Quần đảo Hoàng Sa – tư liệu cũ và mới
1. Trong “Hồng Đức bản đồ”, viết từ thời Lê Thánh Tông (1460 – 1497) đã minh định các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là phần lãnh thổ Việt Nam. Năm 1816 vua Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh) vị vua đầu tiên của triều Nguyễn ra đảo Hoàng Sa long trọng cắm cờ xác nhận chủ quyền trên đảo, sự kiện này đã được nhà sử học TB.Chaigreau ghi lại trong sách “Le memoira sur la Cochinchine” xuất bản năm 1923.
Năm 1883 Việt Nam trở thành thuộc địa của người Pháp, người Pháp chiếm luôn đảo Hoàng Sa. Năm 1899 Pháp dựng một ngọn hải đăng trên đảo này. Sau đó, năm 1938 Pháp dựng một bia chủ quyền, nguyên văn: “Re publique Francaise/ Emprire d Annam (Archipel des paracels)/1816 – Ile de Pattle – 1938”.
Sau khi thực dân Pháp bị thất bại tại Việt Nam, năm 1961, Ngô Đình Diệm - Tổng thống Chính quyền Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ban hành Sắc lệnh số 174 VN, trong đó ấn định “Quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam”. Một đơn vị hành chính bao gồm trọn quần đảo này được thành lập và lấy danh hiệu là xã Định Hải, trực thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Xã Định Hải đặt dưới quyền một phái viên hành chính.
Ngày 21/10/1969, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cộng hòa (VNCH) ký nghị định số 709 – BNV/HCĐP để “sáp nhập xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam vào xã Hòa Long cùng quận”. Trên đảo cử một đơn vị̣ VNCH canh giữ.
Tuy nhiên, ngày 19 tháng giêng năm 1974, nhân lúc ngụy quân đang lúng túng chống đỡ với quân đội giải phóng trên đất liền, một hạm đội hùng hậu của Trung Quốc tiến chiếm Hoàng Sa, ngụy quyền Sài Gòn không giữ nổi quần đảo, nhiều thanh niên Việt Nam đã hy sinh như Ngụy Văn Thà, Nguyễn Thành Trí.
2. Tư liệu mới ở đây tức là tình cờ phát hiện thêm tư liệu nói về một dòng họ Võ đã nhiều đời tham gia “Hải đội Hoàng Sa”. Nó chứng minh điều quan trọng: không chỉ Hoàng Sa được công nhận trong sử sách, trong đơn vị hành chính trực thuộc mà còn chứng minh bao thế hệ người Việt Nam đã đổ máu bảo vệ vùng đảo thiêng liêng này.
Ông Quốc Việt, một nhà báo đưa tin rằng: Cuối xuân 2009, khi ông đến huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) công tác, ông thấy tượng đài của “Hải đội Hoàng Sa” dựng trên đảo rất hùng tráng. Rồi tình cờ vào nhà thờ họ Võ, một trong 13 tộc lớn đã ra Lý Sơn đầu thế kỷ 17, có nhiều hậu duệ tham gia “Hải đội Hoàng Sa”. Trong nhà thờ họ Võ còn giữ được tộc phả và một tờ lệnh Hoàng Sa cổ, bằng chữ hán, điền năm Giáp Ngọ (1834). Dịch ra quốc ngữ, người ta bàng hoàng phát hiện ngoài những nhân vật được truyền tụng như: Phạm Hữu Nhật, Phạm Quang Anh, Phạm Văn Nguyên… còn có nhiều tổ tiên họ Võ ở Lý Sơn cũng từng bôn ba ra Hoàng Sa. Trong tờ lệnh đóng dấu của vị quan bố chánh và án sát tỉnh Quảng Ngãi ghi rất rõ những tên tuổi tham gia “Hải đội Hoàng Sa”, đợt đó có Đặng Văn Siềm, Võ Văn Công, Võ Văn Hùng…
Tài liệu cổ của tộc họ Võ lẫn chính sử triều Nguyễn đều ghi Võ Văn Hùng ít nhất đã 3 lần vượt biển Đông ra Hoàng Sa. Chuyến đi năm Giáp Ngọ (1834) nói trên, có thể là chuyến ra đảo lần thứ 2 của Võ Văn Hùng. Chính vì thông thạo hải trình luồng lạch nên ông được giao nhiệm vụ dẫn đường (hoa tiêu) cho Đội ra đảo Hoàng Sa. Tờ Lệnh còn cho biết, cùng đi với ông còn có em trai là Võ Văn Công. Còn người trực tiếp cầm lái là ông Đặng Văn Siềm, cùng quê Lý Sơn với 2 anh em họ Võ.
Như vậy, ngoài tài liệu còn lưu giữ trong các thư viện, chúng ta còn có vật chứng (bia mộ, tờ lệnh đóng dấu đang lưu giữ ở đảo Lý Sơn) làm bằng chứng hùng hồn rằng, bao thế hệ người Việt đã đổ mồ hôi và máu để xây dựng và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa.
Tất cả đều chứng minh một chân lý hùng hồn: Quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam, không thể chối cãi !
Hoàng Chỉnh