Hãy thay đổi ngay 3 cài đặt này trên Google để tránh bị theo dõi
Google thu thập rất nhiều dữ liệu về người dùng mỗi ngày - từ vị trí, lịch sử tìm kiếm đến thói quen sử dụng ứng dụng. Nếu không muốn bị theo dõi quá mức, bạn nên thay đổi ngay 3 cài đặt quan trọng sau.
Nếu bạn từng cảm thấy lo ngại vì Google dường như “biết quá rõ” về bản thân mình, thì đó không phải là cảm giác vô cớ. Từ lịch sử tìm kiếm, vị trí bạn đã đến cho đến thói quen sử dụng ứng dụng hàng ngày, gần như toàn bộ hành vi kỹ thuật số của bạn đều được Google ghi nhận và lưu trữ. Mục tiêu chính là cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, nhưng đằng sau sự tiện lợi ấy là cái giá phải trả về quyền riêng tư.

Dù bạn đang quan tâm đến vấn đề dữ liệu cá nhân, lo ngại về quảng cáo nhắm mục tiêu, hay đơn giản chỉ muốn kiểm soát thông tin mà các nền tảng trực tuyến đang thu thập, thì tin tốt là bạn có thể tự mình hành động.
Chỉ với vài thay đổi trong phần cài đặt tài khoản, bạn có thể giảm đáng kể lượng dữ liệu mà Google thu thập cũng như giới hạn cách chúng sử dụng thông tin của bạn. Dưới đây là 3 cài đặt quan trọng bạn nên điều chỉnh ngay để tăng cường quyền riêng tư trong kỷ nguyên số.
1. Tắt theo dõi hoạt động trong các ứng dụng Google
Mỗi lần bạn tìm kiếm, ra lệnh bằng giọng nói hay chạm vào bất kỳ tính năng nào trong các ứng dụng của Google, toàn bộ thao tác đều được lưu lại trong mục “Hoạt động web và ứng dụng”. Hãy tưởng tượng có ai đó đang âm thầm ghi chép từng bước bạn làm mỗi ngày.
Để chấm dứt việc này, hãy truy cập phần Cài đặt tài khoản Google, chọn Dữ liệu & quyền riêng tư, rồi vào mục Hoạt động web và ứng dụng. Tại đây, bạn có thể tắt tính năng theo dõi và xóa toàn bộ dữ liệu đã lưu trước đó chỉ với vài thao tác đơn giản.
Bạn cũng nên kích hoạt tùy chọn Tự động xóa hoạt động định kỳ sau mỗi 3, 18 hoặc 36 tháng để giảm thiểu rủi ro về lâu dài. Nếu muốn kiểm soát sâu hơn nữa, Google cho phép bạn xóa dữ liệu theo ứng dụng như Bản đồ hoặc Tin tức hoặc thậm chí từng mục hoạt động riêng lẻ.
2. Tắt theo dõi vị trí và xóa Dòng thời gian cá nhân
Google Timeline hay còn gọi là Dòng thời gian là một bản nhật ký siêu chi tiết ghi lại mọi nơi bạn từng đặt chân đến: từ những chuyến du lịch xa cho đến hành trình đi làm, đi chợ hằng ngày. Nếu ý nghĩ đó khiến bạn cảm thấy lo ngại, thì hoàn toàn có lý do.

Để kiểm soát tính năng này, hãy mở ứng dụng Google Maps trên điện thoại, chạm vào ảnh hồ sơ của bạn và chọn Dòng thời gian của bạn. Nhấn vào biểu tượng đám mây để ngừng đồng bộ hóa lịch sử vị trí giữa các thiết bị. Tiếp đó, vào Cài đặt vị trí & quyền riêng tư (thông qua biểu tượng ba chấm) để tắt hoàn toàn tính năng Dòng thời gian, ngừng sao lưu vị trí, hoặc xóa toàn bộ dữ liệu đã lưu.
Ngoài ra, bạn còn có thể thiết lập hệ thống tự động xóa dữ liệu vị trí sau mỗi 3, 18 hoặc 36 tháng, một lựa chọn đáng cân nhắc nếu bạn muốn duy trì quyền riêng tư mà vẫn linh hoạt sử dụng dịch vụ của Google.
3. Vô hiệu hóa quảng cáo cá nhân hóa của Google
Dù bạn chấp nhận để Google thu thập một số dữ liệu, điều đó không đồng nghĩa với việc bạn phải để chúng được dùng để phục vụ quảng cáo. Hệ thống quảng cáo của Google khai thác lịch sử tìm kiếm, vị trí, thói quen xem YouTube và nhiều dữ liệu khác để dựng nên một “hồ sơ quảng cáo” chi tiết nhằm nhắm mục tiêu bạn chính xác hơn.
Để ngăn điều này, hãy truy cập Tài khoản Google của bạn, vào mục Dữ liệu & quyền riêng tư, chọn Cài đặt quảng cáo, rồi nhấn vào Trung tâm quảng cáo của tôi. Tại đây, bạn có thể tắt tùy chọn Quảng cáo được cá nhân hóa.
Muốn bảo vệ quyền riêng tư mạnh mẽ hơn, hãy cuộn xuống phần Cài đặt quảng cáo đối tác và tắt luôn tùy chọn tại đây. Việc này giúp ngăn Google chia sẻ hồ sơ quảng cáo của bạn với các nền tảng bên thứ ba, một bước nhỏ nhưng đáng giá để kiểm soát tốt hơn dữ liệu cá nhân.