Quan hệ Trung - Nhật: Gió đã đổi chiều?
(Baonghean) - Bầu không khí hữu nghị khu vực Đông Bắc Á đón nhận thêm “làn gió” mát từ Trung Quốc và Nhật Bản với nỗ lực cải thiện quan hệ song phương sau một thời gian “băng giá” vì tranh chấp lãnh thổ. Phải chăng “gió đã đổi chiều” trong quan hệ Trung - Nhật?
Bước khởi động
Quan hệ láng giềng Trung Quốc - Nhật Bản có dấu hiệu ấm lên trong bối cảnh Đông Bắc Á đang chứng kiến những chuyển động ngoại giao tích cực. Đáng kể nhất là diễn biến xoay chiều trong quan hệ Triều Tiên và Hàn Quốc với tâm điểm đổ dồn về thượng đỉnh liên Triều dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) gặp Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono tại Tokyo hôm 15/4/2018. Ảnh Reuters |
Các mối quan hệ giữa Triều Tiên với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản cũng đều được cải thiện. Có thể nói, trong nhiều năm qua, đây là lần đầu tiên Đông Bắc Á chứng kiến bầu không khí chính trị hữu nghị như vậy.
Chính vì thế, dấu hiệu ấm dần lên trong quan hệ Trung - Nhật với chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong trung tuần tháng 4 này được đặc biệt chú ý.
Đây là động thái ngoại giao hiếm hoi của quan chức cao cấp Trung Quốc trong 8 năm qua, kể từ khi quan hệ Trung-Nhật “rơi vào vùng thời tiết xấu” vì tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông. Mâu thuẫn gia tăng sau khi Chính phủ Nhật Bản giành quyền kiểm soát quần đảo này vào tháng 9/2012.
Xét về bối cảnh chính trị hai nước cũng như khu vực có thể thấy chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc tới Nhật Bản nhằm 3 mục đích.
Thứ nhất, chuyến thăm này sẽ mở đường cho chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao 3 nước Nhật-Hàn-Trung dự kiến tổ chức vào tháng tới. Tiếp sau cuộc gặp này có thể sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thứ hai, Ngoại trưởng Trung Quốc tới Tokyo lần này để “ấn nút” khởi động lại đối thoại kinh tế song phương đã bị ngưng trệ trong suốt 8 năm qua do căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ.
Thứ ba, hai bên cũng sẽ trao đổi ý kiến về tình hình bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh vấn đề phi hạt nhân hóa có khả năng sẽ được đề cập trong các hội nghị thượng đỉnh sắp tới của Triều Tiên với Mỹ và với Hàn Quốc. Không loại trừ khả năng, cuộc đàm phán 6 bên về hạt nhân Triều Tiên (có sự tham gia của Trung Quốc và Nhật Bản) sẽ được nối lại trong thời gian tới.
Xây dựng mối quan hệ tin cậy
Rõ ràng, trạng thái quan hệ Trung - Nhật đã có những thay đổi rõ nét trong mấy tháng gần đây, từ tình trạng căng thẳng kéo dài sang không khí ấm áp. Hồi đầu tháng 12/2017, hai nước đã đạt được thỏa thuận sâu rộng về việc thiết lập một cơ chế liên lạc nhằm ngăn chặn các sự cố va chạm bất ngờ trên biển hoặc trên không ở khu vực tranh chấp trên Biển Hoa Đông.
Đông Bắc Á. Ảnh: Internet |
Quan hệ giữa hai nước cũng trở nên nồng ấm hơn sau cuộc gặp hồi tháng Một vừa qua giữa Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh, trong đó hai bên nhất trí nối lại các chuyến thăm giữa lãnh đạo hai nước. Hai nước kỳ vọng năm 2018 sẽ cải thiện toàn diện mối quan hệ. Có nhiều lý do cho những bước thay đổi này.
Nhật Bản mặc dù đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhưng không thể không hợp tác với nhau trong lĩnh vực kinh tế và vấn đề Triều Tiên. Đây là hai mối quan tâm lớn trong chính sách đối nội và đối ngoại của cả Bắc Kinh lẫn Tokyo.
Về kinh tế, Trung Quốc và Nhật Bản đều tỏ ra lo ngại về chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Kể từ khi đắc cử, ông Trump không ngừng chỉ trích chính sách thương mại của Trung Quốc và Nhật Bản là không công bằng và gây tổn hại cho Mỹ.
Gần đây, ông đe dọa áp thuế quan vào xuất khẩu của Trung Quốc và cũng đánh tiếng không hài lòng với Nhật Bản vì “gây khó khăn về thương mại cho Mỹ trong nhiều năm qua”. Vậy nên, dù không chỉ đích danh chính sách bảo hộ của Tổng thống Donald Trump song đối thoại kinh tế cấp cao Trung - Nhật lần này được xem như cơ hội để hai bên tái khẳng định xu hướng thương mại tự do, đồng thời tăng cường hợp tác đôi bên, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Mỹ.
Có thể thấy, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết các quốc gia ở Châu Á, thậm chí cả các nước có liên minh quân sự với Mỹ, như Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia. Vì vậy, không khó hiểu khi Nhật Bản chọn lối đi cân bằng trong quan hệ kinh tế với Mỹ và Trung Quốc nhằm đạt được những lợi ích lớn nhất từ việc hợp tác với Bắc Kinh.
Trường hợp của Trung Quốc cũng tương tự. Trong khi chính quyền Tổng thống Donald Trump thay đổi chính sách liên tục thì Nhật Bản tương đối ổn định. Nhất là khi tranh chấp thương mại Mỹ-Trung đang căng thẳng, việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản được xem là mong muốn của Trung Quốc muốn liên kết các nước lớn nhằm phản đối chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ. Về lâu dài, Bắc Kinh có thể xây dựng mối quan hệ kinh tế với Nhật Bản như một hình thức “bảo hiểm”.
Liên quan đến Triều Tiên, mặc dù Trung Quốc và Nhật Bản có những tính toán và cách tiếp cận riêng song đều có mối quan tâm chung về an ninh hạt nhân của Bình Nhưỡng. Một khi chiến tranh xảy ra liên quan đến hạt nhân Triều Tiên, Trung Quốc và Nhật Bản không thể tránh khỏi những hậu quả về an ninh và kinh tế. Chính vì thế, những thay đổi gần đây trong quan hệ liên Triều và Mỹ - Triều được cả Tokyo và Bắc Kinh quan tâm sát sao. Giới quan sát cho rằng, nếu Nhật Bản muốn giữ một vị trí quan trọng trong những vấn đề như Triều Tiên, thì các cuộc gặp gỡ cấp cao với Trung Quốc sẽ là cơ hội để họ đạt được điều đó.
Trong bối cảnh như vậy, việc Trung Quốc và Nhật Bản xây dựng được mối quan hệ hợp tác sẽ có ý nghĩa tích cực, vừa gia tăng lợi ích kinh tế, vừa giảm thiểu những biến số trong chính sách ngoại giao của mỗi bên. Do đó, thông qua việc kích hoạt giao lưu cấp cao, hai nước có thể xây dựng mối quan hệ tin cậy lẫn nhau, mở ra cục diện mới cho quan hệ song phương.