Quan hệ Mỹ - Nga: Sự không tin tưởng nhau là quá lớn
(Baonghean.vn) - Thomas Graham - cựu trợ lý về Nga của cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush tin rằng, Nga và Mỹ có quá nhiều chia rẽ trong quan điểm về trật tự thế giới, lợi ích và giá trị địa chính trị, nhất là sự không tin tưởng lẫn nhau là quá lớn. Do đó, mối quan hệ song phương vẫn sẽ bị hủy hoại bởi rắc rối.
Quan hệ giữa Mỹ và Nga đã xuống mức thấp kỷ lục trong vài năm trở lại đây. Ảnh: TASS |
Bình luận về triển vọng mối quan hệ giữa Moskva và Washington, trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ chính thức diễn ra vào ngày mai (3/11), ông Graham cho biết thêm, các chính trị gia và quan chức Mỹ hay Nga đều chưa sẵn sàng giải quyết những bất đồng lớn để đưa quan hệ song phương thoát khỏi tình trạng nguy hiểm như hiện nay.
"Không có bất kỳ chai sâm panh nào được mở vào ngày 3/11. Bất kể ai thắng cuộc trong bầu cử Tổng thống Mỹ, mối quan hệ giữa Mỹ và Nga vẫn sẽ bị hủy hoại bởi rắc rối" - chuyên gia Thomas Graham nhận định.
Cựu quạn chức Nhà Trắng còn cho rằng, 2 quốc gia bị chia rẽ quá lớn bởi quan điểm về trật tự thế giới, lợi ích và giá trị địa chính trị. Và sự thiếu tin tưởng lẫn nhau quá lớn, khiến tình hình không có bước tiến lớn. Câu hỏi đặt ra là, dù ai ở Washington, hay Moskva đã sẵn sàng, thì nỗ lực để chấm dứt sự đổ vỗ của mối quan hệ, vốn đòi hỏi sự nhượng bộ của cả hai bên. "Thế nhưng, câu trả lời dường như là không ai vào lúc này" - ông Thomas Graham nói.
Chuyên gia Thomas Graham là đồng tác giả của một bức thư ngỏ được đăng trên Tạp chí Politico hồi tháng 8 vừa qua, với sự tham gia của hơn 100 chuyên gia, quan chức ngoại giao, bao gồm của những quan chức Chính phủ Mỹ đã nghỉ hưu. Bức thư kêu gọi Washington nên xem xét lại chính sách của mình đối với Moskva, cảnh báo về nguy cơ mối quan hệ song phương ngày càng trở nên tồi tệ, ảm đạm.
Cuộc bầu cử ở Mỹ sẽ được chính thức tổ chức vào ngày 3/11.
Hiện tại, ứng viên Joe Biden đang dẫn trước Tổng thống đương nhiệm Donald Trump ở tỷ lệ 52% so với 42% trong cuộc thăm dò quốc gia của Reuters/IPSOS, một phần do người dân bất bình với cách Tổng thống xử lý đại dịch. Các cuộc khảo sát cho thấy sự cạnh tranh quyết liệt ở những bang chiến trường sẽ quyết định kết quả bầu cử.