Quốc tế

Pháp muốn 'cứng rắn', Đức lo ngại 'tổn hại': EU lục đục trước đòn áp thuế của ông Trump

Hoàng Bách 14/07/2025 11:58

Liên minh châu Âu (EU) hôm 13/7 (giờ địa phương) cho biết, sẽ gia hạn việc đình chỉ các biện pháp đáp trả thuế quan của Mỹ cho đến đầu tháng 8 và tiếp tục thúc đẩy một giải pháp đàm phán, trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Donald Trump yêu cầu thêm nhượng bộ từ các đối tác thương mại.

6873c7f485f540674b78cff7.jpg
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Ảnh: Getty/pa

Ông Trump yêu cầu thêm nhượng bộ, EU hoãn các biện pháp đáp trả thuế quan

Trước đó, hôm 12/7, ông Trump tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế 30% đối với hầu hết hàng nhập khẩu từ EU và Mexico từ ngày 1/8. Động thái này, cùng với các cảnh báo tương tự cho các quốc gia khác, khiến các bên chỉ còn chưa đầy 3 tuần để đạt được các thỏa thuận khung nhằm có thể hạ thấp mức thuế bị đe dọa.

Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett hôm 13/7 cho biết, các đề nghị thỏa thuận thương mại từ các quốc gia cho đến nay vẫn chưa làm hài lòng ông Trump và "các mức thuế quan là có thật" nếu không có những cải thiện.

"Tổng thống nghĩ rằng các thỏa thuận cần phải tốt hơn", ông Hassett nói với chương trình This Week của ABC. "Và để về cơ bản vạch ra một lằn ranh, ông đã gửi những lá thư này đến mọi người, và chúng ta sẽ xem nó diễn ra như thế nào".

Lập trường của EU: Ưu tiên đàm phán, sẵn sàng đáp trả

Bà Ursula von der Leyen, người đứng đầu Ủy ban châu Âu - cơ quan điều hành chính sách thương mại cho 27 quốc gia thành viên - cho biết, khối sẽ duy trì cách tiếp cận 2 hướng: tiếp tục đối thoại và chuẩn bị các biện pháp trả đũa.

"Chúng tôi luôn rất rõ ràng rằng chúng tôi ưa thích một giải pháp đàm phán. Điều này vẫn không thay đổi, và chúng tôi sẽ tận dụng thời gian mà chúng tôi có bây giờ", bà von der Leyen nói trong một cuộc họp báo, đồng thời cho biết khối sẽ gia hạn việc tạm dừng các biện pháp đáp trả cho đến tháng 8.

Quyết định của bà von der Leyen nhằm chống lại các biện pháp trả đũa ngay lập tức cho thấy mong muốn của Ủy ban châu Âu là tránh một cuộc leo thang "ăn miếng trả miếng" trong cuộc chiến thương mại, khi vẫn còn cơ hội đàm phán để có một kết quả tốt hơn.

"Phép thử" cho sự đoàn kết của châu Âu

Tuy nhiên, loạt đòn mới nhất từ ông Trump và câu hỏi về cách đáp trả có thể sẽ là một phép thử đối với sự đoàn kết của các quốc gia thành viên. Pháp dường như đang có lập trường cứng rắn hơn so với Đức, cường quốc công nghiệp của khối có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, Ủy ban cần phải hơn bao giờ hết "khẳng định quyết tâm của Liên minh trong việc bảo vệ các lợi ích của châu Âu một cách kiên quyết", và rằng việc trả đũa có thể cần phải bao gồm cả các công cụ gọi là chống cưỡng ép.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Friedrich Merz hôm 13/7 cho biết, ông "thực sự cam kết" tìm kiếm một giải pháp thương mại với Mỹ. Ông nói với Đài truyền hình công cộng Đức ARD rằng, ông sẽ làm việc tích cực về vấn đề này với bà von der Leyen và Tổng thống Macron trong 2 tuần rưỡi tới.

Khi được hỏi về tác động của mức thuế 30% của Mỹ đối với Đức, ông Merz cảnh báo: "Nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ phải hoãn lại phần lớn các nỗ lực chính sách kinh tế của mình, vì nó sẽ can thiệp vào mọi thứ và đánh vào cốt lõi của ngành công nghiệp xuất khẩu Đức".

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Đức Lars Klingbeil cũng khẳng định, EU nên sẵn sàng hành động cứng rắn nếu đàm phán thất bại. "Nếu một giải pháp đàm phán công bằng không thành công, thì chúng ta phải thực hiện các biện pháp đáp trả quyết đoán để bảo vệ việc làm và các công ty ở châu Âu", ông nói với báo Sueddeutsche Zeitung.

Các "vũ khí" thương mại của EU

Trong khi EU đã kiềm chế trả đũa Mỹ trong những tháng qua, họ đã chuẩn bị sẵn 2 gói biện pháp có thể đánh vào tổng cộng 93 tỷ euro hàng hóa của Mỹ. Gói thứ nhất, nhằm đáp trả mức thuế 50% của Mỹ đối với thép và nhôm nhập khẩu, dự kiến đánh vào số hàng hoá trị giá 21 tỷ euro của Mỹ. Gói này đã bị đình chỉ trong 90 ngày để có thời gian đàm phán và vừa được gia hạn. Gói thứ hai, trị giá 72 tỷ euro, nhằm trả đũa các mức thuế "có đi có lại" của ông Trump. Các biện pháp này chưa được công bố và danh sách cuối cùng cần sự chấp thuận của các quốc gia thành viên.

Bà von der Leyen cho biết thêm, việc sử dụng Công cụ chống cưỡng ép của EU vẫn chưa được đặt lên bàn đàm phán. Công cụ này cho phép khối này trả đũa các nước thứ ba gây áp lực kinh tế lên các thành viên EU để thay đổi chính sách của họ.

"Công cụ này được tạo ra cho các tình huống đặc biệt, chúng tôi chưa đến mức đó", bà nói.

Các biện pháp đáp trả có thể bao gồm việc hạn chế quyền tiếp cận thị trường EU đối với hàng hóa và dịch vụ, cùng các biện pháp kinh tế khác liên quan đến các lĩnh vực như đầu tư trực tiếp nước ngoài, thị trường tài chính và kiểm soát xuất khẩu.

Trong một dấu hiệu cho thấy mong muốn của EU trong việc ký kết các thỏa thuận với nhiều đối tác thương mại hơn vào thời điểm quan hệ xuyên Đại Tây Dương ngày càng bất định, bà von der Leyen cho biết, một thỏa thuận chính trị nhằm thúc đẩy hiệp định thương mại EU-Indonesia vừa mới đạt được.

Các nhà sản xuất phô mai của Pháp đã cảnh báo về những hậu quả nặng nề của mức thuế 30% đối với ngành sữa địa phương, một ngành vốn xuất khẩu gần một nửa sản lượng của mình, trong đó có cả thị trường Mỹ.

"Đây là một môi trường mới mà chúng ta sẽ phải làm quen - tôi không nghĩ đây là tình trạng tạm thời" - ông Francois Xavier Huard, Giám đốc điều hành của hiệp hội sữa FNIL, nói với Reuters.

Hoàng Bách