Dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát, thịt lợn tại một số chợ ở Nghệ An lượng tiêu thụ giảm hẳn
Thịt lợn – mặt hàng thiết yếu trong bữa ăn hằng ngày của nhiều gia đình – đang rơi vào tình trạng ế ẩm tại một số chợ dân sinh ở Nghệ An, khi dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát ở nhiều địa phương, khiến người tiêu dùng hoang mang, e ngại.
Lượng thịt lợn tại các chợ tiêu thụ giảm
Dịch tả lợn châu Phi đang tái bùng phát tại nhiều địa phương khiến người tiêu dùng lo ngại, dẫn đến sức mua thịt lợn giảm sút rõ rệt, không chỉ ở vùng nông thôn mà cả tại các đô thị.

Theo ghi nhận của phóng viên trong 2 ngày 19 và 20/7, tại khu vực chợ Vinh, phường Trường Vinh, không khí mua bán tại các sạp hàng thịt lợn xung quanh chợ trở nên trầm lắng bất thường. Dù đã gần trưa, lượng thịt lợn tồn đọng tại nhiều quầy hàng vẫn còn khá lớn. Các tiểu thương cho biết, sức mua giảm mạnh trong vài ngày gần đây khi thông tin về dịch tả lợn châu Phi liên tục được cảnh báo trên phương tiện truyền thông.
Chị Nguyễn Thị Vân, một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Vinh, chia sẻ: “Trước đây, mỗi buổi sáng tôi bán hết 40 – 50 kg thịt, nhưng mấy ngày nay chỉ bán được chưa đến một nửa. Người dân e dè hơn, một số người chuyển sang mua gà, cá hoặc các loại thực phẩm khác”.
Không riêng gì chị Vân, nhiều tiểu thương khác cũng đang lo lắng khi sức mua thịt lợn sụt giảm: “Tôi lấy hàng từ lò mổ Hưng Chính, có dấu kiểm dịch rõ ràng. Biết sức mua giảm nên mỗi ngày chỉ dám nhập 20 – 30 kg thịt, nhưng nhiều hôm đến trưa vẫn còn ế”, một tiểu thương chia sẻ.

Khảo sát tại chợ Phủ Diễn (xã Diễn Châu) sáng 19/7, không khí buôn bán khá đìu hiu. Các sạp hàng bán thịt lợn vắng khách, nhiều tiểu thương phải giảm giá, bán dưới mức bình thường vẫn khó tiêu thụ.
Bà Nguyễn Thị Hoa, một tiểu thương ở chợ Phủ Diễn cho biết: “Thịt lợn chúng tôi nhập về là lợn được bắt tại các trang trại, đảm bảo không bị dịch, nhưng vẫn khó tiêu thụ. Loại thịt ngon 3 chỉ chúng tôi bán ra 130.000 - 140.000 đồng/kg, thịt mông 120.000 - 130.000 đồng/kg, giảm so với trước, mà vẫn ế. Khách đến chợ nhìn thấy thịt là lắc đầu, nói sợ lợn bệnh, sợ dịch. Trước đây mỗi phiên chợ tiêu thụ 50 - 60 kg thịt, thì nay chỉ bán được 30kg”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Lan, tiểu thương gần 10 năm bán thịt lợn tại chợ Phủ Diễn, bày tỏ: “Từ hôm có tin dịch bùng phát, lượng người mua giảm hẳn. lâu mới có khách đến chọn mua, có hôm phải mang thịt về nhờ anh em, bạn bè giải cứu”.
Sự lo lắng về dịch bệnh khiến nhiều người tiêu dùng tạm thời nói “không” với thịt lợn, chuyển sang các thực phẩm thay thế như thịt gà, cá, trứng hoặc rau xanh.

Chị Trần Thị Lương – một khách hàng tại chợ Phủ Diễn, chia sẻ: “Trước đây tôi nấu cơm cho gia đình hầu như ngày nào cũng có món thịt lợn. Nhưng gần đây, nghe tin lợn chết vì dịch nhiều quá, tôi chuyển sang mua thịt gà, cá, đậu phụ, ăn cho yên tâm”.
Với bà Vương Thị Lợi ở xã Quan Thành, thì gần 1 tháng nay không dám mua thịt lợn về ăn, bởi gia đình bà đang nuôi đàn lợn thịt 5 con.
"Nghe nói bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn, trong khi gia đình đang nuôi lợn, nên không dám mua thịt lợn về ăn, vì sợ thịt lợn không đảm bảo, vi rút dịch lây lan vào đàn lợn thì thiệt hại nặng. Do đó, lâu nay gia đình tôi chuyển sang ăn thịt gà, vịt, thủy hải sản...", bà Lợi chia sẻ.
Nhiều người chọn mua thịt lợn ở siêu thị
Tuy nhiên, trái ngược với sự ảm đạm ở chợ truyền thống, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch vẫn ghi nhận mức tiêu thụ thịt lợn tương đối ổn định, dù giá cao hơn từ 15 – 25% so với thị trường ngoài. Nhiều người tiêu dùng chọn mua thịt tại siêu thị với lý do an tâm về nguồn gốc xuất xứ và quy trình kiểm soát chất lượng.

Theo khảo sát tại một số siêu thị, giá thịt lợn đang ở mức cao hơn thị trường truyền thống từ 15.000 – 30.000 đồng/kg, tùy loại. Cụ thể, thịt ba chỉ có giá dao động từ 160.000 – 170.000 đồng/kg, thịt nạc vai và nạc đùi từ 140.000 – 150.000 đồng/kg, sườn non từ 180.000 – 195.000 đồng/kg… Nhiều người tiêu dùng cho biết họ sẵn sàng trả thêm tiền để đổi lấy sự an tâm, bởi thịt tại siêu thị được đóng gói, dán tem truy xuất nguồn gốc và qua kiểm định chất lượng. Đây được xem là kênh tiêu dùng đáng tin cậy trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang tái bùng phát tại nhiều địa phương.
Chị Nguyễn Thị Bích, ở phường Thành Vinh, chia sẻ: “Tôi biết dịch đang bùng phát nên càng phải cẩn thận hơn. Dù đắt hơn ngoài chợ, nhưng thịt lợn trong siêu thị được đóng gói, có nhãn mác rõ ràng, ít nhất mình biết được thịt đến từ đâu và được kiểm định như thế nào. An toàn cho cả nhà là quan trọng nhất”.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, dịch tả lợn châu Phi là bệnh nguy hiểm ở đàn lợn nhưng không lây sang người. Tuy nhiên, nếu người dân tiêu thụ thịt lợn nhiễm bệnh hoặc không rõ nguồn gốc, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe vẫn rất cao, đặc biệt là các loại thịt không được nấu chín kỹ, bảo quản không đúng cách.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, người tiêu dùng không nên tẩy chay hoàn toàn thịt lợn, nhưng cần có sự lựa chọn thông minh. Hiện nay, ngành chức năng đang phối hợp với các địa phương để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn. Người dân nên chọn mua thịt ở các cơ sở uy tín, có dấu kiểm dịch, không nên mua thịt lợn trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Từ đầu tháng 7/2025, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục xuất hiện trở lại ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, như các xã: Quảng Châu, An Châu, Tân Châu, Minh Châu... (huyện Diễn Châu cũ); Xã Hoa Quân, Tam Đồng, Đại Đồng... (huyện Thanh Chương cũ); các xã: Quan Thành, Giai Lạc... (huyện Yên Thành cũ); các xã Môn Sơn, Con Cuông... (huyện Con Cuông cũ); các xã: Anh Sơn, Nhân Hòa, Yên Xuân (huyện Anh Sơn cũ).