Thời sự

‘Theo lời Bác dặn: Tri ân người có công’

Tiến sĩ. Trần Ngọc Nhiều – HVCTKV III 26/07/2025 12:14

Chủ tịch Hồ Chí Minh – không chỉ là người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà còn là người đặt nền móng sâu xa cho truyền thống đền ơn đáp nghĩa, bằng tư tưởng, bằng hành động, và bằng cả tấm lòng “từ ái vô hạn” dành cho thương binh, liệt sĩ.

theoloibacdan-trian-cover.png

Tiến sĩ. Trần Ngọc Nhiều • 26/07/2025

Mỗi độ tháng Bảy về, trong những nén hương lặng thầm bên mộ chí sĩ, trong ánh nến lung linh tại các nghĩa trang liệt sĩ, tấm lòng người Việt lại bồi hồi tưởng nhớ đến hàng triệu người con đã ngã xuống cho độc lập, tự do. Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 không chỉ là một mốc lịch sử, mà còn là lời nhắc thiêng liêng về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Và ở đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh – không chỉ là người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà còn là người đặt nền móng sâu xa cho truyền thống đền ơn đáp nghĩa, bằng tư tưởng, bằng hành động, và bằng cả tấm lòng “từ ái vô hạn” dành cho thương binh, liệt sĩ.

theoloibacdan-trian-tit1.png

Ngay từ tháng 6 năm 1947, giữa bom đạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo chọn một ngày để cả nước ghi nhớ, tri ân những người con đã hy sinh hay để lại một phần xương máu vì Tổ quốc. Thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” đề ngày 17/7/1947, Bác viết: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”(1).

theoloibacdan-trian-a1.png

Thư gửi Thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ nhân ngày 27 tháng 7, Người viết: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”(2).

Lời của Người không chỉ là một mệnh lệnh đạo lý, mà còn là một chân lý nhân văn sâu sắc, rằng máu của những người chiến sĩ đã tưới xanh mảnh đất này, và dân tộc không thể bước tiếp nếu không cúi đầu tri ân quá khứ.

Ngày 2.9.1955 Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh
Ngày 2/9/1955, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, người thương binh không chỉ là người lính trở về, mà là biểu tượng sống động của lòng yêu nước, ý chí bất khuất và khí phách anh hùng, “máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”(3). Đó là những dòng chữ thấm đẫm lòng đau đáu của vị cha già dân tộc, như một khúc mặc niệm từ trái tim gửi đến những người không còn trở lại.

theoloibacdan-trian-tit2.png

Tư tưởng lớn của Bác luôn đi kèm với hành động cụ thể, giản dị nhưng đầy xúc động. Ngay từ những năm đầu thành lập nước, Bác đã dành một phần lương của mình để ủng hộ Quỹ thương binh, gửi quà Tết, gửi thư thăm hỏi và thường xuyên đến tận nơi các trại điều dưỡng, bệnh viện để thăm các thương, bệnh binh. Thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” 17/7/1947 có đoạn: “Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127đ.00)”(4).

Bác Hồ với các thương, bệnh binh. Ảnh tư liệu
Bác Hồ với các thương, bệnh binh. Ảnh tư liệu

Những việc làm của Người không phô trương, nhưng thấm đẫm tình người. Người xem việc chăm lo thương binh, liệt sĩ như một trách nhiệm đạo lý và cũng là điều kiện để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc - nơi lòng biết ơn trở thành chất keo bền vững giữa các thế hệ.

theoloibacdan-trian-tit3.png

Sau khi Bác mất, lời dặn của Người trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong chính sách và đời sống tinh thần của nhân dân ta. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, chăm sóc người có công… trở thành những hành động thường xuyên, không chỉ của Nhà nước mà còn từ mỗi người dân.

Nghệ An - vùng đất giàu truyền thống cách mạng, tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được khắc ghi và lan tỏa bằng những hành động cụ thể, thiết thực, thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi và tặng quà cho gia đình chính sách, hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho người có công.

Nhiều mô hình sáng tạo: “Gia đình tình nguyện phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng”, “Doanh nghiệp tri ân liệt sĩ”, “Tuổi trẻ tri ân qua hành động xanh”…

Không chỉ trong dịp kỷ niệm 27/7, mà quanh năm, công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ luôn được tỉnh Nghệ An duy trì ổn định, thể hiện tinh thần trách nhiệm của chính quyền và sự tri ân sâu sắc của nhân dân.

theoloibacdan-trian-tit4.png

Đã 78 năm kể từ ngày Bác viết thư gửi thương binh, nhưng tinh thần của bức thư ấy vẫn còn nguyên giá trị. Đó là lời nhắc nhở rằng: tri ân không chỉ trong ngày 27/7, mà phải là hành động thường xuyên, liên tục, cụ thể và đầy trách nhiệm.

Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước bước vào thời kỳ mới, lời Bác dặn vẫn là kim chỉ nam: Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”(5).

Ngày 27/7 không chỉ là một dịp kỷ niệm, mà còn là cơ hội để mỗi người con đất Việt - đặc biệt là người dân Nghệ An - soi chiếu lại lòng mình, để biết ơn, để hành động, để sống xứng đáng với sự hy sinh vĩ đại của bao thế hệ cha anh.

Đài tưởng niệm Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào. Ảnh: Thành Duy
Đài tưởng niệm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào. Ảnh: Thành Duy

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.204.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10, tr.372.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.401.
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.205.
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.401.

Tiến sĩ. Trần Ngọc Nhiều – HVCTKV III