Quản lý vốn và tài sản trong doanh nghiệp nhà nước

21/10/2015 11:18

(Baonghean) - Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước (TĐ, TCTNN) có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, bởi đây là bộ phận được tạo điều kiện tích tụ và tập trung với quy mô lớn nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh. Thực hiện chủ trương xoá bỏ dần chế độ bộ chủ quản, cấp hành chính chủ quản và sự phân biệt DN Trung ương, DN địa phương, việc tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với các DN thuộc mọi thành phần kinh tế là một biện pháp nâng cao hiệu quả nền kinh tế.

Vốn là một trong những công cụ quan trọng để Nhà nước điều tiết kinh tế vĩ mô, là các đầu mối triển khai thực hiện các nhiệm vụ công ích, giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến chính sách an sinh, xã hội. Trong thời gian qua, các TĐ, TCTNN đã có nhiều đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước, phần lớn các đơn vị bắt kịp cơ chế thị trường, hoạt động tăng trưởng và phát triển, có tích lũy và hoàn thành tốt vai trò DNNN.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều đơn vị còn yếu kém trong tổ chức quản lý SX-KD, hoạt động thua lỗ, mất vốn, nhiều đơn vị để phát sinh tiêu cực tham nhũng, thất thoát vốn tài sản nhà nước nghiêm trọng.

Chỉ tập trung vốn vào DNNN

Theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố mới đây về thực trạng quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các TĐ, TCTNN, bên cạnh những thành tích, đóng góp trên nhiều mặt thì thực trạng tài chính và hoạt động, công tác quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước có nhiều hạn chế, yếu kém. Một là, số lượng DNNN tuy nhiều, nhưng hầu hết vốn, tài sản, nguồn lực của Nhà nước chỉ tập trung vào đây, và sự tập trung này cũng có rủi ro, thất thoát, khó kiểm soát. Kết quả kiểm toán các đơn vị trong thời gian qua cho thấy, một số TĐ, TCTNN hoặc các đơn vị thành viên đã thua lỗ, mất vốn và để lại những hệ lụy không nhỏ cho nền kinh tế cũng như các lĩnh vực có liên quan.

Công ty CP cơ khí ô tô Nghệ An liên kết với các hãng  sản xuất mở salon ô tô.  Ảnh: Hoàng Vĩnh
Công ty CP cơ khí ô tô Nghệ An liên kết với các hãng sản xuất mở salon ô tô. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Hai là, phần lớn những đơn vị hoạt động có hiệu quả kinh tế cao đều có lợi thế nắm giữ nguồn lực quan trọng như tài nguyên, đất đai hoặc phát triển nóng ở một số lĩnh vực không thuộc lĩnh vực sản xuất vật chất như ngân hàng, viễn thông,... cho nên dù hỗ trợ tăng trưởng phát triển nhưng không tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bằng nội lực và bền vững.

Ba là, nguy cơ và thực tế thất thoát vốn nhà nước khá lớn. Một số đơn vị còn có biểu hiện xấu hơn các năm trước liền kề, nợ vay rất lớn, nguy cơ thất thoát, thiệt hại trong quản trị DN…

Bốn là, công tác quản trị rủi ro, tài chính DN, chiến lược, thị trường, nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Và cuối cùng là công tác quản lý tài chính kế toán còn nhiều tồn tại, thiếu sót..

Minh chứng cho các nhận định trên, KTNN cho biết, năm 2011, KTNN phải kiến nghị tăng thu NSNN tới 305 nghìn tỷ đồng, năm 2012 kiến nghị tăng thu 206 nghìn tỷ đồng, năm 2013 kiến nghị tăng thu 1.656 nghìn tỷ đồng, và năm 2014 xác định số thuế phải nộp NSNN tăng thêm 580 nghìn tỷ đồng,... là những số liệu rất đáng suy nghĩ.

Khó xác định trách nhiệm người đứng đầu

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các TĐ, TCTNN được thể hiện ở chỗ, hệ thống quản trị nội bộ chưa đáp ứng được các yêu cầu quản lý, giám sát hiệu quả sử dụng các nguồn lực được Nhà nước giao. Do đó, tính tuân thủ pháp luật, chế độ quản lý tài chính, công khai, minh bạch thông tin của các DN còn thấp; thực thi vai trò đại diện chủ sở hữu trong DNNN còn phân tán, chồng chéo. Quá trình tổ chức, tái cơ cấu DNNN tiến hành còn chậm, kéo dài. Hơn nữa, tình trạng đầu tư đa ngành dàn trải, đầu tư và sở hữu chéo cũng gây khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát sử dụng đồng vốn Nhà nước. Trong đó, tập trung vào việc đầu tư vốn nhà nước hạn chế về tính khả thi. Công tác giám sát, kiểm soát, hỗ trợ các DN nhận vốn đầu tư còn chưa sâu sát, chưa đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp năm 2005 chưa giải quyết được các vấn đề đặc thù cho DNNN; phân công, phân cấp quản lý vốn và tài sản tại các DN giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn chồng chéo, trùng lặp và không rõ phạm vi. Thực tế này dẫn đến khó xác định trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm, quy định các hành vi bị cấm, xử lý vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN còn thiếu, chưa tập trung và không đồng bộ.

Phải gắn với bối cảnh thực tế của DN

Để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý, sử dụng hiệu quả vốn nhà nước đầu tư vào SX-KD, xuất phát từ những yêu cầu cải thiện thực trạng quản lý, sử dụng nguồn vốn nhà nước tại DN, ngoài việc thúc đẩy tạo lập hành lang pháp lý cho công cuộc cải cách, đổi mới quản lý DNNN, rất cần việc rà soát, quy định điều chỉnh hoạt động của DN và quản lý đầu tư vốn nhà nước vào DN theo hướng quản trị một cách đồng bộ nhưng phải cụ thể, tính khả cao.

Cảng Nghệ Tĩnh sau CPH đã hoạt động hiệu quả
Cảng Nghệ Tĩnh sau CPH đã hoạt động hiệu quả. ảnh PV

Nhà nước cần tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng các DNNN một cách tổng thể, toàn diện, trên nhiều khía cạnh quản lý, quản trị hoạt động để chỉ ra những ưu thế, điểm mạnh cũng như những khiếm khuyết, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Từ đó, mô hình hóa bức tranh toàn cảnh của các DNNN nhằm đưa ra những giải pháp đồng bộ, dài hạn, gắn với bối cảnh thực tế của DN, điều kiện thực tiễn quản lý của hệ thống chính trị, kinh tế Việt Nam dưới hình thức một chiến lược phát triển tổng thể và dài hạn. Trên cơ sở định hướng của chiến lược, Nhà nước có trách nhiệm tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất và đồng bộ để DN hiện thực hóa.

Thứ hai, Nhà nước cần đẩy mạnh công tác cải cách phương thức quản lý DN, hạn chế sự can thiệp hành chính, gây cản trở hoạt động SX-KD, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN. Theo đó, Nhà nước chỉ đầu tư vào những DN sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu mà những thành phần kinh tế khác không tham gia, cái gì tư nhân làm được thì để DN tư nhân làm. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần xây dựng cơ chế, quy định để các DN phải công khai, minh bạch thông tin theo đúng thông lệ quốc tế nhằm thực hiện xã hội hóa, tăng cường quản lý, giám sát tự thân, thực hiện công khai, minh bạch, tạo động lực phát triển cho các DN.

Thứ ba, để thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu DNNN, Nhà nước cần có chính sách để xử lý triệt để các tồn tại cũ của các DN, gỡ gánh nặng cho DN trong xử lý tài chính phục vụ tái cơ cấu. Cần xác định một cách cụ thể, định lượng được mục tiêu, thời hạn để thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện cũng như trong đánh giá kết quả thực hiện.

Thứ tư, cần tập trung đào tạo xây dựng đội ngũ lãnh đạo DN nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển và thực hiện các quyền của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong các DN. Trong các trường hợp cần thiết, cần thiết lập cơ chế và đẩy mạnh hình thức tách bạch vai trò của chủ sở hữu và người điều hành, theo đó thực hiện thuê đội ngũ lãnh đạo điều hành DN nhằm thúc đẩy quản trị hiệu quả, tạo động lực phát triển thông qua cơ chế trách nhiệm hợp đồng.

Cuối cùng, cần đánh giá kết quả thực hiện đổi mới quản lý, sử dụng tài sản vốn nhà nước tại các TĐ, TCTNN theo các tiêu chí hiệu lực, hiệu quả (tuân thủ pháp luật, đạt mục tiêu đề ra và đảm bảo hiệu quả kinh tế cao). Phát hiện và đề xuất việc điều chỉnh cơ chế, chính sách nếu phát hiện còn bất cập trong thực tiễn áp dụng; hướng dẫn và hỗ trợ DN giải quyết những khó khăn, vướng mắc; có chế tài xử lý nghiêm minh những sai phạm của lãnh đạo TĐ, TCTNN.

Hồng Hà

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Quản lý vốn và tài sản trong doanh nghiệp nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO