Về Quan Thành, gặp nghệ nhân trống tế nổi tiếng xứ Nghệ
Minh Quân•19/07/2025 07:40
Trong hành trình bảo tồn và lan tỏa nghệ thuật trống tế Yên Thành - loại hình nghệ thuật vừa được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, những đóng góp thầm lặng mà sâu sắc của các nghệ nhân là vô cùng đáng trân trọng. Nổi bật trong số đó là nghệ nhân Lê Khắc Dinh ở xã Quan Thành (trước đây là xã Xuân Thành, huyện Yên Thành cũ).
Ông Lê Khắc Dinh biểu diễn trống tế tại Lễ hội Đền - Chùa Gám năm 2025. Ảnh: NVCC
Duyên phận đời nghệ nhân
Một buổi sáng cuối tuần giữa tháng Bảy, trong khoảng sân rộng rợp bóng cây trước hiên nhà của nghệ nhân Lê Khắc Dinh, tiếng trống vang lên rộn ràng. Hơn 20 học viên, phần lớn là các em thiếu nhi, xen lẫn vài gương mặt trung niên và người cao tuổi, chăm chú dõi theo từng động tác thị phạm của nghệ nhân.
Tay ông Dinh thoăn thoắt đưa dùi, mỗi thế trống dứt khoát, khoan nhặt, âm vang rền như tiếng vó ngựa giữa trận tiền. Không bục giảng, không giáo án, lớp học ấy được dẫn dắt bằng đam mê cháy bỏng, bằng sự truyền cảm đầy uy tín và thứ âm thanh trầm hùng đã thấm sâu vào hồn cốt của bao thế hệ người xứ Nghệ.
Nghệ nhân trống tế Lê Khắc Dinh. Ảnh: Minh Quân
Sinh ra trong gia đình trưởng tộc họ Lê Khắc tại làng Kẻ Gám, xã Quan Thành - nơi có truyền thống trống tế lâu đời, ông Lê Khắc Dinh như được định sẵn để gắn bó với tiếng trống từ thuở lọt lòng. Ông kể, từ tấm bé đã được ru bằng tiếng trống mỗi độ Xuân về, khi làng tổ chức Lễ hội Đền - Chùa Gám hay lễ tế tổ của dòng họ. Năm 3 tuổi, ông đã bập bẹ cầm dùi đánh trống. Đến năm 6 tuổi, ông được cha và các cụ cao niên trong họ, trong làng trực tiếp truyền dạy những kỹ thuật trống tế và trống hành lễ cơ bản.
Buổi học trống tế tại sân nhà của ông Lê Khắc Dinh. Ảnh: Minh Quân
Năm 8 tuổi, tài năng của ông đã được cả làng công nhận khi ông được mời tham gia đội nhạc trống của làng. Từ đó đến nay, gần 50 năm, ông chưa vắng mặt trong bất kỳ lễ hội nào của quê hương. Với dày dặn kinh nghiệm tích lũy, từ năm 2015, Nghệ nhân Lê Khắc Dinh được làng tin tưởng giao trọng trách cầm trống cái (trống lớn) để điều hành đội trống tế lễ, phục vụ các buổi lễ tế thần. Vị trí này không chỉ đòi hỏi kỹ thuật cá nhân xuất sắc mà còn là sự công nhận về uy tín, kinh nghiệm và khả năng lãnh đạo trong cộng đồng.
Buổi học trống tế tại nhà nghệ nhân Lê Khắc Dinh. Clip: Minh Quân
Trong suốt hành trình gắn bó với nghệ thuật trống tế, Nghệ nhân Lê Khắc Dinh đã ghi dấu ấn bằng nhiều thành tích đáng nể. Ông đã giành giải Nhất tại Hội thi đánh trống tế truyền thống tại Lễ hội Đền - Chùa Gám năm 2015. Năm 2023, ông cùng đội trống tế xã Quan Thành giành giải Nhất chung cuộc tại Hội thi đánh trống tế, lễ trong khuôn khổ Lễ hội Đền Cả.
Không chỉ là một nghệ nhân trống tế, là giáo viên dạy Mỹ thuật tại Trường Tiểu học Lý Thành, ông Lê Khắc Dinh cũng dành nhiều thời gian cho việc vẽ tranh, sáng tác thơ và phổ nhạc - những hoạt động giúp ông thể hiện tình cảm sâu sắc với quê hương. Hiện ông là thành viên Ban Thơ thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Nghệ An, đồng thời là gương mặt quen thuộc trong các chương trình giao lưu văn nghệ, thơ ca của địa phương.
Không chỉ là người biểu diễn tài hoa, ông Dinh còn là một trong những cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc lập hồ sơ di sản cho nghệ thuật trống tế Yên Thành. Ông đã cung cấp thông tin chính, trực tiếp hỗ trợ ngành Văn hóa Nghệ An hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận trống tế Yên Thành là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào đầu năm 2024.
Khát vọng "giữ lửa" cội nguồn
Tâm huyết gìn giữ di sản của ông Dinh không dừng lại trong phạm vi địa phương nơi mình sinh sống, mà ông đã chủ động đi dạy trống tế tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, mang theo không khí linh thiêng của tiếng trống làng Gám và tinh thần yêu di sản cháy bỏng.
Tại các lớp học trống tế do ông tổ chức, ngoài việc truyền dạy kỹ năng, ông luôn chú trọng vào việc giảng giải ý nghĩa từng nhịp trống, từng thế đánh, từng hoàn cảnh trình diễn.
Các học trò nhỏ của nghệ nhân Lê Khắc Dinh. Ảnh: Minh Quân
Ông chia sẻ, mỗi hồi trống tế đều mang một trạng thái cảm xúc riêng: Khi hùng tráng như tiếng ngựa phi, khi sâu lắng như tiếng suối chảy, khi bi tráng như khúc truy điệu tổ tiên. Với ông, học đánh trống không chỉ là học một bộ môn nghệ thuật, mà còn là học làm người, biết kính trên nhường dưới, biết giữ gìn truyền thống và sống có trách nhiệm với cộng đồng.
Với tinh thần gìn giữ và phát huy di sản của cha ông, Nghệ nhân Lê Khắc Dinh cùng những người có cùng đam mê đã và đang thực hiện nhiều hoạt động cụ thể. Một trong những bước đi quan trọng là việc thành lập "Câu lạc bộ trống tế làng Kẻ Gám" (tiền thân là CLB Trống tế xã Xuân Thành) để thể chế hóa công tác bảo tồn, chuyển từ hình thức truyền miệng, tự phát sang một mô hình có tổ chức, chuyên nghiệp hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền dạy và phát triển bền vững của nghệ thuật trống tế.
Các hoạt động truyền dạy của ông Dinh và CLB đã đạt được những kết quả đáng kể. Họ đã truyền dạy nghệ thuật đánh trống tế truyền thống cho nhiều dòng họ không chỉ trong huyện Yên Thành (cũ) mà còn ở các địa phương ngoài tỉnh. Hàng trăm học sinh ở đủ mọi lứa tuổi đã được tiếp cận và học hỏi môn nghệ thuật này.
Nghệ nhân Lê Khắc Dinh hướng dẫn học viên nhỏ tuổi. Ảnh: Minh Quân
Bên cạnh hoạt động truyền dạy, Câu lạc bộ trống tế làng Kẻ Gám dự định sản xuất các video ứng dụng công nghệ để truyền thông về ý nghĩa của việc gìn giữ và phát huy môn nghệ thuật này, giúp trống tế Yên Thành vượt qua rào cản địa lý và tiếp cận được nhiều người hơn, đặc biệt là giới trẻ.
“
Trống tế không chỉ là một môn nghệ thuật truyền thống, mà là một phần máu thịt của đời sống tinh thần quê hương. Đó là âm thanh của cội nguồn, là nhịp đập thiêng liêng kết nối tổ tiên với cháu con hôm nay. Bởi vậy, tiếng trống ấy cần được vang lên mãi - không chỉ trong đình chùa, mà cả trong tim thế hệ trẻ.
Nghệ nhân trống tế Lê Khắc Dinh (xã Quan Thành, tỉnh Nghệ An)