Quà của biển
BNA - Biển Cửa Lò (Nghệ An) không chỉ hấp dẫn du khách bởi nước biển trong và bãi cát mịn, mà còn làm “bịn rịn” lòng người bởi những sản vật của biển. Nào cua, ghẹ, tôm, mực, sò điệp…. Và, một đặc sản không thể không nhắc đến là món tôm nõn.
Cũng con cua, con ghẹ…, nhưng nếu được đánh bắt ở ngư trường xứ Nghệ có vị đậm đà khó quên. Người ta giải thích ngoài nồng độ muối cao hơn, thì suốt 82 km bờ biển có đến 5 - 6 cửa sông hàng ngày cung cấp một lượng thức ăn dồi dào. Phù sa từ những cánh rừng đại ngàn được bồi đắp lượng phù du qua hàng trăm km hành trình trong lục địa, để rồi góp cùng đại dương tạo nên hương vị riêng đặc trưng mà khắp nơi trên vùng biển Việt Nam không nơi nào có được.
Bên cạnh những đặc sản tươi sống, một thứ không thể thiếu được trong hành trang của khách du lịch khi trở về là món tôm nõn. Những con tôm lột vỏ, đỏ au được sấy khô, thơm phức, đóng gói kỹ càng, là món quà thơm thảo tặng người thân, gợi nhớ về những ngày nghỉ ngơi lý thú nơi bãi biển đầy nắng gió.
Các công đoạn chế biến tôm nõn: luộc, sấy và tuyển chọn thành phẩm.
Theo bà Võ Thị Lộc (ở khối 2, phường Nghi Thuỷ) thì cái nghề làm tôm nõn đã có từ lâu, gắn với nghề dạ tôm khát phát triển ở địa phương. Nhưng từ khi “lên” thị xã du lịch đến nay, do nhu cầu của khách nên mới phát triển mạnh. Hiện nay toàn phường có 5 tổ chế biến. Mỗi tổ thu hút 50 - 100 lao động. Điều đáng nói lao động tham gia ở đây ngoài những người góp vốn đóng vai trò điều hành còn lại là phụ nữ không có công ăn việc làm bởi công việc đơn giản. Những kỳ nghỉ hè còn có học sinh tham gia giúp đỡ bố mẹ, con số lên đến lên đến hàng trăm em ở mỗi tổ. Tôm luộc xong đổ ra các em chỉ việc bóc đầu, bỏ vỏ tôm. Sản phẩm được cân lên và người lao động được nhận tiền ngay. Tuỳ theo sự chuyên cần, mỗi buổi làm thu nhập bình quân từ 3 - 4 chục ngàn. Số tiền này dùng để mua sắm sách vở bút mực, áo quần… cho các em sau một kỳ nghỉ hè, chuẩn bị bước vào năm học mới.
Cứ mỗi buổi sáng, tầm 4 - 5 giờ, cả làng nghề thức dậy. Người ra biển đón thuyền, người ở nhà nổi lửa. Thuyền về, từng rổ, từng rổ tôm được cho vào nồi luộc. Tôm chín tải ra trên sàng. Bóc vỏ tôm là công đoạn đòi hỏi nhiều lao động nhất. Hình ảnh các em, các bà xúm xít quanh đống tôm vừa bóc vỏ vừa ríu rít trò chuyện, một cảm giác vui vui gợi lên trong lòng tôi. Tôm lột xong rửa sạch, trải ra trên nong, đợi ráo nước đưa vào lò sấy. Chỉ có sấy bằng than mới giữ được chất lượng, hương vị của tôm. Khí than làm cho màu sắc của con tôm thêm tươi thắm để bắt mắt người mua. Trong quá trình sấy, thợ cả phải canh chừng, tôm khô vừa độ thì lấy ra. Tôm khô quá sẽ cứng quắt lại nhìn không bắt mắt. Còn nếu ẩm quá thì không bảo quản được lâu, chất lượng giảm sút… Khi tôm khô, công đoạn cuối cùng là sàng vẩy, đóng gói đi nhập cho các đại lý, nhà hàng.
Mỗi ngày, các cơ sở chế biến ở đây sử dụng từ dăm tạ đến vài tấn tôm nguyên liệu, cho ra từ dăm chục cân đến vài tạ thành phẩm cung cấp cho thị trường.
Công Sáng