Pháp luật

Cảnh giác với bẫy 'việc nhẹ lương cao' trong dịp Hè được giăng sẵn trên mạng, đừng để con bạn thành nạn nhân tiếp theo

Tiến Đông 16/07/2025 18:23

Mùa Hè là dịp để học sinh, sinh viên nghỉ ngơi sau một năm học vất vả. Có em được bố mẹ cho đi du lịch, về quê, nhưng cũng không ít em muốn phụ giúp cha mẹ nên đã quyết định tìm kiếm việc làm thêm. Tuy nhiên, đằng sau đó là nhiều rủi ro, cạm bẫy khó lường khiến các em dễ rơi vào tay của những đối tượng lừa đảo, môi giới lao động trái phép.

Nhiều cạm bẫy

Chiều 6/7/2025, trên mạng xã hội đồng loạt xuất hiện thông tin khẩn cầu của người thân tìm kiếm 2 chị em ruột trú tại xã Xuân Lâm, tỉnh Nghệ An mất tích sau khi ra Hà Nội tìm việc làm thêm. Sự việc đã khiến dư luận quan tâm và chia sẻ rộng rãi.

Trước đó, vào tối 3/7, em N.T.H (học lớp 11) và em gái là N.T.N (học lớp 9), tìm kiếm thông tin trên mạng thì thấy một nhà hàng ở Hà Nội đăng thông tin tuyển nhân viên. Sau đó, H và N đã xin gia đình ra Hà Nội làm thêm. Tuy nhiên, sau khi bắt xe ra Hà Nội thì gia đình không thể liên lạc được với các em.

Điều đáng nói là sau đó, gia đình đã nhận được một số cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền để đón các em về, và nhiều thông tin nhiễu loạn, khi thì báo các em đã ra bến xe Nước Ngầm để về quê, khi lại được báo đang ở tỉnh Thái Bình (cũ), nay là tỉnh Hưng Yên.

Nghi các con mình bị bắt cóc, phía gia đình các em đã đăng thông tin lên mạng xã hội cầu cứu. Ngay sau khi thông tin về 2 em nghi bị bắt cóc được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội, Công an xã Xuân Lâm đã báo cáo lên Ban Lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An để chỉ đạo. Ngay sau đó, Công an tỉnh Nghệ An cùng nhiều cơ quan, ban, ngành địa phương cũng đã vào cuộc, liên hệ với cơ quan chức năng tại TP. Hà Nội và tỉnh Hưng Yên (nơi xác định được vị trí các em lần cuối) đề nghị giúp đỡ tìm kiếm.

Hình ảnh hai chị em H và N được chụp lại qua camera giám sát khi ở Hà Nội. Ảnh: NDC
Hình ảnh hai chị em H và N được chụp lại qua camera giám sát khi ở Hà Nội. Ảnh: NDC

Sau khi có sự vào cuộc mạnh mẽ, nhận được sự phối hợp của Công an TP. Hà Nội và Công an tỉnh Hưng Yên, ngay trong đêm 6/7, lực lượng chức năng đã xác định được khu vực các em đang ở. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã đưa các em về trụ sở cơ quan Công an gần nhất, và trong đêm, các em đã được đưa về nhà người quen ở Hà Nội. Đến chiều 7/7, các em đã được đưa về quê an toàn.

Theo lời kể của N.T.H, sau khi nghỉ Hè, H đã ra Hà Nội trước và tìm được một việc làm rửa bát thuê tại một nhà hàng. Sau đó N cũng lên mạng và tìm thấy thông tin tuyển việc làm của một nhà hàng khác. Sau khi bàn nhau sẽ cùng làm thêm trong mấy tháng Hè còn lại, H từ Hà Nội về quê và đón N cùng đi.

Tuy nhiên, sau khi đến nhà hàng theo địa chỉ nói trên, hai chị em đã được một nhóm người chờ sẵn ở đó đón và nói đi gặp chủ. Sau đó, hai chị em được đưa đến một địa điểm khác và bị thu hết điện thoại, cuối cùng là được đưa xuống thành phố Thái Bình (cũ), chứ không phải làm việc ngay tại Hà Nội như thông tin quảng cáo trên mạng.

Cũng trong khoảng thời gian này, Công an xã Thạch Xuân (Hà Tĩnh) đã kịp thời ngăn chặn 1 công dân 18 tuổi, tên H, bị dụ dỗ rời khỏi nhà ra các tỉnh phía Bắc làm "việc nhẹ, lương cao".

Trước đó, tối 6/7, gia đình em H, đã đến Công an xã nhờ giúp đỡ khi con trai vừa thi tốt nghiệp THPT xong đã đặt vé xe khách ra các tỉnh phía Bắc để đi tìm việc. Đáng nói là H có nhiều biểu hiện lạ, gia đình hỏi H đi đâu, làm gì thì em không nói.

Nhận thấy vụ việc có nhiều điểm bất thường, Công an xã Thạch Xuân nhanh chóng phối hợp với gia đình, nhà xe mà H đặt vé, kịp thời ngăn chặn H đi và đưa em về nhà.

Quá trình làm việc với công an, H cho biết, em tìm việc trên Facebook và đã liên hệ theo một bài đăng quảng cáo, được nhóm người trên mạng tư vấn, giới thiệu việc làm tại các tỉnh phía Bắc với hứa hẹn "việc nhẹ lương cao", điều kiện ăn ở, sinh hoạt tốt, có xe đưa đón, tăng ca và thưởng cao.

Sau khi H đồng ý, nhóm người liên tục thúc giục em bắt xe ra phía Bắc để phỏng vấn tuyển dụng. Khi H nói không đủ tiền trả vé xe, nhóm người trên đã nhanh chóng chuyển khoản cho H một nửa tiền vé vì thấy "thương cảm cho em". Rất may là sau đó, H đã được gia đình đón về.

Nhiều bẫy
Cần cẩn trọng, tìm hiểu kĩ khi tìm kiếm việc làm trên mạng, để tránh rơi vào bẫy "việc nhẹ lương cao" được các đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp giăng sẵn trên mạng xã hội. Ảnh: Minh hoạ

Cần nâng cao cảnh giác

Có thể thấy rằng, những sự việc trên không phải là mới, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ về việc lừa đảo việc làm trên mạng xã hội.

Anh Nguyễn Hữu Hiếu, quê xã Xuân Lâm, hiện đang sinh sống và công tác tại Hà Nội, người đã lần theo các manh mối và phối hợp với lực lượng Công an tìm thấy hai chị em H và N trong câu chuyện nêu trên, cho biết: Qua quá trình đi tìm kiếm các em cho thấy, việc các em bị lừa là có cơ sở.

Bởi sau khi tìm thấy thông tin tuyển dụng trên mạng, các em có liên hệ với số điện thoại được đính kèm trên đó nhưng không phải số điện thoại của chủ kinh doanh, mà thực ra là số điện thoại và hình ảnh được các nhóm môi giới tải lên. Khi các em có mặt tại địa chỉ nói trên thì được các đối tượng này đến đón đi nơi khác làm việc.

Anh Nguyễn Hữu Hiếu tặng quà cho các em sau khi trở về quê an toàn. Ảnh: NDC
Anh Nguyễn Hữu Hiếu tặng quà cho các em sau khi trở về quê an toàn. Ảnh: NDC

Thông qua hành trình tìm kiếm các em, anh Hiếu được biết, có một công ty môi giới việc làm (ở gần điểm các em đến đầu tiên tại Hà Nội), là đơn vị dẫn các em xuống Hưng Yên. Điều đáng nói, công ty này lại nằm trong một con hẻm sâu và có nhiều điểm đáng ngờ. Hiện tại lực lượng Công an đang tiếp tục điều tra làm rõ.

Ông Lê Đình Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lâm cho biết: Sau sự việc 2 cháu H và N bị lừa khi ra Hà Nội tìm việc làm thêm, địa phương đã chỉ đạo Đoàn thanh niên tăng cường tuyên truyền cho các em học sinh, thanh, thiếu niên nhận biết rõ các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo dưới vỏ bọc tuyển dụng việc làm. Đồng thời, tạo ra nhiều sân chơi hơn nữa để các em trải nghiệm trong thời gian nghỉ Hè.

Trên thực tế, pháp luật Việt Nam đã có các điều khoản tương đối đầy đủ nhằm bảo vệ người lao động chưa thành niên. Cụ thể, theo Điều 145, Bộ luật Lao động 2019, lao động chưa thành niên chỉ được làm công việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách; Người sử dụng lao động chưa thành niên có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động về các mặt lao động, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động; Khi sử dụng lao động chưa thành niên thì người sử dụng lao động phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ...

Dù vậy, thời gian qua, nhiều trường hợp là trẻ em, học sinh đã bị mắc bẫy tuyển dụng "việc nhẹ, lương cao" của các đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp. Theo cảnh báo từ cơ quan Công an, thủ đoạn đăng tin tuyển dụng "việc nhẹ, lương cao" không phải chuyện mới. Đây là thủ đoạn phổ biến của các đối tượng lừa tuyển dụng, môi giới lao động trái phép. Sau khi dụ được "con mồi", chúng sẽ ép nạn nhân vào làm việc tại các quán karaoke, quán bia trá hình, thậm chí đưa sang nước ngoài. Nếu nạn nhân không chịu nghe theo sẽ bị đánh đập, tra tấn và ép người nhà bỏ tiền ra chuộc...

Để giải quyết tình trạng này, cần sự phối hợp đồng bộ và quyết liệt từ nhiều phía. Trong đó, phía gia đình cần quản lý, nâng cao cảnh giác, không buông lỏng quản lý con cái trong dịp Hè. Phía nhà trường, nhất là các trường THCS và THPT cần tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng nhận diện lừa đảo. Chính quyền cơ sở và Công an địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các trung tâm môi giới việc làm không phép...

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần sớm vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo. Tránh để khi xảy ra sự việc các em bị lừa đảo, bắt cóc mới vào cuộc, khi đó hậu quả sẽ rất khó lường.

Tiến Đông