Quan chức Mỹ - Trung sẽ gặp ‘phá băng’ tại Geneva
Theo Reuters, các quan chức Mỹ và Trung Quốc cho biết, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Trưởng đoàn đàm phán thương mại Jamieson Greer sẽ gặp quan chức kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, ông Hà Lập Phong, tại Thụy Sĩ vào cuối tuần này để hội đàm. Đây có thể là bước đi đầu tiên hướng tới giải quyết cuộc chiến thương mại đang gây xáo trộn kinh tế toàn cầu.

Thông tin về cuộc gặp được đưa ra cuối ngày 6/5 đã khiến các hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán Mỹ tăng mạnh, khi giao dịch trở lại sau 2 ngày giảm điểm liên tiếp trên Phố Wall do bất ổn xoay quanh "cơn sóng thần thuế quan" của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hợp đồng tương lai S&P 500 emini tăng khoảng 1%.
Cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc sẽ diễn ra sau nhiều tháng căng thẳng leo thang, chứng kiến thuế quan thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng vọt vượt xa mức 100%. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao Trung Quốc và Mỹ kể từ khi Thượng nghị sĩ Mỹ Steve Daines gặp Thủ tướng Lý Cường tại Bắc Kinh vào tháng 3.
2 nguồn tin quen thuộc với kế hoạch nói với Reuters, hai bên dự kiến sẽ thảo luận về việc cắt giảm các mức thuế quan rộng hơn. Các nguồn tin cho biết, các nhóm đàm phán cũng dự kiến sẽ thảo luận về việc loại bỏ thuế đối với các sản phẩm cụ thể, chính sách của Mỹ về de minimis (ngưỡng giá trị mà dưới đó hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế) và danh sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Quốc vụ viện Trung Quốc chưa trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận được truyền thông phương Tây gửi bằng fax.
Theo Reuters, Washington và Bắc Kinh đã bị cuốn vào một "trò chơi mèo vờn chuột" về thuế quan, với mỗi bên đều không muốn bị xem là nhượng bộ trong một cuộc chiến thương mại đã làm chao đảo thị trường toàn cầu và đảo lộn chuỗi cung ứng.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) và Bộ Tài chính cho biết, ông Greer và ông Bessent sẽ cùng nhau tới Geneva vào ngày 8/5 và cũng sẽ gặp Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter để thảo luận về các cuộc đàm phán thương mại song phương.
"Cảm giác của tôi là cuộc gặp này sẽ nhằm mục đích giảm leo thang", ông Bessent nói với chương trình "The Ingraham Angle" của Fox News Channel sau thông báo. "Chúng ta phải giảm leo thang trước khi có thể tiến lên phía trước".
Sau thông báo của Mỹ, một phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận rằng, Trung Quốc đã đồng ý gặp các phái viên của Mỹ.
"Trên cơ sở xem xét đầy đủ các kỳ vọng toàn cầu, lợi ích của Trung Quốc, và lời kêu gọi của ngành công nghiệp cũng như người tiêu dùng Mỹ, Trung Quốc đã quyết định tái can dự với Mỹ", tuyên bố của Trung Quốc cho biết.
"Có một câu ngạn ngữ cổ của Trung Quốc: Thính kỳ ngôn, quan kỳ hành. ... Nếu (Mỹ) nói một đằng làm một nẻo, hoặc cố gắng sử dụng các cuộc đàm phán như một vỏ bọc để tiếp tục ép buộc và tống tiền, Trung Quốc sẽ không bao giờ đồng ý".
Ông Trump và đội ngũ thương mại của ông đã phát đi những tín hiệu trái chiều về tiến triển trong các cuộc đàm phán với các đối tác thương mại lớn đang gấp rút củng cố các thỏa thuận với Washington và tránh việc bị áp đặt thuế nhập khẩu nặng nề lên hàng hóa của họ.
Ông Bessent nói với các nhà lập pháp trước đó cùng ngày rằng, chính quyền Trump đang đàm phán với 17 đối tác thương mại lớn, nhưng chưa có Trung Quốc, và có thể công bố các thỏa thuận thương mại với một vài trong số họ ngay trong tuần này.
Ông Trump nói với các phóng viên trước cuộc gặp với Thủ tướng Canada Mark Carney rằng, ông và các quan chức hàng đầu trong chính quyền sẽ xem xét các thỏa thuận thương mại tiềm năng trong 2 tuần tới để quyết định chấp nhận những thỏa thuận nào, gây ra một đợt sụt giảm giá cổ phiếu.
Ông Bessent nói với Fox News rằng, hai bên sẽ làm việc trong cuộc gặp vào ngày 10/5 để xác định "trao đổi về cái gì".
"Hãy nhìn xem, chúng tôi có chung lợi ích rằng tình trạng này là không bền vững", ông Bessent nói. "Và 145%, 125% tương đương với một lệnh cấm vận. Chúng tôi không muốn tách rời. Điều chúng tôi muốn là thương mại công bằng".
Thâm hụt thương mại gia tăng

Ông Trump và các quan chức hàng đầu đã tổ chức một loạt các cuộc gặp với các đối tác thương mại kể từ khi ông Trump công bố mức thuế 10% đối với hầu hết các quốc gia vào ngày 2/4, cùng với các mức thuế cao hơn sẽ có hiệu lực vào ngày 9/7, trừ khi có các thỏa thuận thương mại riêng. Ông Trump cũng đã áp đặt thuế 25% đối với ô tô, thép và nhôm, thuế 25% đối với Canada và Mexico, và thuế 145% đối với Trung Quốc, với các mức thuế tiếp theo dự kiến sẽ áp dụng cho dược phẩm trong những tuần tới.
Trung Quốc đã đáp trả bằng cách tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ lên 125%. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang chuẩn bị các biện pháp đối phó.
"Tôi mong đợi các cuộc hội đàm hiệu quả khi chúng ta nỗ lực hướng tới việc tái cân bằng hệ thống kinh tế quốc tế để phục vụ tốt hơn lợi ích của Mỹ", ông Bessent nói trong một tuyên bố.
Các động thái về thuế quan của ông Trump, mà theo ông nói một phần nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, cho đến nay đang có tác dụng ngược lại. Bộ Thương mại Mỹ hôm 6/5 cho biết, thâm hụt thương mại đã tăng vọt lên mức kỷ lục trong tháng 3 khi các doanh nghiệp đổ xô nhập khẩu hàng hóa trước khi thuế quan có hiệu lực. Dữ liệu này nhấn mạnh một động lực đã góp phần đẩy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào vùng tăng trưởng âm trong quý đầu tiên của năm 2025 lần đầu tiên sau 3 năm.
Đặc biệt, nỗ lực của các nhà sản xuất thuốc nhằm đi trước các mức thuế mà ông Trump đe dọa áp đặt lên ngành này đã dẫn đến sự gia tăng kỷ lục trong nhập khẩu dược phẩm. Tuy nhiên, đáng chú ý là thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã thu hẹp đáng kể khi các mức thuế nặng nề mà ông Trump áp đặt đã làm giảm sâu hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
"Vùng hạ cánh" cho thỏa thuận với Anh
Mỹ và Anh đã đạt được tiến triển tốt trong việc đàm phán một thỏa thuận thương mại có khả năng bao gồm hạn ngạch thuế quan thấp hơn đối với thép và ô tô, một quan chức Anh cho biết, đồng thời cảnh báo còn quá sớm để dự đoán khi nào thỏa thuận sẽ được ký kết.
Các cuộc đàm phán, phía Mỹ do USTR và Bộ Thương mại dẫn đầu, dự kiến sẽ dẫn đến hạn ngạch thuế quan thấp hơn cho thép và ô tô, trong khi các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục về thuế dịch vụ kỹ thuật số của Anh, quan chức này cho biết thêm.
Trước cuộc gặp với ông Carney, ông Trump cho biết Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) được ký kết trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông và dự kiến sẽ được xem xét lại vào năm tới, có thể được đàm phán lại, mặc dù ông đặt câu hỏi liệu điều đó có "thực sự cần thiết" hay không.
Ông Carney sau đó nói với các phóng viên rằng, không có quyết định nào được đưa ra về thuế quan trong cuộc gặp của ông với ông Trump.