Vùng biên Nghệ An nỗ lực gượng dậy sau lũ quét, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống
Trận lũ quét kinh hoàng cuối tháng 5/2025 đã khiến nhiều địa phương vùng biên giới, vùng sâu của Nghệ An như Tri Lễ, Hữu Khuông bị thiệt hại nặng nề. Sau 1 tháng trôi qua, trong muôn vàn khó khăn, chính quyền và người dân nơi đây đang nỗ lực từng ngày để ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất và mong mỏi một giải pháp tái định cư bền vững để không còn nỗi lo khi mùa mưa bão cận kề.
Chung tay ổn định cuộc sống
Xã Tri Lễ nằm ở vùng biên huyện Quế Phong (cũ), là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa lũ cuối tháng 5/2025, với 26 ngôi nhà bị hư hỏng, ảnh hưởng nặng do ngập nước, lún sụt hoặc sạt lở. Gần 1.000 con gia súc, gia cầm bị chết, bị trôi. Khoảng 31,13 ha ao cá và 12 lồng cá bị thiệt hại nghiêm trọng. Nông nghiệp bị tàn phá trên diện rộng, với hơn 130 ha lúa, gần 31 ha rau màu bị hư hỏng.
Ngoài ra, nhiều công trình hạ tầng thiết yếu bị phá hủy như 7 đập thủy lợi, hơn 760m mương nội đồng, 7 cây cầu tạm bị cuốn trôi, đường liên thôn bị chia cắt tại nhiều điểm. Thiệt hại ước tính hơn 6,06 tỷ đồng.

Mặc dù thiệt hại lớn, nhưng điều đáng trân trọng là tinh thần chủ động và đoàn kết của người dân vùng biên trong việc khôi phục lại cuộc sống. Tại bản Lam Hợp, anh Hà Văn Liên đang tích cực thuê máy múc để nạo vét lớp cát dày đặc phủ kín hơn 3 sào ruộng sau lũ. Anh cho biết: “Nếu không làm sạch ruộng kịp thời thì vụ mùa sẽ bị trễ. Nhưng thuê máy rất khó vì các bản cũng đều cần, người thì nhiều mà máy lại ít. Chi phí cao nên mấy hộ phải góp tiền chung để thuê”.
Cách đó không xa, gia đình anh Ngân Văn Sơn đang bận rộn đắp lại bờ ao cá. Trận lũ khiến mực nước ao dâng cao bất thường, tràn ra ngoài và cuốn trôi khoảng 50% sản lượng cá sắp đến kỳ thu hoạch, gây thiệt hại hàng chục triệu đồng. Anh Sơn nói: “Sau đợt lũ này, tôi quyết định đắp bờ ao cao hơn, rào thêm lớp lưới bảo vệ, chủ động phòng ngừa những rủi ro trong mùa mưa sắp tới”.

Xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương (cũ) cũng chịu thiệt hại nặng nề sau đợt mưa lũ vừa qua, khi địa phương có 3 căn nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, hư hỏng 23 nhà khác, đất, đá vùi lấp các khu vực dân cư, hệ thống trường học và nhà bán trú học sinh. Đây là địa phương chịu thiệt hại về sản xuất rất lớn với hàng chục héc-ta lúa, sắn, hoa màu bị phá hủy. Nhiều lồng cá, ao nuôi, trâu, bò, gia cầm bị lũ cuốn trôi.

Ông Lô Văn Giáp - Bí thư Đảng ủy xã Hữu Khuông chia sẻ: “Đến nay, hơn 1 tháng sau lũ, chính quyền và người dân đã cố gắng dọn dẹp, san gạt đất, đá để tạo lối đi, khơi thông dòng chảy. Chúng tôi đã di dời 11 hộ dân có nguy cơ cao đến nơi an toàn, có người về ở với họ hàng, có hộ chủ động dựng nhà tạm ở khu vực cao hơn”.
Trong lĩnh vực giáo dục, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hữu Khuông bị hư hại nặng. May mắn là thời điểm xảy ra lũ trùng vào kỳ nghỉ Hè, không có học sinh ở lại. Tuy vậy, các công trình cũng bị đất, đá tràn vào, làm hư hỏng chưa có nguồn sửa chữa.

Đại diện nhà trường cho biết, nhờ sự giúp đỡ của thầy cô và phụ huynh, khu vực bán trú cơ bản đã được dọn sạch. Nhưng nhiều đồ dùng cá nhân của học sinh như quần áo, chăn màn, sách vở bị ngập nước và nhuốm bùn nên không thể sử dụng. Trường đang vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ các em để chuẩn bị cho năm học mới.
Về sản xuất nông nghiệp, dù chính quyền xã Hữu Khuông đã chủ động thuê máy múc, máy san gạt hỗ trợ bà con, nhưng tiến độ khắc phục còn chậm do thời tiết tiếp tục có mưa, đường sá lầy lội, máy móc khó tiếp cận các điểm bị thiệt hại. Thực tế này đang ảnh hưởng lớn đến khả năng gieo cấy đúng khung thời vụ của người dân nơi đây.
Mong sớm được tái định cư
Bên cạnh việc khôi phục tạm thời, điều khiến người dân và chính quyền các xã vùng biên lo lắng nhất hiện nay là nguy cơ tái lũ. Với địa hình đồi núi dốc, mạng lưới khe, suối dày đặc, mưa lớn kéo dài luôn tiềm ẩn rủi ro cao. Trong bối cảnh đó, giải pháp tái định cư lâu dài cho các hộ sống trong vùng nguy cơ là điều được mong mỏi hơn bao giờ hết.

Ông Lữ Thành Long - Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ thẳng thắn nhìn nhận: “Hiện nay, địa phương mới sáp nhập, bộ máy đang trong giai đoạn hoàn thiện, các nguồn lực đầu tư bị ngắt quãng, nên chưa thể khắc phục toàn diện các công trình dân sinh bị hư hỏng như bể chứa nước, mương nội đồng, trụ điện… Trước mắt, xã sẽ tổ chức khảo sát, lập danh sách và đề xuất cấp trên hỗ trợ người dân tái định cư tại những nơi an toàn hơn”.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều điểm dân cư tại xã Tri Lễ nằm sát suối, trong vùng trũng hoặc có địa chất yếu, từng nhiều lần bị ảnh hưởng bởi sạt lở, lũ quét. Việc tiếp tục sinh sống tại các khu vực này là mối đe dọa thường trực đối với an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Tại cuộc kiểm tra hiện trường vào đầu tháng 6/2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương khẩn trương nghiên cứu phương án nắn dòng chảy tại các khe, suối ách yếu, để tránh tình trạng nước đổ thẳng vào khu dân cư. Đồng thời, cần nhanh chóng khảo sát, chọn địa điểm phù hợp để triển khai các khu tái định cư ổn định, bền vững cho các hộ dân vùng có nguy cơ cao.
Các địa phương huy động tổng lực máy móc, nhân lực, phương tiện nhằm khẩn trương san gạt đất, đá, thông tuyến tạm thời để đảm bảo giao thông, cung ứng hàng hóa, thực phẩm, nước sạch cho các hộ dân, ưu tiên những hộ mất nhà cửa, thiệt hại nhiều tài sản. Đến nay, cuộc sống bà con sau lũ đã cơ bản ổn định trở lại, tuy nhiên, mong muốn của bà con vẫn là nơi tái định cư ổn định để sinh kế lâu dài.
.jpg)
Ông Lô Văn Giáp - Bí thư Đảng ủy xã Hữu Khuông cho biết: “Chúng tôi đang chờ các ban, ngành về khảo sát địa điểm tái định cư. Với địa hình nơi đây, nếu tiếp tục sống tại các vị trí cũ thì nguy cơ bị lũ cuốn rất lớn. Xã đã chủ động tuyên truyền, vận động bà con tạm thời trú tại các khu vực cao ráo, chờ phương án chính thức từ tỉnh”.
Thầy giáo Lương Bích Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hữu Khuông chia sẻ: “Nếu không có phương án nắn dòng, làm kè suối hoặc di dời khu vực bán trú của trường ra vị trí an toàn hơn thì giáo viên và học sinh luôn trong tâm lý bất an. Trước mắt, giáo viên sẽ tạm trú tại khu vực bán trú đã được dọn dẹp, các học sinh sẽ được chuyển lên điểm bán trú mới, nhưng về lâu dài, cần phương án kiên cố hơn”.

Ngoài ra, nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp từ các nhà hảo tâm, tổ chức thiện nguyện cũng đang được các địa phương vùng lũ triển khai kêu gọi. Đặc biệt là quần áo, sách vở, chăn màn cho học sinh trước thềm năm học mới; giống cây trồng, con giống, vật tư nông nghiệp để người dân khôi phục sản xuất sau thiên tai.