Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh chủ trì duyệt đại hội các xã Nghĩa Đàn, Nghĩa Thọ, Nghĩa Lộc
Sáng 21/7, tại trụ sở Đảng ủy xã Nghĩa Đàn, đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác số 3 chủ trì duyệt đại hội đảng bộ các xã: Nghĩa Đàn, Nghĩa Thọ, Nghĩa Lộc.

Cùng dự có các thành viên Tổ công tác số 3 theo Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Chi cục Thống kê Nghệ An.
Cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của từng địa phương
Xã Nghĩa Đàn được thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã: Nghĩa Trung, Nghĩa Bình và thị trấn Nghĩa Đàn (huyện Nghĩa Đàn cũ), có tổng diện tích tự nhiên 47,32 km², dân số 19.670 người (trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 2.469 người, đồng bào theo đạo Công giáo 1.489 người). Đảng bộ xã Nghĩa Đàn được thành lập với 1.208 đảng viên, có 49 tổ chức đảng.

Với chủ đề “xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đổi mới toàn diện, phấn đấu xã Nghĩa Đàn trở thành trung tâm phát triển trong giai đoạn mới”, dự thảo báo cáo chính trị Đảng ủy xã đề ra 4 quan điểm phát triển, 25 chỉ tiêu chủ yếu, 4 nhiệm vụ trọng tâm, 4 khâu đột phá, 5 giải pháp chủ yếu. Đại hội Đảng bộ xã được tổ chức với phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Đột phá - Phát triển”.

Còn xã Nghĩa Thọ được thành lập trên cơ sở sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Nghĩa Thọ (cũ), xã Nghĩa Hội, xã Nghĩa Lợi (huyện Nghĩa Đàn cũ), có diện tích tự nhiên 92,19 km2, dân số 21.391 người, trong đó đồng bào công giáo có 1.371 người, chiếm 6,4%, đồng bào là người dân tộc thiểu số có 8.654 chiếm 40,45%. Đảng bộ xã Nghĩa Thọ có 49 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với 980 đảng viên.
Với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đột phá- Phát triển bền vững”, dự thảo báo cáo chính trị của Đảng ủy xã Nghĩa Thọ đặt ra 5 quan điểm phát triển, 24 chỉ tiêu chủ yếu, 4 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 3 khâu đột phá; qua đó phấn đấu xây dựng trở thành xã nông thôn mới nâng cao và chuyển mình trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Xã Nghĩa Lộc (mới) được thành lập trên cơ sở sát nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số từ xã Nghĩa Lộc (cũ) và xã Nghĩa Long (huyện Nghĩa Đàn cũ) với tổng diện tích nhiên hơn 62,9 km2, dân số hơn 2,5 vạn dân, trong đó có hơn 7.300 người theo đạo Công giáo (chiếm gần 30% dân số), hơn 3.700 người dân tộc thiểu số (chiếm hơn 15% dân số). Đảng bộ xã Nghĩa Lộc có 43 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc và 685 đảng viên.
Với chủ đề “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đổi mới, sáng tạo; quyết tâm đưa xã Nghĩa Lộc phát triển toàn diện, bền vững”, dự thảo báo cáo chính trị Đảng ủy xã Nghĩa Thọ đặt ra 5 quan điểm phát triển, 23 chỉ tiêu chủ yếu, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 4 khâu đột phá, 6 giải pháp chủ yếu. Mục tiêu phấn đấu xây dựng quê hương Nghĩa Lộc phát triển toàn diện từng bước trở thành xã nông thôn mới nâng cao.
.jpg)
Qua đánh giá của Tổ công tác số 3, sau khi sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, bên cạnh việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo vận hành bộ máy chính quyền cấp xã theo mô hình mới, đảng ủy các xã: Nghĩa Đàn, Nghĩa Thọ, Nghĩa Lộc đã chủ động triển khai công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030 một cách nghiêm túc, bài bản.

Các đảng ủy đã tổ chức quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn.
Trên cơ sở đó, mỗi đảng ủy đã xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030, thành lập đầy đủ các tiểu ban phục vụ công tác chuẩn bị gồm: Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Phục vụ và Tiểu ban Tuyên truyền.

Công tác chuẩn bị văn kiện đại hội được tiến hành theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm chặt chẽ, khoa học, tuân thủ các văn bản hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy. Đồng thời, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ đại hội được các địa phương quan tâm, tổ chức thực hiện chu đáo, đến thời điểm hiện tại cơ bản đáp ứng các yêu cầu theo kế hoạch, bảo đảm cho Đại hội diễn ra trang trọng, hiệu quả và đúng tiến độ.

Tại cuộc làm việc, các thành viên Tổ công tác số 3 đã tập trung góp ý vào nhiều nội dung quan trọng của dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ các xã. Các ý kiến đề nghị làm rõ hơn chủ đề đại hội, các bài học kinh nghiệm, đồng thời cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho nhiệm kỳ mới.

Đoàn công tác nhấn mạnh yêu cầu các văn kiện phải bám sát định hướng và nội dung dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, từ đó cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của từng địa phương.
.jpg)
Trong đó, cần chú trọng các vấn đề then chốt như phát triển khoa học - công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số và xác định rõ chỉ tiêu tăng trưởng, nhằm đóng góp thiết thực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển chung của tỉnh trong giai đoạn mới; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống chính trị, đặc biệt là kỹ năng thực hiện nhiệm vụ phù hợp bối cảnh mới; công tác quy hoạch các xã mới…
Đảm bảo tính liên kết vùng
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác số 3 ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, bám sát định hướng của đoàn công tác, đồng thời trực tiếp góp ý để hoàn thiện dự thảo văn kiện đại hội các xã trong cụm.

Đồng chí cũng ghi nhận đảng ủy 3 xã: Nghĩa Đàn, Nghĩa Thọ, Nghĩa Lộc, mặc dù chỉ trong 21 ngày kể từ khi các xã đi vào hoạt động sau sắp xếp, sáp nhập với bộn bề công việc song công tác chuẩn bị đại hội được thực hiện khá kịp thời, khá chu đáo, nghiêm túc, đầy đủ và cơ bản đáp ứng yêu cầu của Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị.

Đồng thời, trên cơ sở chỉ ra một số tồn tại và hạn chế, đồng chí Lê Hồng Vinh cũng lưu ý các xã một số nội dung về phương pháp, nội dung để hoàn thiện dự thảo báo cáo chính trị; theo đó cần điều chỉnh theo hướng mở, gắn chặt với quy hoạch vùng huyện Nghĩa Đàn trước đây, từ đó cụ thể hóa kế hoạch phát triển, thúc đẩy liên kết vùng và thu hút đầu tư các công trình trọng điểm, tránh tách rời.
“Phải bám vào Quy hoạch tỉnh Nghệ An và quy hoạch vùng huyện Nghĩa Đàn trước đây để xác định bức tranh sáng hơn”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các xã phải xây dựng giải pháp phát huy thế mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa; huy động nguồn lực, đặc biệt là phát huy nguồn lực tại chỗ, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và khoa học - công nghệ, không chỉ trong sản xuất kinh doanh mà cả trong hoạt động của bộ máy chính quyền.

Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải được chú trọng để bảo đảm bộ máy xã vận hành phù hợp với yêu cầu mới. Công tác quy hoạch lại các xã cần được triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ, nhằm ổn định địa giới hành chính, xác định trung tâm xã mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà Nước và phân định rõ nhiệm vụ của từng xã trong mối liên kết vùng.
Đáng lưu ý, đi kèm dự thảo báo cáo chính trị, đảng ủy các xã Nghĩa Đàn, Nghĩa Thọ, Nghĩa Lộc chưa trình dự thảo chương trình hành động cụ thể cho nhiệm kỳ, do đó đồng chí yêu cầu bổ sung để bảo đảm có thể triển khai ngay khai sau đại hội.

Đồng chí Lê Hồng Vinh cũng đã phân tích rõ các chỉ tiêu phát triển và các khâu đột phá của từng địa phương, đồng thời đưa ra những gợi mở cụ thể để hoàn thiện văn kiện. Trên cơ sở đó, đồng chí giao Sở Tài chính hướng dẫn phương pháp tính toán bảo đảm sự tương đồng, giúp các xã xác định và diễn đạt mục tiêu, chỉ tiêu một cách phù hợp.
Chủ tịch UBND tỉnh đã lưu ý một số nội dung để các đơn vị Nghĩa Đàn, Nghĩa Thọ, Nghĩa Lộc hoàn thiện văn kiện, công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội thành công và thực hiện thành công nghị quyết.