Vô xứ Nghệ

Dấu xưa thành cổ Trà Lân

Tiến Đông 28/07/2025 14:34

Ngược Quốc lộ 7A một ngày giữa mùa Hè nóng bỏng, tôi bắt đầu chuyến đi tìm dấu vết của một tòa thành cổ từng được khắc sâu trong sử sách dân tộc - thành Trà Lân. Đây là một cứ điểm quan trọng từng ghi dấu chiến công của nghĩa quân Lam Sơn dưới sự chỉ huy của Lê Lợi cách đây hơn 600 năm.

tctralan-cover.png

Tiến Đông • 28/07/2025

tctralan-tit1.png

Theo các nguồn sử liệu cổ như Lam Sơn thực lục, Đại Việt sử ký toàn thư, sau chiến thắng ở Bồ Đằng, hay còn gọi là Bù Đằng, vùng đất giáp ranh giữa Nghệ An và Thanh Hóa (nay là xã Quỳ Châu), vào năm 1424, Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn quyết định tiến sâu vào Nghệ An nhằm lấy "đất đứng chân". Bởi theo kế của tướng quân Nguyễn Chích (một số tư liệu gọi là Lê Chích theo họ vua), thì “Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng, người đông… chiếm giữ cho được Nghệ An để làm đất đứng chân, rồi dựa vào sức người và của cải đất ấy mà quay ra đánh Đông Đô thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ”.

Thực tế, thời điểm bấy giờ, trên mảnh đất Nghệ An, giặc Minh đang đóng giữ nhiều cứ điểm chiến lược. Trong số đó, thành Trà Lân (còn gọi là Trà Long), là một thành trì lớn, nằm ở vị trí hiểm yếu bên tả ngạn sông Lam, thuộc địa phận xã Bồng Khê trước đây (nay là xã Con Cuông).

Khu vực được cho là nơi đặt thành Trà Lân, nằm phía Bắc sông Lam, phía xa là con đường đi vào xã Bình Chuẩn để sang huyện Quỳ Hợp trước đây. Ảnh: Tiến Đông
Khu vực được cho là nơi đặt thành Trà Lân, nằm phía Bắc sông Lam, phía xa là con đường đi vào xã Bình Chuẩn để sang huyện Quỳ Hợp trước đây. Ảnh: Tiến Đông

Theo một số tư liệu lịch sử còn ghi lại, thành Trà Lân là một thành cổ, thủ phủ của phủ Trà Lân, xứ Nghệ An. Bùi Dương Lịch trong Nghệ An Ký đã nói rằng, ngoài 4 phủ có thanh giáo (tức là chịu sự oai thanh và giáo hóa của nhà vua), là: Đức Quang, Anh Đô, Diễn Châu, Hà Hoa, thì Nghệ An còn có 5 phủ ki mi (những vùng ràng buộc lỏng lẻo, thông qua chế độ tù trưởng của địa phương để thống trị gián tiếp), trong đó có phủ Trà Lân (gồm các huyện Kỳ Sơn, Hội Ninh, Tương Dương, Vĩnh Khang).

Thành Trà Lân được miêu tả rằng, ở trên một ngọn núi cao 168m bên bờ bắc sông Lam, gần ngã ba sông Con. Ngọn núi này có tên là Pù Thanh hay Pù Đồn (pù là núi), trước thuộc xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, nay là xã Con Cuông. Thành này là nơi án ngữ con đường "thượng đạo" nối Tây Bắc và Tây Nam Nghệ An, là điểm chốt chặn giữa vùng rừng núi và đồng bằng. Khu vực này có núi rừng trùng điệp và sông nước hiểm yếu. Quân Minh đã xây dựng nơi đây trở thành cứ điểm quan trọng để kiểm soát cả một vùng thượng du rộng lớn. Thành đắp theo thế núi, chu vi chừng 2 km, phía ngoài có hào và rào tre trúc dày, do viên tri phủ thổ quan Cầm Bành cùng hơn 1.000 thổ binh chốt giữ.

Sau chiến thắng tại núi Bồ Đằng vào tháng 10/1424, tiêu diệt hơn 2.000 tên giặc, trong đó có tên Đô ty Trần Trung, thu nhiều khí giới và hơn 100 con ngựa, thanh thế của nghĩa quân Lê Lợi càng thêm lừng lẫy. Tiến đến thành Trà Lân, bằng chiến thuật vây thành và cắt đứt đường tiếp viện, Lê Lợi đã buộc quân Cầm Bành trong thành rơi vào thế cô lập. Sau một thời gian bị vây hãm, không còn lương thực và viện binh, thành Trà Lân thất thủ.

tctralan-a2.png
Một đoạn được cho là hào thành Trà Lân. Ảnh: Tiến Đông

Sau này, trong Bình Ngô đại cáo (soạn năm 1428), hai trận đánh oanh liệt nói trên ở đất Nghệ An đã được Nguyễn Trãi miêu tả qua 2 câu thơ "Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật/ Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay". Điều đó cho thấy tầm quan trọng của những trận đánh này đối với nghĩa quân Lam Sơn trong tiến trình giành lại độc lập cho Đại Việt.

Thực tế, trận hạ thành Trà Lân không chỉ là chiến thắng quân sự, mà còn là đòn tâm lý giáng mạnh vào hệ thống phòng ngự phía Tây Nam Nghệ An của giặc Minh. Chiến thắng này mở ra bước ngoặt cho phong trào khởi nghĩa Lam Sơn, đánh dấu sự kiểm soát của nghĩa quân tại vùng đất thượng du Nghệ An trước khi tiến quân về vùng đồng bằng rộng lớn.

tctralan-tit2.png

Trái với vị thế từng có trong lịch sử, dấu vết của thành Trà Lân hôm nay lại vô cùng mờ nhạt. Từ trung tâm xã Con Cuông, chúng tôi theo Quốc lộ 7A ngược về phía Tây khoảng 3km, qua cầu treo Thanh Nam rồi men theo con đường bê tông dưới chân núi dọc bờ sông Lam tìm về thôn Tân Hòa, nơi được nhân dân địa phương và nhiều nhà nghiên cứu nhận định là vùng lõi của thành cổ Trà Lân.

ông lê thanh hải
Ông Lê Thanh Hải – Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Tân Hoà dẫn PV đi xem một đoạn được cho là hào thành Trà Lân. Ảnh: Tiến Đông

Giữa mênh mông những đồi keo, đồi tràm bạt ngàn, dấu tích thành cổ gần như đã bị che lấp. Dẫu vậy, câu chuyện về thành Trà Lân vẫn được người dân địa phương ghi nhớ, thậm chí họ từng đào được nhiều hiện vật được cho là có từ thời thành Trà Lân còn là trung tâm của phủ Trà Lân.

Tại thôn Tân Hòa, chúng tôi được ông Lê Thanh Hải – Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn dẫn đi xem một số địa điểm mà trước đó người dân đã đào được nhiều hiện vật cổ. Trên đường đi, ông Hải chẳng khác nào một hướng dẫn viên du lịch, chỉ cho chúng tôi những vị trí được cho là bờ thành Trà Lân xưa. Ông Hải còn bảo, cách đây 4 tháng, ông đã từng dẫn Đoàn công tác của Cục Di sản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đi khảo sát thành Trà Lân.

tctralan-a5(1).png
Đoàn công tác của Cục Di sản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đi khảo sát thành Trà Lân (ảnh trên); Kiểm tra gạch cổ. Ảnh: Tường Vi

Theo ông Hải, như lời truyền miệng của các thế hệ đi trước kể lại thì thành Trà Lân trải dài hơn 2 km, được bao quanh bằng lớp hào sâu và bờ tre dày đặc chạy dài từ phía Tây xuống phía Đông, ôm quanh nhiều vai núi, từ đó nhìn xuống được cả một đoạn sông Lam. Địa thế hiểm yếu, mặt trước là vực sông, phía sau là rừng rậm, đúng kiểu "thiên hiểm khả thủ".

Có mặt tại nhà ông Lê Văn Phượng, nằm gần bờ sông Lam cũng tại thôn Tân Hoà, chúng tôi được ông Phượng cho biết: Gia đình ông chuyển từ thôn Thanh Đào lên đây từ năm 1978. Trong khi đào móng làm nhà thì đã phát hiện thấy rất nhiều viên gạch, ngói cổ có hoa văn kỳ lạ. Đặc biệt là những viên gạch có kích cỡ to bản và dày hơn loại gạch hiện nay mà người dân hay dùng. Có viên còn có hoa văn hình hoa cúc, cánh sen. Mấy cụ già trong làng bảo đó là gạch dùng xây thành từ thời Lê Lợi.

tctralan-a4.png
Những mẩu gạch, ngói cổ được cơ quan chức năng thu thập được trong khu vực (ảnh trên); Hoa văn trên một hòn đá táng. Ảnh: Tiến Đông

Ông Phượng kể rằng, những viên gạch quý ấy sau nhiều năm đã được lấp dưới nền nhà, nền sân, chỉ còn sót lại một số viên được ông vứt chỏng chơ phía sau nhà.

Dẫn chúng tôi ra xem mấy viên gạch cổ, ông Phượng tỏ ra khá tiếc nuối và nói: "Hồi đó chưa ai khảo cổ, cũng chẳng ai nghĩ giữ lại làm gì. Đợt trước, đoàn khảo sát của Cục Di sản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã vào xem" - ông Phượng vừa nói, vừa chỉ tay vào những viên gạch còn sót lại.

bna_05460.jpg
Ông Lê Văn Phượng - thôn Tân Hòa kể lại câu chuyện đào được nhiều hiện vật cổ trong vườn nhà nghi là dấu tích của thành Trà Lân. Ảnh: Tiến Đông

Ông Phượng cũng cho biết, tại khu vực này, khi cải tạo vườn, đào móng nhà, nhiều gia đình còn phát hiện nhiều hòn đá táng dài được cho là làm nền móng trước đây. Thậm chí người dân còn nhiều lần đào được các mảnh gốm, sành, sứ, ngói Tàu và nhiều ụ gạch như là lò nung gốm, nung gạch ngói cũ.

Theo phỏng đoán, với vị trí của thành Trà Lân, nơi đây không chỉ có vai trò phòng thủ, mà còn bố trí cả các cơ sở dân sự. Với việc được lựa chọn là trung tâm của phủ Trà Lân thì không khó hình dung rằng nơi đây sẽ được bố trí một số công trình, nhà cửa dùng làm nơi trú ngụ cho quan binh. Việc xuất hiện nhiều hiện vật gạch, ngói cũng là minh chứng cho nhận định này.

Dù chưa có đợt khai quật chính thức nào được tiến hành, nhưng những gì còn sót lại rải rác khắp vùng đất này cho thấy nơi đây từng tồn tại một công trình quy mô, kiên cố, gắn liền với tầng tầng lớp lớp trầm tích lịch sử liên quan đến thành Trà Lân

Ông Lê Văn Phượng chỉ cho PV xem những viên gạch cổ mà ông đào được khi cải tạo vườn. Ảnh: Tiến Đông
Ông Lê Văn Phượng chỉ cho PV xem những viên gạch cổ mà ông đào được khi cải tạo vườn. Ảnh: PV

Tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2011, chính quyền huyện Con Cuông thời điểm đó đã lập hồ sơ di tích, gửi các cơ quan chức năng đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh cho khu vực thành Trà Lân. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ, hồ sơ này vẫn chưa được xét duyệt. Việc xếp hạng bị đình trệ do thiếu căn cứ khảo cổ học cụ thể và chưa có quy hoạch bảo tồn. Trong khi đó, người dân vẫn tiếp tục sử dụng đất để sản xuất, nhiều khu vực bị san ủi làm nhà, làm đường mà không biết đó có thể là phần nền móng thành xưa.

Ông Phan Trọng Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Con Cuông chia sẻ: Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, Trà Lân không chỉ là một địa danh lịch sử mà còn là một phần cội rễ tinh thần của vùng đất Con Cuông trước đây. Tòa thành này có vai trò đặc biệt trong tiến trình lịch sử dân tộc, nhất là thời kỳ khởi nghĩa Lam Sơn. Trước đây, chúng tôi cũng đã đề xuất được nghiên cứu, khảo cổ chính thức để phục dựng lại những gì còn sót lại của thành. Đó không chỉ là trách nhiệm với lịch sử, mà còn là cách để khơi dậy niềm tự hào và giáo dục truyền thống cho thế hệ sau. Tuy vậy, vì nhiều lý do, điều đó đã chưa thực hiện được.

Ông Trung cũng cho rằng, nếu được phục dựng, dù chỉ là bằng các hình ảnh, tranh vẽ, tấm banner dựng bên bờ đất cũ, thì thành Trà Lân cùng với bia Ma Nhai (nằm phía đối diện bên kia sông Lam), và các điểm văn hóa của đồng bào Thái, chắc chắn sẽ tạo thành một tuyến điểm du lịch vừa có chiều sâu lịch sử, vừa mang bản sắc văn hóa dân tộc.

Khu vực thành Trà Lân xưa nằm dựa lưng vào núi và phía trước mặt là dòng sông Lam. Ảnh: Tiến Đông
Khu vực thành Trà Lân xưa nằm dựa lưng vào núi và phía trước mặt là dòng sông Lam. Ảnh: Tiến Đông

Rời Trà Lân, rời vùng Tân Hòa khi trời đã về chiều, chúng tôi mang theo không ít suy tư, lo lắng khi tòa thành này không còn nguyên hình, vẹn dấu.

Với những dấu tích còn sót lại, chúng tôi nghĩ rằng chúng ta không được phép bỏ qua hoặc vùi lấp nó xuống sâu dưới các tầng ký ức. Mà phải bắt đầu ngay từ những mảnh gạch nhỏ, từ từng đoạn hào, dãy tre gai bao quanh còn sót lại. Phải khảo sát, đo đạc, khoanh vùng, gìn giữ.

Bởi, phục dựng lại thành Trà Lân không chỉ là phục dựng lại một phần ký ức, mà còn phục dựng lại một phần linh hồn của sử Việt, nơi từng in dấu gót chân nghĩa quân Lam Sơn, nơi từng vang vọng tiếng trống trận, cờ đại nghĩa như "trúc chẻ, tro bay" giữa núi rừng xứ Nghệ.

Tiến Đông