Chuyển đổi số

Nghiên cứu mới cho biết không nên cho trẻ em dưới 13 tuổi sử dụng smartphone

Phan Văn Hòa 26/07/2025 09:38

Một nghiên cứu mới được công bố gần đây cho thấy, việc cho trẻ em sử dụng smartphone trước 13 tuổi có thể gây hại cho sức khỏe tâm thần của trẻ.

Một nghiên cứu mới đăng trên “Tạp chí Phát triển và Năng lực con người” của Vương quốc Anh đã làm dấy lên lo ngại sâu sắc, theo đó trẻ em dưới 13 tuổi sử dụng smartphone có nguy cơ cao gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần, bao gồm ý định tự tử, rối loạn điều tiết cảm xúc, lòng tự trọng thấp và mất kết nối với thực tế, đặc biệt rõ rệt ở các bé gái.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, mỗi năm sử dụng điện thoại sớm hơn mốc 13 tuổi đều có thể làm suy giảm mức độ hạnh phúc và ổn định tinh thần ở thanh thiếu niên. Nguyên nhân được cho là do việc tiếp cận sớm mạng xã hội khiến các em dễ bị mất ngủ, bắt nạt trên mạng và rơi vào các mối quan hệ gia đình tiêu cực.

Ảnh minh họa
Việc cho trẻ em sử dụng smartphone trước 13 tuổi có thể gây hại cho sức khỏe tâm thần.
Ảnh: Internet

Dữ liệu được thu thập từ gần 2 triệu báo cáo tự đánh giá tại 163 quốc gia. Dù chưa được xác minh độc lập, quy mô và tính nhất quán của kết quả đã đủ để các nhà nghiên cứu lên tiếng kêu gọi một chính sách toàn cầu nhằm hạn chế trẻ em dưới 13 tuổi tiếp cận smartphone và mạng xã hội.

Tác giả chính của nghiên cứu, bà Tara Thiagarajan - nhà sáng lập kiêm nhà khoa học trưởng của tổ chức phi lợi nhuận Sapien Labs (Mỹ) nhấn mạnh: “Chúng ta cần hành động khẩn cấp để giới hạn việc trẻ nhỏ sử dụng smartphone, đồng thời thiết lập các quy định nghiêm ngặt hơn về môi trường kỹ thuật số mà giới trẻ đang tiếp xúc”.

Khác với các nghiên cứu trước đó chủ yếu tập trung vào mối liên hệ giữa điện thoại và chứng lo âu hay trầm cảm, khảo sát lần này đi sâu vào những triệu chứng ít được chú ý hơn như khả năng điều hòa cảm xúc và lòng tự trọng và phát hiện rằng đây chính là những yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển tinh thần của trẻ.

Tuy vậy, nhóm nghiên cứu cũng thừa nhận còn nhiều hạn chế như chưa thể xác định loại hình sử dụng nào là nguy hại nhất và liệu những tác động này có thay đổi theo thời gian khi công nghệ tiếp tục tiến hóa.

Không nên cho trẻ em sử dụng mạng xã hội trước 16 tuổi

Sau khi xem xét các bằng chứng khoa học, các nhà nghiên cứu ngày càng tin rằng việc để trẻ em tiếp cận smartphone trước 13 tuổi là một quyết định sai lầm. Các nhà nghiên cứu cũng luôn khuyến nghị phụ huynh không nên cho trẻ em sử dụng mạng xã hội trước 16 tuổi.

Nghiên cứu đáng tin cậy từ Vương quốc Anh cho thấy, việc tiếp xúc với mạng xã hội trong giai đoạn dậy thì có liên hệ rõ ràng với mức độ hài lòng cuộc sống thấp hơn trong vòng một năm sau đó.

Nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt - tác giả cuốn sách bán chạy “Thế hệ lo lắng: Sự thay đổi lớn trong tuổi thơ đang tạo ra một đại dịch sức khỏe tâm thần” cũng đưa ra lời khuyên tương tự, hãy hoãn việc sử dụng mạng xã hội cho đến ít nhất 16 tuổi.

Tất nhiên, điều đó không hề dễ dàng. Nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng rằng con họ sẽ bị cô lập nếu không tham gia mạng xã hội trong khi bạn bè đã bắt đầu sử dụng. Nhưng điều này chỉ thay đổi khi chúng ta cùng hành động. Nếu phụ huynh của nhóm bạn cùng lớp có thể thống nhất và đưa ra giới hạn rõ ràng, việc trì hoãn mạng xã hội sẽ trở nên khả thi hơn rất nhiều.

Tại Mỹ, nhóm vận động có tên “Wait Until 8th” (Đợi đến lớp 8) đã đưa ra bản cam kết mà phụ huynh có thể ký chung, hứa sẽ không cho con dùng smartphone trước khi hoàn thành lớp 8. Những sáng kiến tương tự đang lan rộng, tạo nên mạng lưới phụ huynh cùng chí hướng.

Ảnh minh họa1
Các nhà nghiên cứu cũng luôn khuyến nghị phụ huynh không nên cho trẻ em sử dụng mạng xã hội trước 16 tuổi. Ảnh: Internet

Melissa Greenberg - nhà tâm lý học lâm sàng tại Trung tâm Trị liệu tâm lý Princeton (Mỹ) khuyến khích phụ huynh tìm kiếm các tổ chức hoặc nhóm hỗ trợ trong cộng đồng. “Nếu chưa có, hãy cân nhắc khởi xướng một cuộc trò chuyện. Nhiều người sẽ thấy nhẹ nhõm khi có người nói lên điều mà họ âm thầm nghĩ tới lâu nay”.

Nhà khoa học Tara Thiagarajan của Sapien Labs cũng khuyến nghị phụ huynh nên chọn các trường có chính sách hạn chế việc sử dụng smartphone, hoặc vận động nhà trường đưa ra quy định chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng, phụ huynh không thể đơn độc đối mặt với vấn đề này. Bởi ngay cả khi gia đình bạn thực hiện nghiêm túc giới hạn độ tuổi, con bạn vẫn có thể tiếp cận mạng xã hội thông qua bạn bè, trên xe buýt trường học hoặc tại các hoạt động ngoại khóa.

Chính vì vậy, Thiagarajan kêu gọi cha mẹ không chỉ hành động trong phạm vi gia đình mà còn cần trở thành tiếng nói tích cực trong các cuộc tranh luận chính sách và xây dựng một môi trường kỹ thuật số lành mạnh hơn cho thế hệ tương lai.

Đừng hoảng sợ, hãy trò chuyện và đồng hành cùng con

Nếu bạn đã cho con mình sử dụng smartphone trước 13 tuổi hoặc đang lo lắng về những tác động tiềm ẩn, đừng vội hoảng sợ. Nhà tâm lý học lâm sàng Melissa Greenberg nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là giữ bình tĩnh và chủ động kết nối với con.

“Nếu bạn chưa thấy dấu hiệu gì bất thường, hãy coi đó là cơ hội để mở ra cuộc trò chuyện”, Greenberg khuyên. “Bạn có thể chia sẻ rằng nhiều người trẻ đang gặp khó khăn với lo âu, sự tự ti hoặc những cảm xúc mạnh mẽ. Điều đó không có nghĩa là con bạn cũng như vậy, nhưng hãy để con biết rằng luôn có sự hỗ trợ sẵn sàng nếu con cần”.

Chuyên gia truyền thông Kara Alaimo cũng nhấn mạnh rằng, ngay cả khi con bạn đã sở hữu smartphone, vẫn chưa muộn để tạo ra sự thay đổi. Nếu bạn quan sát thấy các dấu hiệu đáng lo như thay đổi cảm xúc, thu mình, mất ngủ hay lòng tự trọng giảm sút, hãy cân nhắc tìm đến chuyên gia sức khỏe tâm thần được cấp phép để có hướng can thiệp phù hợp.

Điều quan trọng là xây dựng mối quan hệ tin cậy để con cảm thấy an toàn khi chia sẻ và biết rằng bố mẹ luôn là chỗ dựa, bất kể con đang đối mặt với điều gì trong thế giới số.

Thay đổi không bao giờ là quá muộn

Nếu con bạn đã sở hữu smartphone, bạn có thể cảm thấy lo lắng hoặc thậm chí bất lực khi đọc những nghiên cứu cảnh báo về tác động tiêu cực. Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý lâm sàng Melissa Greenberg, không bao giờ là quá muộn để điều chỉnh.

“Rất nhiều phụ huynh nghĩ rằng mình đã đi quá xa để quay đầu, nhưng điều đó hoàn toàn không đúng”, Greenberg chia sẻ. “Nếu bạn cảm thấy những gì đang áp dụng không còn phù hợp với con hoặc với hoàn cảnh gia đình, đừng ngại thay đổi hướng đi”.

Những thay đổi này có thể bắt đầu bằng việc áp dụng các tính năng kiểm soát của phụ huynh, gỡ bỏ các ứng dụng không cần thiết, hoặc thậm chí cân nhắc chuyển sang điện thoại “cục gạch”, thiết bị giúp giữ liên lạc nhưng giảm thiểu đáng kể nguy cơ gây nghiện số.

Tất nhiên, trẻ em có thể phản ứng tiêu cực với những thay đổi đột ngột. Nhưng theo Greenberg, đó không nên là lý do khiến phụ huynh chùn bước, nhất là khi sự điều chỉnh này có thể mang lại lợi ích lâu dài cho sức khỏe tinh thần và sự phát triển của trẻ.

Một cách tiếp cận hiệu quả là trò chuyện thẳng thắn với con rằng, khi lần đầu cho con sử dụng điện thoại, bố mẹ chưa hiểu hết những ảnh hưởng mà công nghệ có thể gây ra. Giờ đây, các nhà khoa học và bác sĩ đã phát hiện nhiều điều mà trước đây chúng ta chưa biết. Vì vậy, bố mẹ cần thực hiện một vài thay đổi để đảm bảo rằng con đang lớn lên trong một môi trường lành mạnh nhất.

Nếu con cảm thấy buồn bã hoặc phản đối, hãy kiên nhẫn và đồng cảm. “Ngay cả người lớn cũng cảm thấy khó chịu khi bị yêu cầu thay đổi thói quen” Greenberg nói. “Chúng ta không thể kỳ vọng trẻ em sẽ chấp nhận điều đó một cách hoàn hảo”.

Nếu con bạn chưa có điện thoại, đây là thời điểm lý tưởng để bắt đầu xây dựng sự đồng thuận với các bậc cha mẹ khác trong cộng đồng. Một cam kết tập thể sẽ giúp giảm áp lực đồng trang lứa và tạo nên môi trường hỗ trợ lẫn nhau.

Tóm lại, việc giữ con tránh xa smartphone ở độ tuổi quá sớm có thể là một trong những quyết định quan trọng và sáng suốt nhất mà bạn đưa ra, không chỉ cho hiện tại, mà còn cho tương lai của con.

Phan Văn Hòa