Quá chén trong ngày Tết, giải rượu cách nào?

06/02/2016 20:31

Vỏ quýt có thể được chế biến thành vài “món” đơn giản có tác dụng giải rượu nhanh chóng khi quá chén.

Dịp lễ, Tết, bia rượu là loại thức uống rất phổ biến nhưng trong không khí vui vẻ, nhiều người thường quá chén, dẫn đến không ít chuyện phiền phức, thậm chí đau lòng.

Sau khi uống bia rượu (gọi chung là rượu), chất cồn vào dạ dày, được máu đưa vào hệ tuần hoàn. Lúc này, nồng độ cồn trong máu tăng nhanh hơn tốc độ phân giải của gan nên người uống sẽ say và gan cũng bị tổn thương.

Những “món” dễ làm

- Sữa bò: Sữa bò kết hợp với cồn làm chậm tốc độ hấp thu cồn bên trong dạ dày, đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày.

- Nước cơm đặc: Trong nước cơm đặc có chứa nhiều đường và vitamin A, vitamin nhóm B, có tác dụng điều hòa và giải độc rượu. Nếu thêm đường trắng với lượng vừa đủ, hiệu quả sẽ càng cao.

- Giấm chua: Giấm và cồn kết hợp thành axít acetic và nước, giúp giảm nhẹ tác hại của cồn đối với cơ thể. Khi say rượu, dùng giấm chua hoặc giấm sửu 100 ml, đường đỏ 25 g, gừng tươi 3 lát rồi sắc uống, hiệu quả giải rượu càng tốt.

- Lòng trắng trứng: Khi say rượu, uống lòng trắng trứng sẽ làm chậm quá trình hấp thu cồn trong dạ dày, giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày.

- Vỏ quýt: Dùng vài lát vỏ quýt tươi rửa sạch, thêm nước vừa đủ sắc uống; hoặc lấy vỏ quýt khô tán mịn, thêm ít muối ăn, hãm với nước sôi rồi dùng.

- Quả hồng: Lấy quả hồng chín, lột vỏ rồi ăn; hoặc lấy quả hồng khô, cắt nhuyễn, thêm ít nước, sắc uống.

- Nước mía: Mía rửa sạch, gọt vỏ, cắt khúc rồi nhai lấy nước; hoặc dùng mía ép lấy nước uống.

- Trái cây: Ăn lê, cam, quýt, bưởi, táo tây, chuối, dưa hấu, củ năn, dâu tằm… có tác dụng làm loãng độ cồn trong máu, tăng bài tiết và giải rượu.

- Nước củ sen: Củ sen rửa sạch, băm nhuyễn, vắt nước uống.

- Quả ô liu: Quả ô liu ăn sống hoặc dùng hãm trà uống, hiệu quả không kém.

- Củ cải: Củ cải trắng 0,5 kg rửa sạch, gọt vỏ, vắt lấy nước, dùng uống thay trà; hoặc trong nước cốt củ cải thêm đường trắng, giấm ăn vừa đủ, trộn đều thì dùng. Mỗi lần 1 ly, dùng liền vài lần, có khả năng giải rượu và khử mùi hôi rượu.

- Rau cần: Rau cần tươi rửa sạch, cắt nhỏ, giã nhuyễn, vắt nước uống, có hiệu quả trong việc hạ cơn nhức đầu, mặt ửng đỏ do say rượu.

- Gỏi cải bắp: Cải bắp rửa sạch, cắt sợi nhỏ, thêm giấm ăn và đường trắng, ướp khoảng 10 phút thì dùng, vừa thanh mát khoái khẩu vừa có công hiệu giải rượu.

- Khoai lang đỏ: Khoai lang đỏ sống, giã nhuyễn, trộn với đường trắng vừa đủ, hiệu quả giải rượu rất tốt.

- Canh: Dùng canh bí đao hoặc một số loại canh rau thanh đạm khác.

- Trứng bắc thảo: Trứng bắc thảo 1 - 2 quả, lột vỏ, chấm ăn với giấm.

- Đậu xanh: Đậu xanh 100 g, thêm nước vừa đủ, sắc uống hoặc dùng nước ấm vo sạch đậu xanh, giã nhuyễn, hãm với nước sôi thì dùng.

- Nước đường: Đường trắng vừa đủ, hãm với nước sôi, có tác dụng giải rượu, tỉnh não.

- Nước muối: Dùng nước đun sôi để nguội pha muối uống, có tác dụng giải rượu, tức ngực, buồn nôn,

- Quả lê: Quả lê ăn trực tiếp hoặc vắt lấy nước cốt để uống.

Ngoài ra, có thể dùng 2 khăn lông ngâm nước lạnh, một khăn đắp sau ót, một khăn đắp trước ngực và cho người say uống nước liên tục cũng có thể giúp tỉnh rượu.

Giải rượu theo triệu chứng

- Say rượu nhức đầu: Uống chút nước mật ong giúp giảm nhẹ nhức đầu sau khi say rượu, nhất là cơn đau đầu do rượu vang đỏ gây ra. Ngoài ra, mật ong còn giúp người say dễ ngủ, hôm sau ngủ dậy không thấy nhức đầu.

- Say rượu váng đầu: Nước cốt cà chua là thức uống giúp phân giải hấp thu cồn có hiệu quả, mỗi lần uống hơn 300 ml thì tình trạng váng đầu dần biến mất. Nếu nêm thêm một ít muối ăn trước khi uống còn có thể giúp ổn định cảm xúc.

- Say rượu trào ngược dạ dày: Trong nho tươi có chứa nhiều axít tartaric, kết hợp với ethanol trong rượu sẽ tạo ra chất ester, làm giảm nồng độ ethanol trong cơ thể. Mặt khác, vị chua chua của nho cũng giúp làm chậm triệu chứng trào ngược sau khi uống rượu. Ăn nho trước khi uống rượu còn có hiệu quả dự phòng say rượu.

- Say rượu gây sốt: Nước cốt dưa hấu được mệnh danh là “bạch hổ thang” từ thiên nhiên (thang thuốc làm mát lừng danh), có tác dụng tăng tốc độ bài tiết cồn qua nước tiểu, đồng thời hạn chế cơ thể hấp thu cồn gây sốt toàn thân. Khi dùng nêm thêm ít muối còn giúp ổn định cảm xúc.

- Say rượu hôi miệng: Cuốn sách “Bản thảo cương mục” của Lý Thời Trân đã sớm ghi nhận bưởi có khả năng giải rượu. Ruột bưởi cắt nhỏ, chấm với đường trắng rồi ăn có tác dụng trừ hôi miệng, hôi rượu sau khi say.

- Say rượu gây bất ổn đường ruột, mặt ửng đỏ: Nếu đường ruột bất ổn sau khi uống rượu, việc uống chút nước cốt rau cần làm chậm triệu chứng thấy rõ. Ngoài ra, dùng nước cốt rau cần còn giúp khắc phục triệu chứng mắt, má ửng đỏ khi say rượu một cách hiệu quả.

- Say rượu bứt rứt: Khi đã sử dụng nhiều rượu, việc uống sữa chua có thể giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, làm chậm quá trình hấp thu cồn, đồng thời giảm triệu chứng bứt rứt.

- Say rượu gây tức ngực, buồn nôn: Ăn ngay 1-2 quả chuối, nồng độ đường trong máu tăng lên sẽ kéo giảm nồng độ cồn trong máu, vừa đạt mục đích giải rượu vừa giảm triệu chứng hồi hộp, tức ngực, buồn nôn.

- Say rượu chán ăn: Quả ô liu từ xưa được xem là “thuốc hay” để giải rượu, kích thích sự thèm ăn, cải thiện triệu chứng chán ăn sau khi say rượu./.

Theo VOV.VN

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Quá chén trong ngày Tết, giải rượu cách nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO