Quá trình triển khai và những thách thức đang diễn ra đối với 5G ở Trung Quốc

Phan Văn Hoà 30/07/2023 10:45

(Baonghean.vn) - Kể từ khi chính thức triển khai 5G vào tháng 6 năm 2019, Trung Quốc đã khẳng định mình là một trong những quốc gia dẫn đầu toàn cầu về triển khai, đổi mới và thương mại hóa 5G.

Anh minh hoa.jpg
Ảnh minh hoạ.

Đến nay, Trung Quốc được đánh giá là quốc gia có mạng 5G phát triển nhanh và có lượng người dùng lớn nhất trên thế giới. Bốn nhà khai thác di động lớn ở Trung Quốc bao gồm China Telecom, China Mobile, China Unicom và China Broadnet là những người khởi xướng quan trọng trong việc thúc đẩy triển khai và áp dụng dịch vụ 5G cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trên toàn quốc.

Tăng trưởng 5G với tốc độ chóng mặt ở thị trường Trung Quốc

Trung Quốc được xem là quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực 5G về số lượng trạm gốc 5G đã triển khai. Tính đến cuối năm 2022, Trung Quốc có tổng cộng 10,8 triệu trạm gốc, trong đó có 2,3 triệu trạm gốc 5G, chiếm 60% tổng số trạm gốc 5G trên thế giới.

Người ta ước tính rằng, số lượng trạm gốc 5G trên đầu người của Trung Quốc gấp khoảng 4 lần so với Mỹ và 2,3 lần so với Liên minh Châu Âu. Vào năm 2023, Trung Quốc có kế hoạch tiếp tục tốc độ xây dựng của năm 2022 và triển khai thêm khoảng 600.000 trạm gốc 5G.

Tính đến tháng 4 năm 2023, Trung Quốc đã xây dựng hoặc nâng cấp hơn 2,7 triệu trạm gốc 5G, chiếm 24,5% tổng số trạm gốc di động trên toàn quốc. Với đà phát triển này, các nhà khai thác di động sẽ đáp ứng hoặc thậm chí vượt mục tiêu ban đầu là 2,9 triệu trạm gốc 5G được triển khai đến cuối năm 2023 do Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) đặt ra.

Việc triển khai mạng 5G nhanh chóng của các nhà khai thác di động cũng đã chứng kiến ​​tỷ lệ chấp nhận gói đăng ký 5G tăng lên. Tính đến cuối quý 1 năm 2023, số lượng thuê bao 5G tích lũy tại quốc gia này đã tăng lên khoảng 1,2 tỷ, tăng hơn 40% so với khoảng 850 triệu thuê bao 5G tính đến tháng 3 năm 2022. Tỷ lệ thâm nhập thuê bao 5G trên tất cả các nhà mạng đều đạt trên 60%.

Về doanh thu, China Mobile đã báo cáo doanh thu dịch vụ viễn thông tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, với doanh thu trung bình trên mỗi người dùng di động (ARPU) tăng 0,4% lên 6,9 USD. China Telecom cũng báo cáo doanh thu dịch vụ truyền thông di động tăng 3,7% hàng năm với ARPU di động tăng 0,4% lên 6,3 USD trong khi China Unicom chứng kiến ​​ARPU di động tăng 3 năm liên tiếp lên 6,2 USD.

Trong lĩnh vực doanh nghiệp, 3 nhà khai thác di động lớn nhất Trung Quốc là China Mobile, China Telecom và China Unicom đã tham gia vào hơn 49.000 dự án thương mại 5G tính đến cuối năm 2022. Số liệu của MIIT cho thấy, các nhà khai thác di động này đã xây dựng hơn 6.000 mạng 5G dùng riêng cho đến nay.

Chính sách đầu tư vào mạng 5G của Trung Quốc

Với tốc độ truyền tải dữ liệu cực cao và độ trễ cực thấp, công nghệ 5G được các doanh nghiệp và chính phủ trên toàn thế giới đón nhận và được coi là công nghệ có thể làm thay đổi cuộc chơi trong ngành công nghiệp viễn thông thế giới.

Tuy nhiên, để xây dựng và duy trì hoạt động một mạng di động mới cần một nguồn tiền lớn. Chẳng hạn, tại Vương quốc Anh, các nghiên cứu cho thấy, ngay cả khi tính đến khả năng chia sẻ cơ sở hạ tầng, tổng chi phí để xây dựng mạng 5G phủ sóng toàn quốc ước tính lên tới 47 tỷ USD. Ngoài ra, việc khách hàng sử dụng các gói đăng ký 5G cao cấp đã chững lại, khiến các nhà khai thác di động không khuyến khích đầu tư để mở rộng vùng phủ sóng công nghệ 5G.

Theo một khảo sát vào năm 2022, phần lớn khách hàng ở Vương quốc Anh và Mỹ không sẵn sàng trả thêm tiền để tiếp cận công nghệ 5G do lợi ích mà mạng 5G mang lại chưa thực sự rõ ràng. Bị cản trở bởi chi phí cao và doanh thu không rõ ràng, việc triển khai 5G đã chậm hơn dự kiến ​​ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Mặc dù dân số Trung Quốc chiếm khoảng 20% ​​dân số thế giới, nhưng số lượng trạm gốc 5G của nước này chiếm 60% tổng số trạm gốc 5G của thế giới. Vậy làm thế nào mà Trung Quốc đạt được tốc độ triển khai này?

Rõ ràng, để xây dựng cơ sở hạ tầng 5G đòi hỏi một lượng tiền đáng kể và cần có sự chia sẻ rủi ro từ các bên liên quan. Vào năm 2022, các công ty viễn thông Trung Quốc và công ty chuyên về xây dựng tháp viễn thông China Tower của Trung Quốc đã xây dựng khoảng 887.000 trạm gốc 5G, với chi phí cơ sở hạ tầng lên tới 26 tỷ USD, chiếm 43% khoản đầu tư tài sản cố định trong năm đó.

Việc đưa ra các chính sách nhất quán cho việc phát triển công nghệ 5G của chính phủ Trung Quốc được cho là yếu tố quan trọng để thúc đẩy triển khai 5G ở nước này.

Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã xem 5G là một phần cốt lõi trong chính sách khoa học và công nghệ của mình. Theo đó, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia và Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập Nhóm xúc tiến 5G vào năm 2013 bao gồm liên minh chính phủ và ngành công nghiệp viễn thông để thúc đẩy quá trình phát triển 5G.

Ngoài ra, 5G đã được đề cập trong tất cả các chính sách công nghệ quan trọng của chính phủ như Made in China 2025 và Chiến lược phát triển thông tin hóa quốc gia. Để đáp lại những lời kêu gọi này của chính phủ, vào năm 2019, nhà mạng di động China Unicom và China Telecom đã ký Thỏa thuận hợp tác khung cùng xây dựng và chia sẻ mạng 5G để chia sẻ cơ sở hạ tầng 5G.

Hầu hết các chính quyền địa phương cũng đã ban hành các chính sách trợ cấp cho việc triển khai 5G, thường dao động từ 700 USD đến 1.400 USD cho mỗi trạm gốc 5G được chấp nhận.

Cho đến nay, các nhà khai thác di động Trung Quốc đã đầu tư tích lũy khoảng 181,7 tỷ USD vào tổng Chi phí vốn (CAPEX) từ năm 2019 đến 2022, với hơn 74,2 tỷ USD trong số đó dành cho CAPEX liên quan đến 5G. Điều này đã cho phép triển khai nhanh chóng các mạng 5G dựa trên kiến trúc độc lập (5G SA) để hỗ trợ các trải nghiệm 5G nâng cao.

Điều này được thể hiện rõ qua ứng dụng đo kiểm tốc độ mạng Speedtest của công ty đo kiểm hiệu suất Internet Ookla (Mỹ), cho thấy tốc độ tải xuống trung bình 5G đạt hơn 250 megabit/giây trên mạng di động của China Mobile, China Telecom và China Unicom trong quý 1 năm 2023.

Mặc dù mạng 5G đã được triển khai rộng rãi trên toàn quốc, nhưng các nhà mạng di động Trung Quốc vẫn tiếp tục lên kế hoạch đầu tư mạnh vào mạng của họ trong năm 2023. Ví dụ, China Mobile đã công bố kế hoạch đầu tư khoảng 11,6 tỷ USD dưới dạng CAPEX vào năm 2023. Là một phần của CAPEX này, China Mobile đang tìm cách mua hơn 412.000 trạm gốc 5G từ năm 2023 đến năm 2024. Riêng China Telecom đã công bố kế hoạch chi 4,4 tỷ USD để mở rộng mạng di động của mình, với mục tiêu triển khai hơn 1,2 triệu trạm gốc 5G vào cuối năm 2023.

Các mô hình kinh doanh và dòng doanh thu 5G mới

Các nhà khai thác di động Trung Quốc đã tận dụng các khả năng khác nhau của công nghệ 5G để khám phá các mô hình kinh doanh và nguồn doanh thu mới ngoài các dịch vụ kết nối truyền thống.

Chẳng hạn như China Mobile đã chuyển sang thị trường nội dung số với “dịch vụ Migu”, cung cấp nội dung video, trò chơi trên đám mây và các sản phẩm Internet cao cấp khác, cũng như chuyển sang phân khúc Công nghệ tài chính (FinTech).

Trong khi China Telecom đã đầu tư vào danh mục dịch vụ đám mây của mình, với doanh thu từ China Telecom Cloud tăng 107,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 8,1 tỷ USD vào năm 2022.

Dịch vụ đám mây và Internet vạn vật (IoT) là nguồn tăng trưởng lớn đối với China Unicom, với doanh thu tăng lần lượt 121% lên 5,1 tỷ USD và 42% 1,2 tỷ USD so với năm ngoái.

Báo cáo tài chính hàng năm từ ba nhà khai thác lớn của Trung Quốc tiết lộ rằng, số lượng thuê bao 5G tích lũy ở Trung Quốc đã đạt 1 tỷ vào cuối năm 2022, chiếm hơn 70% dân số. Tuy nhiên, số lượng người dùng sử dụng mạng 5G có vẻ kém ấn tượng hơn một chút. Thật vậy, một báo cáo từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cho thấy số lượng người dùng mạng di động 5G là khoảng 500 triệu, chỉ bằng một nửa số lượng thuê bao gói 5G.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì các gói 5G thường bao gồm nhiều dữ liệu hơn so với các gói 4G có giá tương tự để tăng doanh số bán hàng. Sau khi mua các gói 5G, nhiều thuê bao 5G vẫn sử dụng mạng 4G vì họ vẫn đang sử dụng điện thoại 4G và họ không thích trải nghiệm không liên tục do việc chuyển đổi mạng 4G/5G thường xuyên.

Thúc đẩy các liên minh công nghiệp 5G

Chuyển từ người dùng sang doanh nghiệp, trọng tâm của các ứng dụng thương mại 5G của Trung Quốc là “5G + Internet trong công nghiệp”, một khái niệm được chính phủ Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ. Kể từ năm 2017, đã có hơn 10 văn bản chính sách từ chính quyền trung ương và hơn 100 văn bản từ 31 chính quyền cấp tỉnh, nhằm hỗ trợ phát triển 5G và các ứng dụng Internet trong công nghiệp.

Đặc biệt, “Hướng dẫn xây dựng các nhà máy được kết nối hoàn toàn 5G” mới, do Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin phát hành vào tháng 8 năm 2022, nhằm mục đích thúc đẩy “10.000 doanh nghiệp xây dựng các nhà máy được kết nối hoàn toàn dựa trên 5G” .

Các địa phương cũng đưa ra các chính sách để hỗ trợ phát triển Internet trong công nghiệp như Hợp Phì, một thành phố có dân số 7 triệu người, đã tài trợ 13 triệu USD mỗi năm trong những năm gần đây để hỗ trợ các ứng dụng Internet trong công nghiệp và đang lên kế hoạch tài trợ 29 triệu USD trong năm 2023.

4 nhà khai thác di động cũng đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác từ các ngành dọc khác nhau như mỏ, nhà máy, hậu cần, sản xuất, y tế, cảng biển, truyền thông, năng lượng, nông nghiệp,… cũng như các nhà cung cấp thiết bị để phát triển các ứng dụng 5G sáng tạo tùy chỉnh.

Ví dụ, trong lĩnh vực hậu cần, China Mobile và một nhóm đối tác đã hợp tác với nhà điều hành cảng Ninh Ba-Zhoushan, Tập đoàn đầu tư và vận hành cảng biển Chiết Giang để triển khai giải pháp mạng 5G cho phép kiểm tra và theo dõi tài sản theo thời gian thực, vận hành từ xa cần cẩu xếp dỡ ở cảng và tự động hóa đội xe container thông qua liên lạc có độ trễ thấp.

Trong lĩnh vực sản xuất, Tập đoàn thép Baosteel Zhanjiang Iron and Steel đã hợp tác với China Unicom để triển khai mạng 5G dùng riêng trong công nghiệp để giám sát hoạt động trực tuyến theo thời gian thực, hỗ trợ Thực tế tăng cường (AR) và rô-bốt kiểm tra được kết nối 5G.

Tính đến cuối năm 2022, hơn 4.000 ứng dụng Internet trong công nghiệp dựa trên công nghệ 5G đang được xây dựng, cung cấp hơn 20 kịch bản ứng dụng điển hình. Các chuyên gia trong ngành công nghiệp đang kêu gọi các người chơi toàn cầu tiếp tục khám phá sự kết hợp giữa 5G và các ngành công nghiệp hoặc nhà máy để mở khóa hoàn toàn tiềm năng của công nghệ 5G.

Tiếp tục nâng cấp lên 5G-Advanced (5,5 G)

Đầu tư vào sự phát triển tiếp theo của công nghệ 5G ở Trung Quốc đang được các công ty sản xuất thiết bị viễn thông và các nhà mạng di động tiến hành. Tại Triển lãm Di động Thượng Hải 2023, công ty sản xuất thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc đã đặt mục tiêu phát triển mạng 5,5G với tốc độ nhanh gấp 10 lần mạng 5G hiện nay. Công nghệ 5,5G, mà Huawei gọi là “5G Advanced”, được kỳ vọng sẽ tiếp tục kích thích tiềm năng của mạng 5G và sẽ trở thành tiền đề để phát triển công nghệ mạng 6G hoàn toàn mới.

China Mobile cũng đã công bố khởi động dự án “Dual 10 Gigabit City” tại Hàng Châu vào tháng 6 năm 2023, nhằm mục đích tận dụng công nghệ 5G-Advanced để kích hoạt nền kinh tế kỹ thuật số thế hệ tiếp theo của thành phố. Là một trường hợp sử dụng quan trọng đầu tiên, dự án nhằm mục đích cung cấp tính năng phát trực tiếp hình ảnh không gian ba chiều (3D) của Đại hội thể thao châu Á sắp tới, được tổ chức tại thành phố Hàng Châu đến người xem.

Mức tiêu thụ năng lượng tăng cao là thách thức cho việc triển khai 5G

Mặc dù việc triển khai rộng rãi mạng 5G đã mở đường cho các ứng dụng đổi mới, nhưng hóa đơn năng lượng khổng lồ vẫn là một thách thức đối với hoạt động bền vững của các nhà khai thác di động.

Thật vậy, việc triển khai nhanh chóng mạng 5G đã gây ra sự gia tăng đáng kể về mức tiêu thụ năng lượng và làm dấy lên mối lo ngại về tính bền vững và chi phí vận hành mạng lưới.

Khi hoạt động ở tần số cao hơn, mỗi trạm gốc 5G chỉ bao phủ vùng phủ sóng bằng khoảng 1/3 so với vùng phủ sóng mạng 4G, yêu cầu mật độ triển khai trạm gốc 5G tăng gấp 3 lần. Với việc các trạm gốc 5G tiêu thụ điện năng gấp khoảng 3 lần trên mỗi đơn vị trạm gốc, điều này có nghĩa là mạng 5G có thể dẫn đến chi phí điện năng và lượng khí thải carbon tăng gấp 9 lần.

Trước thách thức này, nhiều giải pháp đang được thử nghiệm và giới thiệu để giảm mức tiêu thụ năng lượng 5G, không chỉ ở Trung Quốc. Ví dụ, các nhà khai thác di động đang triển khai phần mềm thông minh để tắt nguồn các trạm gốc trong thời gian nghỉ. Một ví dụ khác có thể được tìm thấy ở Phần Lan, nơi Nokia và Elisa đã triển khai các trạm gốc 5G làm mát bằng chất lỏng để chuyển đổi và tái sử dụng nhiệt thải, giúp giảm 30% chi phí năng lượng tiềm năng.

Với những lo ngại về chi phí và môi trường, có thể thấy trước rằng đổi mới bền vững sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu cho hoạt động 5G, vì các công ty viễn thông phải tìm cách tối ưu hóa mức tiêu thụ năng lượng nếu họ muốn thành công 5G bền vững ở quy mô lớn.

Bài học cho các thị trường 5G mới

Trung Quốc có thể cho thế giới thấy một kế hoạch chi tiết về cách mở rộng mạng 5G một cách hiệu quả với giá trị thương mại hóa cao. Trước những khó khăn kinh tế toàn cầu mạnh mẽ, các nhà khai thác trên toàn thế giới cần xem xét cách họ có thể tối đa hóa lợi tức đầu tư (ROI) từ các khoản đầu tư 5G của mình.

Công ty phân tích và nghiên cứu thị trường toàn cầu ABI Research (Mỹ) đã tổng kết và đưa ra 2 bài học chính dành cho các thị trường 5G mới.

Thứ nhất, để đảm bảo rằng khách hàng có thể tận hưởng đầy đủ các lợi ích và khả năng được hỗ trợ bởi 5G, các nhà khai thác sẽ cần cam kết chuyển sang mạng 5G độc lập. Trong giai đoạn đầu, việc triển khai mạng 5G độc lập có thể được thực hiện cách tiếp cận theo từng giai đoạn, trước mắt nhắm mục tiêu vào các thành phố lớn có nhu cầu cao về 5G.

Thứ hai, ngoài khả năng kết nối, các nhà khai thác cần xem xét cách họ có thể hợp tác với các công ty trong ngành công nghiệp để cung cấp các dịch vụ tiêu dùng mới, chẳng hạn như nội dung kỹ thuật số chất lượng cao và các giải pháp doanh nghiệp tùy chỉnh có tác dụng thúc đẩy tốc độ dữ liệu cao và độ trễ thấp do 5G cung cấp.

Tham khảo:

1.https://www.cartesian.com/chin...

2.https://www.rcrwireless.com/20...

Mới nhất

x
Quá trình triển khai và những thách thức đang diễn ra đối với 5G ở Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO