NIỀM VUI CỦA NHỮNG NGƯỜI CHA
Đối với bà con bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn (Con Cuông), lao động sản xuất ròng rã một năm chưa hẳn đã kiếm được 10 triệu đồng. Ấy là lời của Phó Trưởng bản Thạch Sơn La Văn Sơn. Đứng tại ngã ba đường, vị trí đầu bản có cây đa cổ thụ to lớn cạnh sân nhà văn hoá bản, anh La Văn Sơn chỉ tay về phía con dốc cao dẫn vào vùng trung tâm của Thạch Sơn nói, “trong đó có 2 gia đình có con đã đi xuất khẩu lao động, còn 2 người khác cũng đã đi được hơn 1 năm thì ở dốc bên phía đối diện”.
Đi dọc con đường độc đạo dẫn vào trung tâm bản Thạch Sơn có 100% là đồng bào Đan Lai sinh sống, những ngôi nhà sàn được Nhà nước xây dựng cho đồng bào Thạch Sơn di dời từ vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát về đây từ năm 2007, nay đã nhuốm màu thời gian.
Ngồi trong nhà, ông Lê Văn Thắng tần ngần nhìn ra cửa sổ, thi thoảng lại đưa tay che miệng, nén tiếng ho sù sụ. Đó là ngôi nhà của người bà con của ông Thắng hiện sống một mình chăm đàn cháu nhỏ cho các con đi làm ăn xa ở miền Nam. Ông Thắng cũng ở nhà một mình, nên thường sang nhà bà con uống nước chè chát cho khuây khoả. Ông Lê Văn Thắng năm nay mới ngoài 40, dáng người nhỏ thó, gương mặt hốc hác nhăn nheo vì đau ốm triền miên. “Nhiều năm nay đau ốm không có sức đi làm, chỉ quanh quẩn ở nhà. Mọi thu nhập đều trông chờ vào việc đi làm thuê làm mướn của vợ, mà chủ yếu là bóc vỏ keo” - ông Lê Văn Thắng cho biết.
Hỏi về người con trai cả, ông nhoẻn miệng cười rồi nói, mẹ đi làm thuê cả năm nuôi bố và các em đang đi học cũng không kiếm được 10 triệu, nhưng nó (Lê Anh Đức – con ông Thắng) đi Đài Loan hơn 1 năm nay, mỗi tháng gửi về trên dưới 10 triệu đồng. Nói thêm về niềm vui của ông Thắng, Bí thư Chi bộ Thạch Sơn Vi Văn Hoà cho biết, 4 trường hợp đồng bào Đan Lai của bản đi xuất khẩu lao động đều vay mượn ngân hàng và có thêm sự hỗ trợ của nhà nước theo chế độ của Chương trình Mục tiêu quốc gia. Từ ngày lập bản đến nay, đây là những trường hợp đầu tiên mạnh dạn vay vốn để ra nước ngoài tìm việc làm, để thực hiện ước muốn thoát nghèo như các em đã chia sẻ trước lúc lên đường. Ngoài Lê Anh Đức còn có La Văn Cang, La Văn Trường, Lê Văn Thăng cũng đã đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan.
Nghe vậy, ông Thắng nói chen vào: Thằng Đức đi Đài Loan từ cuối năm 2021, thời gian mấy tháng đầu sang chưa có lương, sau đó thì mỗi tháng gửi về khoảng 10 triệu để trả nợ ngân hàng. Gia đình được cán bộ xã, cán bộ huyện bày cho cách làm hồ sơ vay hơn 100 triệu, gia đình vay mượn thêm được hơn 20 triệu, cộng với tiền hỗ trợ của nhà nước hơn 5 triệu nữa mới đủ tiền để con trai sang Đài Loan. Đến nay đã trả gần hết nợ rồi, mừng vui lắm. Mong cho con nó làm thêm được nhiều năm nữa về quê là thoát được cái nghèo cái khổ, để cả gia đình được nếm trải mùi vị của cuộc sống khấm khá, không phải lo nghĩ thiếu thốn cái ăn cái mặc.
Cũng chung niềm vui khi nói về con trai đã đi xuất khẩu lao động, ông La Đình Thám cho biết, con ông là La Văn Trường đã đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan 3 năm, trước và đã về Việt Nam trước Tết nay đang vào Sài Gòn thử tìm việc. “Chi phí đi Đài Loan là hơn 140 triệu, nó đi từ năm 2021 đến tháng 4/2023 thì đã trả hết nợ ngân hàng. Mỗi tháng nó gửi về được khoảng 30 triệu. Sắp tới có “vốn” không phải vay ngân hàng, định vào Nam tìm được việc làm ổn định thì sẽ không đi nữa. Nhưng mới đây nó gọi điện về, nói là dự định sẽ lại đi xuất khẩu lao động. Chỉ có đi mới có tiền, mới nhanh thoát nghèo được” - ông Thám bộc bạch.
MỞ HƯỚNG THOÁT NGHÈO
Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn Ngô Trí Đại cho biết, bản Thạch Sơn có 55 hộ đồng bào Đan Lai, thì có 54 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo. Nói về sự khó thoát nghèo của đồng bào nơi đây, trước hết người dân có rất ít đất trồng lúa cũng như sản xuất các loại lương thực khác. Mỗi hộ chỉ được vài trăm mét vuông chia theo khẩu, không đủ ăn. Hiện nay theo tình hình sản xuất của năm 2023 và lao động việc làm ở địa phương, toàn xã có khoảng hơn 70 hộ nghèo thiếu đói trên tổng số hơn 1.400 hộ, và chủ yếu tập trung ở 2 bản đồng bào Đan Lai là Thạch Sơn và Bá Hạ.
Thời điểm chúng tôi vào thăm Thạch Sơn là giữa tháng Ba, thời tiết mưa phùn nhẹ khá mát mẻ. Trên đường đi đến gặp ông Lê Văn Thắng thì bắt gặp hình ảnh hai hộ dân đang đào giếng tìm nguồn nước ở sát dưới lòng con khe chảy qua trung tâm bản Thạch Sơn. Lúa đã cấy xong nhưng khá còi cọc.
Bí thư Chi bộ Thạch Sơn cho hay, ở đây vào mùa hè thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, còn ruộng nương thì khô cằn cũng không phải là hiếm. Nước sinh hoạt của bà con đều trông chờ từ nguồn nước khe suối tự chảy, nhưng cũng không đủ dùng quanh năm. Nên hơn nửa số hộ phải đào giếng, có nhiều hộ đào đến 3-4 nơi mới tìm được vị trí có nước dùng. Sau một thời gian nguồn nước cạn lại phải đào giếng khác, rất tốn kém công sức, tiền bạc.
Nói về lao động và thu nhập của bà con, cán bộ bản Thạch Sơn cho hay, nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp và trồng keo không đủ để thoát nghèo. Chỉ có con đường cố gắng học tập, rồi đi tìm kiếm việc làm ở các địa phương trong tỉnh, trong nước, hơn thế nữa thì đi xuất khẩu lao động. Nhưng ngày nay các công ty, doanh nghiệp trả lương cao họ cũng yêu cầu lao động có trình độ cao, tay nghề cao.
Song con em đồng bào Đan Lai ở Thạch Sơn thì hầu như còn chưa chịu đi học hết cấp 3. Chủ yếu học hết cấp 2, thậm chí nhiều em chưa học hết cấp 2 đã theo bố mẹ đi vào Nam, ra Bắc đi làm thuê, hoặc là lấy chồng lấy vợ rồi cũng đi làm thuê. Nhưng làm thuê cũng chỉ tìm được các công việc lao động tay chân, vừa vất vả, vừa thu nhập bấp bênh.
Dẫn chứng về điều này, Phó bản Thạch Sơn cho hay “bản chưa có em nào học hết cấp 3. Thậm chí hiện nay đang có 3 em đang học cấp 2 nhưng sau tết là bỏ học để theo gia đình đi làm thuê nên mãi vẫn chưa thoát được nghèo”.
“Nay nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào, đặc biệt là Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 4 Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2023 về hỗ trợ người dân là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo học nghề, giải quyết việc làm, hoặc xuất khẩu lao động. Nguồn hỗ trợ của Chương trình Mục tiêu quốc gia cho người dân đi xuất khẩu lao động đúng đối tượng quy định sẽ được hỗ trợ từ tiền. Tùy theo mức độ đáp ứng chỉ tiêu, hồ sơ có thể được hỗ trợ 10 - 15 triệu đồng/lao động. Các trường hợp là con em đồng bào Đan Lai ở Thạch Sơn đi xuất khẩu lao động đều được hỗ trợ từ 5 - 10 triệu đồng/người, bao gồm nhiều chi phí về học nghề, hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục theo quy định. Ngoài ra bà con được vay vốn với lãi suất ưu đãi” - ông Phan Thanh Hùng - Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội UBND huyện Con Cuông cho biết.
Hy vọng rằng, với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của các cấp uỷ chính quyền địa phương sẽ là giải pháp giúp thêm nhiều hộ gia đình người dân Đan Lai không chỉ ở Thạch Ngàn, mà cả những xã khác như Châu Khê, Môn Sơn sẽ sớm thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, vươn lên khá, giàu không chỉ bằng hành động, mà còn cả trong suy nghĩ, nhận thức.
Năm 2006, Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo tồn, phát triển bền vững dân tộc Đan Lai tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, mục tiêu đưa 146 hộ người dân tộc Đan Lai ở hai bản Búng và Cò Phạt ở xã Môn Sơn (Con Cuông) di dời ra khỏi rừng sâu. Năm 2007, đã có 42 hộ dân Đan Lai di dời đến nơi ở mới tại 2 bản Kẻ Tắt và Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn. Các hộ khác sau đó cũng di dời đến các điểm tái định cư ở các bản Cửa Rào, Tân Sơn (xã Môn Sơn). Chỉ có 30 hộ ở lại bản Cò Phạt. Tại nơi ở mới, đồng bào Đan Lai được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố, khang trang, cấp đất sản xuất. Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể phân công trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cho từng dân biết về phương thức làm lúa nước, biết cách trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế.