Pháp luật

Trốn truy nã vẫn giả danh đại tá An ninh điều tra để lừa nhiều người làm sổ đỏ

Xuân Mai 21/07/2025 16:33

Trong thời gian trốn truy nã, Phạm Văn Thảo (SN 1991) đối tượng có 3 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản” đã sử dụng giấy chứng minh CAND giả mang tên Lê Nhật Phong, giả mạo là cán bộ Công an để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 21/7, Cục An ninh điều tra (ANĐT), Bộ Công an cho biết đã hoàn thành bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố Phạm Văn Thảo (HKTT tại xã Tây Yên A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, nay là Ấp Hai Tốt, xã Tây Yên, tỉnh An Giang), về 2 tội danh gồm “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Vụ án bắt nguồn từ việc Cơ quan ANĐT, Bộ Công an nhận được thông tin về đối tượng tên Lê Nhật Phong, tự xưng là "Đại tá, Phó Cục trưởng Cục ANĐT Bộ Công an" để lừa đảo nhiều cá nhân trên địa bàn một số tỉnh phía Nam. Trong khi Cơ quan ANĐT, Bộ Công an đang tiếp nhận thông tin thì một ngày sau đó (ngày 21/2), đơn vị đã tiếp nhận thông tin của Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Lâm Đồng về đối tượng trên…

Tên trộm đang trốn truy nã giả danh Phó Cục trưởng để lừa đảo -0
Phạm Văn Thảo giả mạo là “Đại tá, Phó Cục trưởng Cục An ninh điều tra, Bộ Công an” cùng các giấy tờ giả.

Qua rà soát, các cán bộ điều tra đã xác định Phong có tên thật là Phạm Văn Thảo; đối tượng đang trốn truy nã tại địa chỉ số 2A, Hoàng Văn Thụ, phường 5, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 25/2, Cơ quan ANĐT, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Thảo về tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" để điều tra, làm rõ.

Quá trình điều tra xác định, trong thời gian tạm giam chờ thi hành 2 bản án với hình phạt tổng hợp 30 tháng tù giam về tội "Trộm cắp tài sản" (tháng 9/2015), Thảo bị bệnh yếu hai chân không đi lại được. Vì thế, TAND TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã ra quyết định số 2/2015/QĐCA thay thế biện pháp ngăn chặn từ tạm giam bằng biện pháp cho gia đình bảo lãnh để điều trị bệnh. Khoảng tháng 6/2016, khi chữa khỏi bệnh, bị can không trình diện chính quyền địa phương nơi cư trú và nhận quyết định thi hành án (30 tháng tù giam) mà đã bỏ trốn khỏi địa phương và bị Cơ quan Thi hành án hình sự tỉnh Kiên Giang truy nã.

Quá trình lẩn trốn, Thảo lên mạng xã hội facebook đặt mua giấy CMND giả mang tên Lê Nhật Phong để sử dụng. Theo lời khai của Thảo tại Cơ quan ANĐT thì đối tượng đã sử dụng điện thoại cá nhân chụp hình và gửi hình ảnh của bản thân cho một tài khoản facebook đăng quảng cáo làm giấy tờ giả.

Trong thời gian trốn truy nã, từ tháng 3/2019 đến tháng 2/2020, Thảo đến xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông (nay là xã Quảng Sơn, tỉnh Lâm Đồng) thuê nhà của bà H' Yong để ở trọ và làm thuê. Thời gian sinh sống tại đây, Thảo sử dụng tên giả Lê Nhật Phong, tự xưng là cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ, có nhiều mối quan hệ với cơ quan chức năng. Sau đó, đối tượng tiếp xúc, làm quen với một số hộ dân và biết được những người này có nhu cầu làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) đối với diện tích đất khai hoang lâu năm… Vì thế, Thảo nảy ý định lừa đảo bằng cách tổ chức họp với người dân tại nhà của bà Dương Thị Khoa (bạn gái bị can Phạm Văn Thảo) tại xã Quảng Sơn; yêu cầu những ai muốn làm giấy chứng nhận QSDĐ thì đưa tiền cho bị can để liên hệ cơ quan chức năng làm thủ tục; mỗi giấy chứng nhận QSDĐ phải chi 30 triệu đồng cho Thảo.

Để tạo niềm tin cho người dân, Thảo mua 1 giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất giả tên Lê Nhật Phong, sinh ngày 15/6/1979, CMND số: 025700272, ký hiệu CK 168994 do Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cấp trên mạng Internet. Sau đó, đối tượng đưa cho các bị hại xem để chứng minh rằng bị can có khả năng làm được giấy chứng nhận QSDĐ.

Do tin tưởng Thảo là cán bộ Công an, có thể làm được giấy tờ nhà đất nên ông K' Liêng, bà HGlăng, ông K'Kril, bà Dương Thị Khoa, bà H’Lang, ông K'Lý và ông Lưu Văn Hùng (trú tại xã Quảng Sơn) đã đưa cho bị can hơn 272 triệu đồng để liên hệ với các cơ quan chức năng, làm giấy chứng nhận QSDĐ đối với diện tích đất khai hoang lâu năm.

Sau khi nhận được tiền của các nạn nhân, Thảo bỏ trốn khỏi thôn Quảng Hợp, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Giong, tỉnh Đắk Nông (nay là xã Quảng Sơn). Khi phát hiện Thảo bỏ trốn và không trả tiền, các bị hại đã làm đơn trình báo sự việc đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Đăk Glong, tố giác Lê Nhật Phong, sinh năm 1979 (tên và năm sinh giả mà bị can sử dụng) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT Bộ Công an còn làm rõ, không dừng lại ở đó, vào tháng 9/2023, Thảo tiếp tục lên mạng xã hội facebook tìm mua căn cước công dân (CCCD), bằng lái xe, giấy chứng minh CAND, phụ kiện CAND, QĐND giả,... Sau đó, thông qua ứng dụng nhắn tin messenger, bị can cung cấp thông tin, chụp và gửi hình ảnh bản thân để đặt làm giả các giấy tờ. Theo đó, đối tượng đã mua tổng cộng 2 CCCD giả, 1 giấy chứng minh CAND giả và trang phục CAND với giá 2,5 triệu đồng.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi giả danh, giả mạo cán bộ Công an để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, cần báo ngay cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.

Xuân Mai