Quan tâm cảnh quan các khu di tích
(Baonghean) - Bảo vệ cảnh quan môi trường là một trong những công việc quan trọng góp phần phát huy giá trị di tích. Tại địa bàn Thành phố Vinh, công tác này được chính quyền và ban quản lý các di tích chú trọng. Tuy nhiên, ở một số di tích nằm trong khu vực dân cư lại đang gặp khó khăn…
Gần 8 tỷ đồng là số tiền mà UBND Thành phố Vinh đầu tư nâng cấp một số hạng mục ở đền Hồng Sơn. Từ khi hoàn thành, đền Hồng Sơn có sự thay đổi đáng kể, nhất là khu vực khuôn viên, với hệ thống cây xanh, thảm cỏ, các luống hoa, hòn non bộ… Ban Quản lý đền cũng hết sức chăm lo cho công tác vệ sinh môi trường ở khu vực nội đền và đều đặn vào mỗi buổi sáng, trưa, tối hàng ngày tổ chức quét dọn sạch sẽ, đảm bảo đến cuối buổi chiều, từ khu vực thượng điện đến hạ điện đều tươm tất chuẩn bị cho buổi lên hương vào sáng sớm. Cùng đó, rác thải được thu gom riêng vào xe, trung bình 3 ngày 1 lần sẽ được Ban Quản lý đền chuyển ra bãi tập kết chung của phường. Riêng công trình vệ sinh công cộng, ngoài được bố trí tách biệt, định kỳ hàng ngày, mọi thành viên trong Ban Quản lý thay nhau dọn rửa, đảm bảo tuyệt đối công trình không bị bám bẩn, có mùi hôi.
Mỗi tháng 1 đến 2 lần, Đội thanh niên tình nguyện của Trường Đại học Vinh sẽ đến để phụ giúp Ban Quản lý cắt tỉa cây xanh, cắt cỏ và quét dọn tổng thể toàn khu vực khuôn viên ngoài trời. “Với những nỗ lực đó, khách thập phương khi đến đền Hồng Sơn đều thấy thoải mái, thanh tịnh bởi khuôn viên ngăn nắp, sạch sẽ. Khu vực rửa lễ cũng thường xuyên được lau quyét sạch sẽ, thuận lợi cho khách chuẩn bị lễ dâng…” - ông Hồ Công Tiến, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý di tích đền Hồng Sơn cho biết. Tuy nhiên, điều trăn trở nhất hiện nay là công tác vệ sinh ở ngoài khu vực đền, bởi cổng chính của đền giáp với đường Hồng Sơn, là nơi họp chợ thường xuyên của chợ Vinh. Do lượng hàng bày bán nhiều, khách đi chợ đông, người dân lại thiếu ý thức trong việc giữ gìn, nên vẫn còn tình trạng rác thải vứt lộn xộn xung quanh đền, ảnh hưởng nhiều đến mỹ quan và sự tôn kính của một di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp quốc gia.
Điểm tập kết rác cạnh Khu di tích Thành cổ Vinh gây phản cảm. |
Trên toàn địa bàn thành phố hiện có 76 di tích, danh thắng, trong đó có 11 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 7 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Hiện tỉnh đang quản lý 1 di tích, thành phố quản lý 17 di tích và di tích do các phường, xã quản lý là 56. Theo ông Bùi Quang Phương - Trưởng phòng Văn hóa thành phố: Lâu nay, trên cơ sở phân cấp quản lý, thành phố và các phường, xã đã quan tâm đến bảo vệ cảnh quan môi trường. Bên cạnh đó, một số di tích đã thành lập được ban quản lý nên việc bảo vệ, chăm sóc khuôn viên được chú trọng đầu tư hơn. Nhờ vậy, những di tích như nhà thờ họ, các đình, đền, chùa đều được giữ gìn cẩn thận. Khó khăn nhất hiện nay là các di tích nằm trong khu vực công cộng đã xuống cấp, bởi các di tích này không có người chăm lo thường xuyên. Một số nơi ý thức của người dân còn hạn chế, hoặc vì không có người bảo vệ thường xuyên, nên vẫn có đối tượng xấu sử dụng để làm nơi tiêm chích ma túy, xả rác bừa bãi, ảnh hưởng đến việc bảo đảm cảnh quan môi trường.
Thành Cổ Vinh là một trong số đó. Ở khu vực các cổng thành, đặc biệt là ở cửa Tiền, thì ngay bên cạnh là nơi tập kết rác của các khu dân cư quanh vùng. Hiện ở đây có từ 10 - 14 chiếc xe rác để thường xuyên, xung quanh đó, trên diện tích khoảng 15m2 là một bãi rác lổn nhổn, vừa lộn xộn, vừa bẩn, vừa ô nhiễm. Gặp ông Nguyễn Minh Phan, khối 1, phường Cửa Nam, ông cho biết: “Tình trạng ô nhiễm môi trường và rác thải, nước bẩn ở vùng Thành cổ đã được phản ánh nhiều, nhưng chưa có giải pháp nào để giải quyết. Người dân rất mong chờ có một dự án cải tạo cảnh quan đẹp hơn…”.
Một khu di tích khác cũng nằm trong quần thể Thành cổ là Di tích bia 14/6 (địa điểm này trước đây là Hội trường tỉnh Nghệ An). Thế nhưng, do không có người bảo vệ thường xuyên, nên vào những khi vắng người, đặc biệt là vào những chiều tối, nơi đây lại là tụ điểm của các đối tượng nghiện hút, chích ma túy. Di dọc theo các luống cây xung quanh khu di tích, dễ dàng tìm thấy hàng chục chiếc bơm kim tiêm rất nguy hiểm. Ông Nguyễn Cảnh Phúc ở khối 14, phường Quang Trung cho biết: “Ở thành phố, có một không gian như như Khu di tích bia 14/6 là điều rất đáng quý. Nhưng vì chưa được bảo vệ đến nơi, đến chốn, cộng với ý thức của một số người dân còn kém, nên di tích không được quét dọn thường xuyên, mất vệ sinh, người dân chúng tôi cũng không dám đến gần huống chi là du khách…”.
Trước thực tế này, thiết nghĩ thành phố cần sớm có những giải pháp cụ thể bảo vệ các di tích để xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp, tạo dấu ấn cho du khách mỗi khi đến tham quan. Trong đó, với những di tích công cộng, cần cải tạo theo hướng mở để trở thành một tiểu công viên, vừa có di tích gắn liền với những thảm cỏ, cây xanh mát nhằm tạo không gian vui chơi, thư giãn cho người dân thành phố. Chính quyền các cấp cần phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục để lồng ghép các hoạt động chăm sóc di tích cho học sinh, đồng thời tăng cường vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ di tích cho người dân quanh vùng. Ngoài ra, cần bổ sung thêm kinh phí hoặc có kế hoạch để phối hợp với các công ty vệ sinh môi trường, công ty cây xanh để chăm sóc, quét dọn các khu di tích một cách thường xuyên. Về phía các phường, xã, cần chủ động giao cho các khối, xóm hoặc các đoàn thể nơi di tích đứng chân để có kế hoạch chăm sóc, quét dọn thường xuyên. Có như vậy, di tích mới trở thành điểm đến hấp dẫn, thành nơi thư giãn mát mẻ, sạch đẹp cho nhân dân và du khách gần xa.
Mỹ Hà