Giá kim cương giảm 90%, cuộc cách mạng trang sức giá rẻ từ Hà Nam
Sự bùng nổ của kim cương nhân tạo, đặc biệt từ Trung Quốc, đang đẩy giá kim cương tự nhiên xuống thấp kỷ lục và thay đổi vĩnh viễn khái niệm về trang sức xa xỉ
Thảm họa kim cương tự nhiên
Trái Đất mất hơn một tỷ năm để tạo ra một viên kim cương tự nhiên, nhưng kim cương nhân tạo có thể được sản xuất chỉ trong một tuần.

Sự xuất hiện của loại kim cương được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm này đang gây ra sự gián đoạn lớn cho ngành công nghiệp truyền thống, theo Marty Hurwitz, người đứng đầu Tổ chức Thương mại Kim cương Nhân tạo.
Kim cương nhân tạo bắt đầu xuất hiện trên thị trường trang sức hơn một thập kỷ trước, nhưng những tiến bộ công nghệ gần đây đã giúp việc sản xuất trở nên rẻ hơn đáng kể.
Hiện nay, một viên kim cương nhân tạo 3 carat chỉ có giá bằng 7% so với kim cương khai thác có kích thước tương đương. Dữ liệu từ Tenoris cho thấy, kim cương nhân tạo đã chiếm 17% thị phần bán lẻ tại Mỹ về khối lượng, tăng vọt từ mức chỉ 3% vào năm 2020.
Ben Davis, chuyên gia phân tích tại RBC, nhận định: "Điều này giống như sự cạnh tranh mang tính sống còn giữa các công ty kim cương tự nhiên."
Thung lũng kim cương mới của thế giới
Hơn 70% kim cương nhân tạo dùng làm trang sức trên thế giới có nguồn gốc từ Trung Quốc, với Hà Nam là trung tâm của ngành công nghiệp này.
Sự chuyển hướng của Trung Quốc sang sản xuất kim cương không bắt nguồn từ nhu cầu trang sức mà từ địa chính trị, khi Liên Xô cắt đứt nguồn cung kim cương công nghiệp vào đầu những năm 1960.
Đến những năm 1980, Hà Nam đã trở thành trung tâm sản xuất kim cương công nghiệp. Chỉ trong thập kỷ qua, các công ty Trung Quốc mới chuyển sang kinh doanh trang sức với biên lợi nhuận cao hơn.
Ngày nay, hầu hết kim cương tổng hợp ở Trung Quốc được sản xuất bằng "phương pháp áp suất cao, nhiệt độ cao" (HPHT), và ngày càng nhiều nhà sản xuất sử dụng "phương pháp lắng đọng hơi hóa học" (CVD) cho những viên đá quý lớn hơn.

Sau khi được xử lý sơ bộ, chúng được vận chuyển đến Surat, Ấn Độ để đánh bóng, trước khi đến các trung tâm giao dịch như Antwerp hoặc Dubai và cuối cùng đến tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, ít người tiêu dùng biết về vai trò trung tâm của Trung Quốc, do quy ước dán nhãn hải quan thường ghi nguồn gốc là quốc gia nơi kim cương được đánh bóng.
Ngành công nghiệp kim cương của Trung Quốc còn có tầm quan trọng chiến lược do được sử dụng trong các thiết bị quân sự và quốc phòng. Norinco, nhà sản xuất vũ khí nhà nước của Trung Quốc, thậm chí còn vận hành một doanh nghiệp kim cương nhân tạo với thương hiệu trang sức riêng.
Tương lai ngành kim cương: Phân khúc xa xỉ vs bình dân hóa
Năm 2018, De Beers, gã khổng lồ kim cương tự nhiên đã thành lập công ty kim cương nhân tạo Lightbox Jewelry nhằm tạo ra một thị trường phân nhánh, duy trì sức hấp dẫn xa xỉ của kim cương tự nhiên đắt tiền. Tuy nhiên, chính động thái này đã châm ngòi cho một cuộc chiến về giá, đẩy giá kim cương tự nhiên giảm mạnh.

Đến cuối năm 2024, lượng kim cương tồn kho của De Beers đã lên tới 2 tỷ USD, mức tồn kho lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Giá kim cương nhân tạo giảm mạnh đến mức khó tin. Năm 2020, một viên kim cương nhân tạo 3 carat có giá bán lẻ khoảng 28.900 USD. Đến quý II/2025, mức giá này đã giảm xuống chỉ còn 3.900 USD, chỉ bằng 1/8 so với trước đó. Khi các công ty Trung Quốc cải tiến công nghệ và hạ giá bán lẻ, Lightbox đã mất đi lợi thế và phải ngừng hoạt động trong năm nay.
Tại Hà Nam, chính quyền tỉnh Trung Quốc đã phải can thiệp bằng cách thành lập một hiệp hội kim cương mới để kiểm soát cuộc chiến về giá, tương tự như trong ngành xe điện. Một trong những động thái đầu tiên của hiệp hội là đặt mức giá tối thiểu 15 USD/carat cho kim cương thô.
David Kellie, Giám đốc điều hành Hội đồng Kim cương Thiên nhiên, thừa nhận thách thức từ kim cương nhân tạo nhưng cho rằng nguyên nhân chính của việc giảm giá là sự mất cân bằng cung cầu sau đại dịch.

"Ngành công nghiệp này có lịch sử trải qua những thăng trầm… Chúng ta đã có một đỉnh cao rất lớn, và giờ đây chúng ta đang trải qua một đáy sâu hơn bất kỳ năm nào trước đây," ông nói.
Sự xuất hiện của kim cương nhân tạo đã có một tác dụng phụ tích cực: dân chủ hóa kim cương. Ankur Daga, đồng sáng lập công ty trang sức trực tuyến Angara, bày tỏ sự ngạc nhiên trước mức độ phổ biến của chúng: "Đây là một sự thay thế hoàn hảo, giống hệt về mặt hóa học, vật lý và quang học… Đối với ngành công nghiệp trang sức, điều này thực sự khá thú vị. Tất cả những người từng mơ ước mua trang sức kim cương cuối cùng cũng có thể mua được."
Khi giá vàng tăng mạnh, chi phí của nhẫn đính hôn đã thay đổi. Đối với nhiều người mua nhẫn kim cương nhân tạo hiện nay, thành phần đắt nhất không còn là viên đá mà là lớp vàng bao bọc. Điều này cho thấy, kim cương nhân tạo không chỉ thay đổi thị trường mà còn định hình lại cách người tiêu dùng định nghĩa sự xa xỉ và giá trị trong trang sức.