Quản lý tốt việc dạy học trực tuyến, kể cả dạy thêm, học thêm

Mỹ Hà 08/11/2021 18:48

(Baonghean.vn) - Đây là một trong những yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh khi phải tổ chức dạy học trong tình hình dịch bệnh Covid – 19.

Hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn hàng chục nghìn học sinh ở thành phố Vinh, Hưng Nguyên, thị xã Thái Hòa, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc… đang phải học bằng hình thức trực tuyến do trên địa bàn chưa khống chế được dịch bệnh hoặc liên tục xuất hiện các ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.

Để đảm bảo việc dạy học trực tuyến an toàn, hạn chế ít nhất nguy cơ cháy nổ như một số trường hợp đã xảy ra trước đó tại nhiều địa phương trên cả nước, Sở yêu cầu các nhà trường không được tổ chức tiết học, giờ học trực tuyến kéo dài thời gian như học trực tiếp.

GIờ học trực tuyến gắn với trực tiếp ở Trường THPT Diễn Châu 4. Ảnh: Mỹ Hà.
GIờ học trực tuyến gắn với trực tiếp ở Trường THPT Diễn Châu 4. Ảnh: Mỹ Hà.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ năng sử dụng an toàn các thiết bị điện, thiết bị dạy và học trực tuyến đến giáo viên và học sinh; cách xử lý các tình huống mất an toàn về điện. Đồng thời, thường xuyên phối hợp, thông báo, trao đổi thời khóa biểu, kết quả học tập hằng ngày, hằng tuần với gia đình, phụ huynh học sinh. Từ đó có các định hướng, quản lý chặt chẽ việc sử dụng các thiết bị học, thời gian học cho học sinh.

Trong quá trình giảng dạy, Sở cũng yêu cầu giáo viên cần đặc biệt lưu ý đảm bảo sức khỏe, tâm sinh lý của học sinh khi sử dụng máy tính, điện thoại, ti vi và đảm bảo an toàn. Trước và sau mỗi buổi học, giờ học trực tuyến, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn thường xuyên nhắc nhở học sinh, cha mẹ học sinh lưu ý về vấn đề an toàn điện, thiết bị điện tử, nhắc nhở học sinh sạc đầy pin trước khi học trực tuyến; không để xảy ra tình trạng vừa học vừa sạc pin, dễ gây cháy nổ và không đảm bảo an toàn.

Trước đó, qua nắm bắt của Sở có một số giáo viên tổ chức các lớp học thêm dưới hình thức trực tuyến có sự lạm dụng về nội dung, thời lượng dạy học, đối tượng học sinh tham gia, mức thu dịch vụ… dẫn tới việc học thêm quá nhiều ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, sức khỏe của học sinh.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, nhất là trong giai đoạn đang triển khai các giải pháp dạy học ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến giáo viên, học sinh và phụ huynh thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm; bằng các biện pháp phù hợp để quản lý việc dạy thêm trực tuyến của giáo viên; kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị xử lý theo thẩm quyền những giáo viên vi phạm; công khai số điện thoại đường dây nóng để nhận các ý kiến phản ánh.

Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Nếu có thông tin về dạy thêm, học thêm phụ huynh có thể phản ánh qua đường dây nóng: 0979788769.


Liên quan đến tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường cần nắm chắc tình hình diễn biến dịch bệnh tại địa phương, kịp thời phát hiện sớm nhất các nguy cơ có thể làm lây lan dịch bệnh tại đơn vị để triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời.

Đảm bảo an toàn cho học sinh trong giờ học tại Trường Tiểu học Ngọc Sơn (Thanh Chương). Ảnh: Mỹ Hà
Đảm bảo an toàn cho học sinh trong giờ học tại Trường Tiểu học Ngọc Sơn (Thanh Chương). Ảnh: Mỹ Hà

Bên cạnh đó, cần thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình tại đơn vị, nắm chắc các đối tượng F0, F1, F2 (nếu có) là cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của đơn vị để kịp thời phối hợp với ngành y tế địa phương tiến hành các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Đồng thời, các đơn vị cần hạn chế việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, hoạt động ngoại khóa,... không thật sự cần thiết, nếu tổ chức phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Mới nhất

x
Quản lý tốt việc dạy học trực tuyến, kể cả dạy thêm, học thêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO