đây là điều kiện tiên quyết để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ".

Nhanh chóng kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai

Chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp ở Nghệ An từ ngày 1/7/2025 đặt ra yêu cầu không chỉ kiện toàn tổ chức hành chính, bộ máy nhân sự mà còn đòi hỏi sự chủ động trong công tác ứng phó thiên tai ngay tại cơ sở. Trong đó, kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS) được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần triển khai đầu tiên.

dsds.jpg
Sạt lở nặng nề tại xã Chiêu Lưu trong mùa mưa bão năm 2024. Ảnh tư liệu: Quang An

Xã Châu Bình là một trong những địa phương chủ động và sớm hoàn thành việc kiện toàn ban chỉ huy ngay sau khi thực hiện mô hình chính quyền mới. Năm 2023, xã Châu Bình là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt ngập lụt lịch sử trên địa bàn huyện Quỳ Châu (cũ). “Bài học những năm trước vẫn còn nguyên giá trị. Chúng tôi xác định phải hành động sớm, kiện toàn ban chỉ huy để kịp thời lên kế hoạch, chỉ đạo rà soát các điểm có nguy cơ ngập úng, sạt lở. Có như vậy, mới chủ động ứng phó và hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất”, ông Lô Văn Thế - Chủ tịch UBND xã Châu Bình khẳng định.

Theo quyết định kiện toàn, ban chỉ huy xã gồm 5 đồng chí trưởng, phó ban; 10 đồng chí thuộc văn phòng thường trực và 17 thành viên chính thức đến từ các phòng, ban chuyên môn; đồng thời, mời thêm 14 đồng chí đại diện các đơn vị đóng trên địa bàn tham gia. Cơ cấu này không chỉ rộng về thành phần mà còn bảo đảm sự điều phối hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ "4 tại chỗ": chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

bna_sa.png
Người dân huyện Quỳ Châu (cũ) bị thiệt hại nặng trong đợt mưa lũ cuối tháng 9/2023. Ảnh tư liệu

Phường Trường Vinh là một trong những địa phương mới sáp nhập có quy mô lớn nhất tỉnh với diện tích 34,22 km² và dân số khoảng 141.500 người. Ngay khi phường chính thức vận hành, công tác kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS được xác định là nhiệm vụ ưu tiên.

Ông Nguyễn Ngọc Phong - Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: “Trên địa bàn có nhiều khu vực từng bị ngập úng, sạt lở trong các đợt mưa bão như vùng Vinh Tân, Bến Thủy, Hưng Hòa, Trung Đô (cũ). Do đó, việc tổ chức lại bộ máy chỉ huy phòng, chống thiên tai có ý nghĩa sống còn trong điều hành và ứng phó với rủi ro thời tiết cực đoan”.

Được biết, ban chỉ huy của phường được kiện toàn với Trưởng ban là Chủ tịch UBND phường, cùng các Phó trưởng ban phụ trách lĩnh vực chuyên môn như cứu hộ, y tế, an ninh, trật tự, văn hóa, xã hội... Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Đô thị được giao làm cơ quan thường trực ứng phó thiên tai, trong khi Công an và Ban Chỉ huy quân sự phường là lực lượng thường trực cứu hộ, cứu nạn. Đặc biệt, Ban Chỉ huy còn mở rộng mời các tổ chức, đoàn thể và khối trưởng các khối dân cư cùng tham gia, nhằm xây dựng thế trận toàn dân trong phòng, chống thiên tai.

Lãnh đạo phường Trường Vinh kiểm tra các điểm ách yếu trước mùa mưa bão ảnh QA
Lãnh đạo phường Trường Vinh kiểm tra các điểm ách yếu trước mùa mưa bão năm nay. Ảnh: Q.A

Đáng chú ý, ngay trong ngày 7/7, tức chỉ vài ngày sau khi phường Trường Vinh đi vào hoạt động, đoàn công tác của Đảng ủy và UBND phường do đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Trường Vinh trực tiếp dẫn đầu đã đi kiểm tra hiện trạng các điểm xung yếu trên địa bàn. Qua thực tế nắm bắt tình hình, đồng chí Phan Đức Đồng đã yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS phường triển khai ngay các giải pháp cụ thể cho từng khu vực, nhất là các điểm có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, sạt lở. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn lên phương án bảo đảm nhân lực, phương tiện, hậu cần và chủ động thông tin đến người dân.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng thuận lợi trong việc kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai. Đơn cử như tại xã Hữu Khuông (huyện Tương Dương cũ), việc kiện toàn ban vẫn còn vướng mắc do đặc thù địa lý và thiếu nhân lực.

Sẵn sàng ứng phó với mưa bão

Trong những ngày đầu tháng 7/2025, mưa lớn kéo dài tại khu vực miền núi Nghệ An đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều xã. Có thể kể đến như tại xã Tam Thái (huyện Tương Dương cũ), mưa từ chiều 6 đến sáng 7/7 đã khiến Trung tâm Phục vụ hành chính công bị ngập sâu, nhiều tuyến đường liên bản bị chia cắt do nước dâng tại cầu tràn bản Khổi và bản Xoóng Con, cán bộ xã phải túc trực cả đêm để bảo vệ tài sản và máy móc, thiết bị tại trụ sở cơ quan.

bna_cl-4-d7817310fd533bf460a2af71dfbb711e.jpg
Sạt lở tại xã Chiêu Lưu ngày 6/7. Ảnh: CSCC

Hay tại xã Chiêu Lưu (huyện Kỳ Sơn cũ), mưa từ đêm 5 - 6/7 đã gây nhiều điểm sạt lở đất, ách tắc giao thông, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của 5 hộ dân tại các bản Xiêng Thù, Lưu Thắng và Lưu Tiên…

Diễn biến này cho thấy, dù chưa chính thức vào cao điểm mùa bão nhưng Nghệ An đã và đang đối mặt với thiên tai bất thường, phức tạp hơn trước.

Ngập lụt tại phường Bến Thủy ảnh Quang An 3
Lực lượng "4 tại chỗ" phường Bến Thủy cũ, nay là phường Trường Vinh đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm năm 2021. Ảnh tư liệu: Quang An

Chính trong tình huống ấy, vai trò của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS càng trở nên then chốt. Không chỉ là đơn vị điều phối phản ứng nhanh tại chỗ, ban chỉ huy còn chịu trách nhiệm chỉ đạo sơ tán, cứu hộ, ứng trực, thông tin cảnh báo, phối hợp các lực lượng để khắc phục hậu quả.

Trước tình trạng trên, ngày 4/7/2025, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh đã ban hành Công văn số 100/VP-PCTT yêu cầu các địa phương “Khẩn trương kiện toàn, thành lập, tổ chức lại bộ máy Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS cấp xã; đồng thời, thành lập các tổ xung kích phòng, chống thiên tai, bảo đảm vận hành tốt phương châm "4 tại chỗ" trong mọi tình huống".

Ngập lụt tại phường Hồng Sơn ảnh Quang An
Lực lượng chức năng hỗ trợ di dời người và tài sản trong mùa mưa bão năm 2020 tại phường Vinh Tân cũ. Ảnh tư liệu Quang An

Qua trao đổi, ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh cho biết: Sau khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, Ban Chỉ huy cấp xã là lực lượng đầu tiên, nắm sát thực tế nhất và có khả năng phản ứng nhanh nhất trong mọi tình huống thiên tai.

“Hiện nay, đơn vị đang chỉ đạo, đốc thúc các xã, phường mới sớm hoàn thành việc kiện toàn, gửi danh sách về Văn phòng Ban Chỉ huy cấp tỉnh để đơn vị kịp thời nắm bắt, theo dõi cũng như có các phương án chỉ đạo, phối hợp để sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong thời gian tới...”.

Ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh

Quang An