7 tháng đầu năm, công nghiệp Nghệ An bứt phá với nhiều điểm sáng
7 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An tăng 15,77%. Chỉ số sản xuất tăng khá do nền kinh tế chung của tỉnh có sự phục hồi mạnh mẽ; các doanh nghiệp nỗ lực khôi phục, đẩy mạnh chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhiều dự án mới đi vào hoạt động.
Tăng khả năng cạnh tranh
Thị trường xi măng thời gian qua ghi nhận những tín hiệu phục hồi, giá tăng. Tình hình tiêu thụ cải thiện giúp nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh tốt.
Ông Phạm Xuân Khánh - Giám đốc Sản xuất Công ty CP Xi măng Sông Lam cho biết: Sáu tháng đầu năm, xi măng nội địa tăng trưởng tốt, sản lượng đạt 822,693 tấn, tăng 109,705 tấn (tăng 15,39%) so với năm 2024. Cùng với sự phục hồi của thị trường trong nước đã hỗ trợ phần nào nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, chi phí nguyên liệu đầu vào như than, điện, xăng, dầu liên tục tăng trong thời gian qua khiến doanh nghiệp xi măng phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm nhằm cân đối với chi phí vận hành. Để cạnh tranh trên thị trường cũng như duy trì sản xuất, Công ty đưa ra các giải pháp như tối ưu hoá chế độ vận hành tăng năng suất, tối ưu hóa phối liệu giảm tiêu hao. Nâng cao hiệu suất làm việc của thiết bị, thay thế, chuyển đổi các thiết bị tiên tiến giảm tiêu hao, dừng chạy máy tránh các giờ cao điểm để giảm giá điện theo biểu giá của EVN, áp dụng tự động hóa và chuyển đổi số tại một số vị trí.
Giám đốc Sản xuất Công ty CP Xi măng Sông Lam chia sẻ: Trong bối cảnh yêu cầu phát triển bền vững ngày càng cao, công tác bảo vệ môi trường đã trở thành một nhiệm vụ trọng tâm, song hành cùng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong công ty. Hiện nay, Công ty không chỉ chú trọng đến sản lượng, chất lượng sản phẩm mà còn tập trung đầu tư vào các hệ thống xử lý bụi, khí thải, kiểm soát tiếng ồn và cải thiện cảnh quan nhà máy xanh - sạch - đẹp. Thu gom, xử lý chất thải đúng quy trình, vận hành hiệu quả hệ thống lọc bụi, khí thải đạt chuẩn.

Còn tại Công ty May Minh Anh Nghệ An, ông Nguyễn Đình Sinh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty cho biết: Hiện Tổng Công ty May Minh Anh Nghệ An có 4 nhà máy, gồm Nhà máy May Minh Anh Kim Liên, Nhà máy May Minh Anh Đô Lương, Nhà máy May Minh Anh Tân Kỳ và Nhà máy May Minh Anh Con Cuông với tổng 7.000 lao động. Từ đầu năm đến nay, đơn hàng ổn định, 90% hàng hóa xuất sang thị trường Mỹ. Hiện nay, đàm phán thuế quan đang trong giai đoạn gia hạn nên tình hình sản xuất không có biến động, sản xuất đảm bảo kế hoạch, mục tiêu doanh thu đạt 1.200 tỷ đồng trong năm 2025, tăng 10% so với năm 2024.
Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may đang tìm cách đa dạng hóa thị trường và đánh giá lại chiến lược sản xuất, xuất khẩu để chủ động giảm thiểu tác động tiêu cực khi phụ thuộc vào một thị trường. Đồng thời, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành để cạnh tranh và khai thác các thị trường khác.

Tập trung giải pháp trọng tâm
Theo Sở Công Thương, so với tháng 7/2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An tăng 20,64%. Chỉ số sản xuất tăng khá do nền kinh tế chung của tỉnh có sự phục hồi mạnh mẽ, các doanh nghiệp nỗ lực khôi phục, mở rộng sản xuất, một số doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường xuất khẩu, nhiều dự án mới đi vào hoạt động, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng ước đạt 123,0% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng chủ yếu do các doanh nghiệp có nhiều đơn hàng mới, hàng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ, như Doanh nghiệp tư nhân Long Anh; Công ty cổ phần An Lộc... Năm nay, một số nhà máy xi măng như Sông Lam 2, Tân Thắng trực tiếp sản xuất clanke xi măng, nên nguồn khai thác nguyên liệu đá tăng mạnh, trong khi cùng kỳ năm 2024 các nhà máy chủ yếu mua ngoài clanke vì giá thành rẻ hơn, sản lượng khai thác đá ít.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 121,86% so với cùng kỳ năm 2024. Tranh thủ các điều kiện thuận lợi trong nước cũng như trong tỉnh, doanh nghiệp đã đẩy mạnh tái sản xuất, mở rộng quy mô kinh doanh.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phát triển nhanh với nhiều điểm sáng. Một số nhà máy mới sau thời gian chạy thử đã có sản phẩm thương mại ổn định, như linh kiện điện tử, linh kiện phụ tùng ô tô, mô-đun pin năng lượng mặt trời; giày da; tấm bán dẫn bằng silic; vỏ camera...
Cũng trong tháng 7/2025, nhiều doanh nghiệp dự kiến tăng sản lượng sản xuất do có các đơn hàng xuất khẩu, một số sản phẩm sản xuất tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: phân bón hóa học NPK gấp 6,0 lần; dịch vụ sản xuất dây, cáp điện khác gấp 2,4 lần; micro tăng 52,41%; tai nghe không nối với micro tăng 38,16%; xi măng tăng 31,12%; ống thép Hoa Sen tăng 29,09%; sữa chua tăng 25,89%; clanhke xi măng tăng 19,29%...
Bên cạnh những thuận lợi, tình hình sản xuất của một số doanh nghiệp gặp khó khăn, xuất khẩu giảm, không tìm kiếm được đơn hàng, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Một số nhà máy không tuyển dụng được lao động, thị trường tiêu thụ chậm; nhiều đơn hàng cũ bị cắt giảm do thay đổi công nghệ sản phẩm; cải tiến máy móc thiết bị...
Để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó có mục tiêu tăng trưởng GRDP khoảng 10,5%, tỉnh Nghệ An đã định hướng nhiệm vụ, xác định 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Riêng ngành công nghiệp tập trung thực hiện có hiệu quả kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 07- NQ/TU ngày 23/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất công nghiệp dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao, tiết kiệm nguyên liệu, thân thiện với môi trường, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, chế biến chế tạo, nhất là dự án quy mô lớn.

Trong khó khăn chung, sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá hơn so với cùng kỳ năm trước. Kết quả đó tạo động lực, tiền đề thúc đẩy tăng trưởng các quý còn lại của năm 2025. Tới đây, một số dự án lớn trong khu kinh tế, các KCN dự kiến đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước cho địa phương cũng như tăng giá trị xuất, nhập khẩu.
Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương