Quân đội sẽ cổ phần hoá, thoái vốn hàng loạt doanh nghiệp
Các tướng lĩnh cho hay, quân đội sẽ không làm kinh tế đơn thuần mà phát triển kinh tế quốc phòng gắn với khoa học, công nghệ.
Sáng 24/11, thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi), thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng - Phó chính uỷ Quân khu 7, nêu ý kiến ủng hộ việc quy định quân đội kết hợp làm kinh tế, văn hoá xã hội.
"Thời gian tới theo đề án được Chính phủ phê duyệt, quân đội sẽ tái cơ cấu các doanh nghiệp", ông Hoàng nói.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, quân đội làm kinh tế là gánh vác nhiệm vụ chính trị xã hội. Ảnh: QH |
Phát biểu sau đó, Đại tướng - Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch khẳng định, việc quân đội tham gia làm kinh tế luôn là chức năng quan trọng nên cần quy định trong dự Luật Quốc phòng (sửa đổi).
Theo Đại tướng, hơn 70 năm qua, quân đội đã tham gia xây dựng kinh tế ở nhiều vùng, miền mà các doanh nghiệp dân sự hầu như không đầu tư, vì lợi nhuận thấp.
Nhắc tới tên những doanh nghiệp quân đội như Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Tổng công ty trực thăng Việt Nam…, ông Lịch nhấn mạnh các đơn vị đó không ngừng đổi mới, hội nhập, xây dựng thương hiệu đi đầu, tạo sản phẩm có giá trị cao, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước.
Thực hiện đề án cơ cấu lại doanh nghiệp quân đội, tới đây, Bộ Quốc phòng sẽ chỉ giữ lại 100% vốn Nhà nước tại 17 trong 88 doanh nghiệp hiện có.
“Số doanh nghiệp quân đội còn lại sẽ thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn, sáp nhập…”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng. Ảnh: Hữu Công |
"Quân đội không làm kinh tế đơn thuần"
Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh - Viện trưởng kiểm sát quân sự Trung ương, cũng cho rằng, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, quân đội làm kinh tế sẽ góp phần vào mục tiêu gia tăng sức mạnh quân đội.
Theo ông, việc tái cơ cấu doanh nghiệp quân đội sẽ được thực hiện theo hướng quân đội không làm kinh tế đơn thuần, mà làm kinh tế quốc phòng, kinh tế khoa học công nghệ để phục vụ phát triển tiềm lực quốc phòng và đất nước.
Góp ý kiến vào nội dung trên, Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc Giàng A Chu nói, ngoài những quy định mang tính nguyên tắc, chính sách quân đội làm kinh tế còn phải căn cứ vào thực tiễn, không phải lĩnh vực nào quân đội cũng làm.
"Tôi ví dụ lĩnh vực may mặc, bệnh viện... có cần thiết phải quân đội hay không, cần cân nhắc và xem lại", ông Giàng A Chu nêu.
Đại biểu Phùng Đức Tiến - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, nhận xét so với Luật Quốc phòng năm 2005 thì những quy định tại dự Luật lần này chưa có điểm gì mới, chưa thấy rõ vai trò của Nhà nước.
"Cần khẳng định Nhà nước là chủ thể chịu trách nhiệm chung trong kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hoá - xã hội. Còn Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành, địa phương khác là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện, triển khai. Quy định như vậy mới rõ ràng, đảm bảo hiểu đúng việc quốc phòng kết hợp với kinh tế, văn hoá", ông Tiến góp ý.
Quốc hội tiếp tục xem xét dự án Luật này tại kỳ họp khai mạc vào tháng 5/2018.
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|