Tiếp diễn tình trạng vứt lợn chết ra môi trường và nguồn nước
Những ngày gần đây, người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn Nghệ An không khỏi lo lắng, bức xúc trước tình trạng xác lợn chết bị vứt bừa bãi ra môi trường. Không chỉ gây ô nhiễm nghiêm trọng, tình trạng này còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng nếu không được xử lý triệt để.
Lợn chết trôi nổi trên sông Đào
Sáng 16/7, người dân tại xã Yên Thành bàng hoàng khi phát hiện hàng loạt xác lợn chết, bao tải đựng lợn trôi nổi lềnh bềnh suốt đoạn sông Đào dài khoảng 6km, kéo dài xuống các xã Giai Lạc, Đông Thành. Đây là tuyến kênh chính dẫn nước sinh hoạt và tưới tiêu cho hàng chục nghìn hộ dân trong khu vực.
Chị Nguyễn Thị Ngân - người dân sống ven kênh bức xúc chia sẻ: “Sông Đào là nguồn sống của chúng tôi. Vậy mà thời gian gần đây có nhiều xác lợn bị vứt xuống, phân hủy bốc mùi hôi thối nồng nặc, thậm chí có con còn mắc ở miệng cống. Quá mất vệ sinh, quá nguy hiểm”.

Trước tình trạng nghiêm trọng này, UBND xã Yên Thành đã huy động lực lượng chức năng túc trực tại các điểm nóng để thu gom xác lợn, thậm chí phải sử dụng cả máy xúc trục vớt xác cùng xe kéo bị đẩy xuống sông. Toàn bộ số lợn chết sau đó được tiêu hủy đúng quy trình vệ sinh dịch tễ.

Tình trạng vứt xác lợn ra môi trường được cho là hệ quả của đợt bùng phát mạnh dịch tả lợn châu Phi tại nhiều xã. Đơn cử tại xã Giai Lạc, từ đầu tháng 7 đến nay, dịch bệnh đã lan rộng ra 23/34 xóm, buộc chính quyền phải tiêu hủy tới 1.150 con lợn. Tuy nhiên, chỉ có 442 con được kê khai và tiêm phòng đầy đủ, điều này cho thấy còn nhiều hộ chăn nuôi chưa chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch.
.jpg)
Bà Nguyễn Thị Vân - Chủ tịch UBND xã Giai Lạc thừa nhận công tác phòng dịch gặp nhiều khó khăn: Nhân lực thú y thiếu, kinh phí hạn hẹp, địa bàn rộng, trong khi một bộ phận người dân vẫn chủ quan, thiếu ý thức khai báo dịch, thậm chí lén vứt xác lợn ra môi trường để tránh bị tiêu hủy không được hỗ trợ.

Trước tình hình đó, chính quyền xã Giai Lạc đã khẩn trương triển khai các biện pháp đồng bộ như: Thu gom, tiêu hủy xác lợn, rắc vôi bột, phun khử trùng, tổ chức truyền thanh, công bố dịch, lập tổ tiêu hủy. Các hộ dân được yêu cầu báo ngay cho chính quyền khi phát hiện có lợn chết để xử lý kịp thời.
Không chỉ gây ảnh hưởng đến người dân, tình trạng xác lợn và rác thải sinh hoạt còn gây áp lực lớn lên hệ thống thủy lợi tại các địa phương. Theo đại diện Xí nghiệp Thủy lợi Quỳnh Lưu, các tuyến kênh như N13 (xã Quỳnh Sơn), cống Chèo Pheo và cống Sông Thái (xã Quỳnh Lưu) mỗi ngày đều phải cử hàng chục công nhân túc trực để vớt xác động vật và rác thải trôi nổi. "Công việc này không chỉ tốn nhân lực mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu không xử lý kịp thời", đại diện đơn vị này cảnh báo.
Cần chế tài mạnh tay, kiểm soát nghiêm ngặt
Trước thực trạng đáng lo ngại trên, ngày 15/7, UBND tỉnh Nghệ An đã phát đi Công điện khẩn số 20/CĐ-UBND yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng xử lý dứt điểm các ổ dịch tả lợn châu Phi, tăng cường giám sát, thành lập tổ kiểm tra lưu động để phát hiện và xử lý các vi phạm về phòng dịch.

Công điện nêu rõ: Chủ tịch UBND các xã, phường phải chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh phát sinh, lây lan gây hậu quả nghiêm trọng. Người dân tuyệt đối không được giấu dịch, không vứt xác động vật chết ra môi trường.
Đã đến lúc các cấp chính quyền cần xử lý nghiêm minh, có chế tài cụ thể đối với các hành vi vi phạm trong phòng chống dịch, đặc biệt là hành vi vứt xác động vật ra môi trường. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí cho người dân trong quá trình tiêu hủy, tiêm phòng, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.

Chỉ khi có sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ giữa chính quyền, lực lượng chuyên môn và người dân, Nghệ An mới có thể kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo an toàn môi trường, sức khỏe cộng đồng và ngành chăn nuôi./.