Quan hệ Nga - EU lại nổi sóng
(Baonghean) - Bộ Ngoại giao Nga vừa ra tuyên bố cho biết, Nga sẵn sàng mở rộng danh sách cấm đi lại với các quan chức Liên minh châu Âu (EU) nếu phương Tây tăng số lượng giới chức Nga trong “danh sách đen” của mình. Trước đó, cả Nga và EU đã “khẩu chiến” với nhau sau vụ Nga thông qua một danh sách đen gồm 89 chính trị gia EU bị cấm vào Nga...
Ăn miếng trả miếng
Liên minh châu Âu là bên chủ động đưa ra “danh sách đen” nhằm vào các quan chức Nga trước, do đó có thể thấy “danh sách đen” Nga đưa ra lần này là nhằm “trả đũa” EU. “Danh sách đen” mà Nga vừa công bố bao gồm những nhân vật có tên tuổi như Tổng Thư ký Hội đồng EU Uwe Corsepius, cựu Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg, cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt, Bộ trưởng Tư pháp Ba Lan Robert Kupiecki, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Malcolm Rifkind.
Sau khi Nga thông qua một “danh sách đen” gồm 89 chính trị gia EU bị cấm vào Nga, Liên minh châu Âu đã lên tiếng phản đối Nga và cho biết, EU coi động thái này của Nga là “hoàn toàn độc đoán và vô lý”. Đáp lại những phản ứng của EU, Nga đã lên tiếng bảo vệ cho quyết định của mình. Phát biểu với báo giới hôm qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định tuyên bố của EU là hoàn toàn "vô lý". Theo ông Lavrov, Nga đã kiềm chế quá lâu và bản danh sách này là nhằm đáp trả bước đi đơn phương không thân thiện của EU chứ không phải là hành động khiêu khích của Moscow. Đại sứ Nga tại EU Vladimir Chizhov cũng khẳng định không có chuyện bản danh sách được lập một cách ngẫu nhiên.
Lãnh đạo các nước EU tại một phiên họp ở Brussels ngày 19/3/2015. Ảnh: AP |
Song song với các lệnh trừng phạt về ngoại giao, cả EU và Nga đều đã hứng chịu những tổn thất không nhỏ liên quan đến các biện pháp trừng phạt kinh tế lẫn nhau. Theo số liệu mới nhất do Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha đưa ra, EU đã thiệt hại ít nhất 21 tỷ euro trong "cuộc chiến" thương mại với Nga. Còn theo các chuyên gia kinh tế Nhật Bản, EU đã thiệt hại khoảng 30 tỷ euro. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng khiến Nga thiệt hại 160 tỷ USD.
Chưa thể bình thường trở lại
Từ đầu năm đến nay, mối quan hệ Nga – EU đã có nhiều cải thiện, cả Nga và EU đều hy vọng sớm phục hồi quan hệ và duy trì kênh đối thoại trên các hướng hợp tác, hạ nhiệt những căng thẳng hiện nay. Thực tế cho thấy, cả hai bên đều chưa có những bước đi thực chất để cải thiện mối quan hệ song phương. Hơn nữa, trong khi EU vẫn đang loay hoay với những bất đồng nội bộ trong việc điều chỉnh mối quan hệ với Nga thì Nga lại đang vướng vào những tranh cãi ngoại giao với Ukraine ở khu vực Donbass khiến EU có vẻ như chưa thực sự cảm thấy yên tâm về Nga.
Trong bối cảnh đó, động thái trả đũa EU lần này của Nga có thể xem là Nga muốn gửi thông điệp đến EU rằng, trừng phạt Nga có nghĩa là EU tự làm mình bị thương. Chính vì mối quan hệ giữa EU và Nga chưa được cải thiện nhiều nên tân Ngoại trưởng Phần Lan Timo Soini đã đánh giá động thái lần này của Nga "không phải là một bất ngờ lớn" và "đây là phản ứng đã được dự kiến trước" đối với lệnh cấm tương tự mà trước đó EU đã áp dụng đối với công dân Nga.
Trong lúc tình hình ở miền Đông Ukraine vẫn “rối như tơ vò” thì căng thẳng Nga – EU lần này sẽ khiến vấn đề càng thêm khó giải quyết. Chừng nào vấn đề Ukraine chưa được giải quyết triệt để, chừng đó quan hệ Nga-EU chưa thể bình thường trở lại. Hành động đáp trả một cách mạnh mẽ của Nga đối với EU lần này làm dấy lên lo ngại rằng, cuộc “so găng” giữa Nga và EU không biết đến bao giờ mới có thể kết thúc. Nếu EU không đạt được sự thống nhất và có phương thức đối thoại phù hợp với Nga, nếu Nga không thay đổi cách tiếp cận với EU, các hành động trả đũa nhau sẽ ngày càng khiến quan hệ hai bên lâm vào bế tắc.
Nguyễn Cao Biền