Quan hệ Việt - Mỹ: Xây dựng niềm tin tương lai

24/05/2016 08:48

(Baonghean) - Chuyến thăm chính thức Việt Nam từ 23 - 25/5 của Tổng thống Mỹ Barack Obama được dư luận hai nước và quốc tế hết sức quan tâm. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt - Mỹ đang có những bước phát triển lạc quan trên mọi lĩnh vực. Đây sẽ là cơ hội để hai bên gác lại quá khứ, xây dựng niềm tin cho tương lai, tạo đà phát triển mới cho quan hệ hai nước.

Ý nghĩa đặc biệt

Nhiều người cho rằng chuyến thăm Việt Nam chỉ ít tháng trước khi hết nhiệm kỳ cuối cùng của một vị Tổng thống Mỹ thường chỉ mang ý nghĩa ngoại giao hơn là giá trị thực tiễn. Thế nhưng, thực tế, chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Obama có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại lễ đón. (Vnexpress)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại lễ đón. Ảnh: VnExpress

Sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, với chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 7 năm ngoái và nay là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Obama, cho thấy quan hệ Việt - Mỹ đang có những bước tiến dài hướng tới tương lai dựa trên sự tôn trọng, hiểu biết và đặc biệt là tin tưởng lẫn nhau.

Chính phủ Mỹ khẳng định sự coi trọng đặc biệt đối với chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, coi đây là một trong những sự kiện ngoại giao quan trọng nhất trong năm nay, qua đó nhấn mạnh vị trí đặc biệt của Việt Nam trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Washington, đồng thời thể hiện dấu ấn cá nhân trong quan hệ song phương mà ông Obama đã dành nhiều công sức thúc đẩy trong nhiệm kỳ qua.

Ở phương diện thứ nhất, có thể thấy, chính sách đối ngoại của Mỹ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn chưa đủ thời gian để đạt mục tiêu, vẫn phải tiếp tục dù chính đảng nào ở Mỹ lên nắm quyền. Vì thế, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Obama có thể xem là thông điệp “tái khẳng định chính sách xoay trục” của Nhà Trắng, tạo tiền đề cho Chính phủ tiếp theo trong việc tái cân bằng ở châu Á Thái Bình Dương.

Ở khía cạnh thứ hai, có thể thấy, mặc dù chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, giai đoạn hòa giải giữa Việt Nam và Mỹ đã kết thúc nhưng hai bên vẫn tồn tại nhiều vấn đề trở ngại muốn thông qua chuyến thăm này để thu hẹp và dần dỡ bỏ những trở ngại đó tiến tới thúc đẩy quan hệ toàn diện với Việt Nam. Điều này, với cá nhân ông Obama cũng là một dấu ấn trong di sản đối ngoại qua 2 nhiệm kỳ Tổng thống.

Tháo gỡ “nút thắt”

Điểm nhấn quan trọng và cũng là điều được kỳ vọng nhất trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama là việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí với Việt Nam. Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang hôm 23/5, Tổng thống Obama khẳng định rằng “Mỹ không muốn lệnh cấm này là yếu tố chia rẽ quan hệ hai nước” và “đã đến lúc không nên duy trì lệnh cấm vận nào nữa”.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Chiều 23/5, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Tổng thống Obama. Ảnh: VOV

Quyết định này của Mỹ đánh dấu sự thay đổi quan trọng về chính sách của Washinhton, hoàn toàn phù hợp với lợi ích của Mỹ, phù hợp với xu thế phát triển của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện, thể hiện sự tin cậy giữa hai nước. Năm 1984, chính quyền Mỹ áp dụng cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Mặc dù sau đó hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995 và đến năm 2001 ký kết Hiệp định Thương mại song phương, nhưng Mỹ vẫn chưa nới lỏng lệnh cấm vận. Sau nhiều nỗ lực đối thoại của hai bên, lệnh cấm này đã được dỡ bỏ một phần vào năm 2014 giúp Việt Nam tăng cường khả năng bảo đảm an ninh hàng hải.

Với thông báo mới nhất của Tổng thống Obama, xem như một trong những “nút thắt” còn lại trong quan hệ Việt - Mỹ đã được gỡ bỏ. Trong quan hệ quốc tế, việc mua, bán vũ khí không chỉ là vấn đề tiền bạc mà quan trọng hơn là biểu hiện lòng tin. Vũ khí được bán cho người mua là bạn, không phải là kẻ thù. Vì thế, việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Mỹ sẽ xóa bỏ những tàn tích còn lại giữa hai nước. Điều đó vừa có ý nghĩa thực tiễn vừa có giá trị biểu tượng lớn trong quan hệ Việt Nam - Mỹ. Cũng chính vì vậy mà Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken từng nhận định rằng, trong lịch sử, chưa thấy quốc gia nào từng là hai cựu thù mà lại có thể hợp tác tốt đẹp như Việt Nam và Mỹ.

Hướng đến tương lai

Một khi những cản trở đã được tháo gỡ, quan hệ Việt - Mỹ bình thường hóa hoàn toàn, đó sẽ là cơ hội để hai nước tăng cường sự hợp tác trên mọi lĩnh vực vì một tương lai thịnh vượng và mang lại lợi ích cho cả hai bên. Điều đó đã được minh chứng trong tuyên bố chung sau cuộc gặp của lãnh đạo hai nước, trong đó khẳng định Việt Nam và Mỹ sẽ tăng cường đối tác quan hệ toàn diện theo hướng sâu sắc toàn diện hơn, lấy hợp tác phát triển quan hệ hai nước làm trọng tâm. Trong bối cảnh mới, hai nước hiện có rất nhiều điểm chung để có thể thắt chặt hơn mối quan hệ, trong đó hai điểm chung nổi bật là kinh tế và an ninh.

Về kinh tế, chuyến thăm lần này cũng diễn ra ngay trước thời điểm Quốc hội hai nước bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng, do vậy, chính quyền Tổng thống Obama nhân cơ hội này tái khẳng định lợi ích khi các thành viên tham gia vào hiệp định kinh tế lớn này.

Hiệp định TPP mở ra cơ hội hợp tác cho cả Việt Nam và Mỹ (Ảnh: iStock)
Hiệp định TPP mở ra cơ hội hợp tác cho cả Việt Nam và Mỹ. Ảnh: iStock.

Thực tế, theo các chuyên gia, TPP không chỉ là ưu tiên của những nền kinh tế nhỏ như Việt Nam mà còn với nền kinh tế lớn nhất thế giới...Đối với nước Mỹ, nhu cầu phục hồi kinh tế là rất lớn, nhất là sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009.

Gần 10 năm trôi qua kể từ cuộc khủng hoảng, kinh tế Mỹ đã và đang dần được cải thiện, nhưng để cho kinh tế Mỹ có thể xứng tầm với vai trò và vị thế của một siêu cường thì Mỹ cần phải tiếp tục tập trung mở rộng và phát triển nền kinh tế hơn nữa. Còn đối với Việt Nam, nhu cầu phát triển kinh tế bao giờ cũng là nhu cầu cấp bách, thường trực, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Về an ninh, Tổng thống Obama không ít lần khẳng định “Việt Nam ngày càng có vị trí quan trọng trong khu vực. Mỹ mong muốn là một phần của khu vực, nên muốn đẩy mạnh hợp tác với các nước trong đó có Việt Nam”. Điều này hoàn toàn phù hợp với chính sách “xoay trục” sang châu Á của Mỹ và sự ủng hộ của các nước trong khu vực là một yếu tố thành công của chính quyền Mỹ.

Với những ý nghĩa đó, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Mỹ Obama không chỉ mở ra một chương mới trong quan hệ song phương mà còn mang tầm quốc tế, tái khẳng định vai trò và sự hiện diện của Mỹ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Quan hệ Việt - Mỹ: Xây dựng niềm tin tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO