Quan tâm đầu tư, phát triển các nguồn lực
Sự kiện cổng thông tin điện tử Nghệ An ra mắt tại địa chỉ http://www.nghean.vn là một sự đột phá nổi bật trong chương trình tổng thể cải cách hành chính của tỉnh ứng dụng CNTT vào nhiệm vụ quản lý nhà nước. Tuy nhiên, để vận hành, sử dụng cổng thông tin điện tử có hiệu quả đòi hỏi các đơn vị liên quan cần có sự đầu tư thích hợp về hạ tầng kỹ thuật, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và tích cực ứng dụng các tiến bộ CNTT vào công tác quản lý, điều hành.....
Với vai trò là cơ quan chuyên môn về CNTT của tỉnh, chủ đầu tư dự án và được UBND tỉnh giao quản lý, vận hành, Cổng thông tin điện tử (TTĐT) - Sở Thông tin & Truyền thông có trách nhiệm tập trung mọi nguồn lực tốt nhất, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong và ngoài tỉnh để thực hiện có hiệu quả Cổng TTĐT theo phương thức hiện đại. Trong đó, theo Quyết định số 26/2011/QĐ- UBND của UBND tỉnh ngày 31-5-2011 thì Trung tâm CNTT và truyền thông ( trực thuộc Sở Thông tin & Truyền thông) chịu trách nhiệm chủ trì quản trị kỹ thuật, tổ chức thu thập, biên tập, xử lý, lưu trữ và cung cấp thông tin và dịch vụ trên Cổng TTĐT. Còn các đơn vị thuộc tỉnh có trách nhiệm phối hợp thu thập, tổng hợp, cập nhật, cung cấp thông tin dữ liệu lên cổng thông tin do thủ trưởng đơn vị trực tiếp phụ trách. Hiện nay, Cổng TTĐT có một cổng chính và 58 cổng con cho các huyện, thành, thị và sở ban ngành. Định kỳ hàng tháng, các đơn vị phải cập nhật ít nhất 2 thông tin lên cổng chính cũng như cổng con của đơn vị. Để làm tốt nhiệm vụ này đòi hỏi mỗi cơ quan ban ngành đều phải có cán bộ phụ trách CNTT để làm đầu mối quản trị cổng con. Tuy nhiên, theo ông Trương Minh Hợi- phó Phòng Quản lý CNTT- Sở Thông tin& Truyền thông thì khi hoạt động ứng dụng tại các cơ quan nhà nước đi vào chiều sâu, phải quản lý các ứng dụng phức tạp hơn thì trình độ nhân lực CNTT cũng phải theo kịp sự phát triển chứ không đơn thuần là việc quản lý máy tính, quản lý hoạt động của mạng Internet... như hiện nay. Trong khi đó nguồn lực CNTT ở tỉnh ta hiện nay khá mỏng, thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Tại các huyện, thành nhất là các huyện miền núi chủ yếu là cán bộ văn phòng kiêm nhiệm và chỉ dừng lại ở mức độ biết sử dụng máy tính, phần mềm soạn thảo văn bản, khai thác internet và sử dụng hòm thư điện tử. Một số sở ban, ngành có cán bộ chuyên trách về CNTT nhưng do chế độ đãi ngộ chưa hợp lý nên cũng thiếu nhiệt tình trong công việc, đa số các phần mềm được ứng dụng hiện cũng chỉ được thực hiện đơn lẻ trong các cơ quan mà chưa có sự kết nối giữa các cơ quan liên quan trên diện rộng.
Bộ phận quản trị Cổng thông tin điện tử Nghệ An. Ảnh: Sỹ Minh
Ông Võ Trọng Phú, Giám đốc Trung tâm CNTT- Chánh Văn phòng Sở Thông tin& Truyền thông cho biết: Trước đây khi đang dừng lại ở trang thông tin điện tử Nghệ An, Trung tâm CNTT chỉ có 2 người được giao nhiệm vụ vừa cập nhật vừa duy trì hoạt động của trang vẫn đáp ứng được yêu cầu nhưng hiện nay đã xây dựng thành Cổng TTĐT với 1 cổng chính và 58 cổng con thì rõ ràng là một khối lượng công việc khổng lồ đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao và bộ máy vận hành gồm biên tập viên, cán bộ bảo đảm an ninh mạng, hỗ trợ kĩ thuật... Hiện tại, do thiếu nhân lực nên chưa thể thành lập Trung tâm quản lý cổng thông tin độc lập mà mới chỉ có phòng quản trị Cổng TTĐT với 4 cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp nhận quản trị kỹ thuật, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp mở rộng Cổng TTĐT Nghệ An trên mạng Internet. Còn nguồn thông tin chủ yếu lấy từ các cơ quan báo đài, văn phòng Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, phòng văn hoá các huyện, thành, thị... Một cái khó nữa là thông tin đăng tải trên Cổng TTĐT Nghệ An là thông tin chính thống nên ngoại trừ các cơ quan, báo đài đối với bộ phận cộng tác viên, người chịu trách nhiệm biên tập và cập nhật thông tin ở cổng chính và các cổng con của các sở, ban, ngành và các địa phương ngoài khả năng về tin học còn phải có cả nghiệp vụ báo chí và trình độ ngoại ngữ nhất định (trong chức năng, nhiệm vụ Cổng TTĐT Nghệ An có phần dịch sang tiếng Anh nhưng hiện tại chưa có biên chế ở bộ phận này nên cơ quan chủ quản vẫn đang phải thuê theo dịch vụ.).
Nhằm tạo cơ chế phối hợp nhuần nhuyễn và đưa Cổng TTĐT đi vào vận hành có hiệu quả, Trung tâm CNTT và truyền thông đã tổ chức 2 lớp tập huấn (mỗi lớp khoảng 65 học viên) cho các cán bộ phụ trách CNTT của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương. Liên hệ với các cơ quan, đơn vị có chuyên môn về phần cứng, phần mềm như Cục bảo vệ chính trị, Cục tin học nghiệp vụ (Bộ Công an), Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, Trung tâm dịch vụ giá trị gia tăng DVC online, BKIS- Internet Security để rà soát, kiểm tra chất lượng của toàn bộ hệ thống. Ngoài ra, tổ ứng cứu sự cố máy tính của trung tâm luôn sẵn sàng trợ giúp các ban, ngành khi có sự cố mạng xảy ra. Về trang thiết bị, dự án Cổng TTĐT đã được đầu tư hệ thống thiết bị phần cứng và phần mềm đồng bộ gồm 02 máy chủ Serverr IBMX3650 phục vụ hệ thống cổng, 04 bộ máy làm dịch vụ công HP- Compaq Proliant ML 110, mua bản quyền phần mềm Websphere Portal Server Enable 6.0...nhưng một số thiết bị đầu tư phục vụ dịch vụ công về mặt cấu hình còn thấp không đảm bảo lâu dài, hệ thống mạng và máy tính ở một số cơ quan, ban, ngành địa phương còn thiếu và yếu. Ngoài việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị công nghệ, kỹ thuật hiện đại thì việc thu hút, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực nhằm khai thác tối đa các ứng dụng về CNTT là yếu tố có ý nghĩa quyết định. Do vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý nhằm thu hút nguồn lực CNTT có trình độ cao mỗi cơ quan, đơn vị và địa phương cần xây dựng môi trường làm việc thuận lợi, đào tạo, nâng cao mặt bằng kiến thức CNTT chung cho cán bộ. Khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ CNTT phát huy trí tuệ và kiến thức, phục vụ hoạt động chuyên môn một cách hiệu quả và thiết thực. Sở Thông tin & Truyền thông cũng kiến nghị UBND tỉnh sớm có chủ trương xây dựng đề án thành lập Trung tâm Cổng TTĐT để hình thành bộ máy chuyên môn đảm bảo số lượng và chất lượng thực hiện tốt nhiệm vụ quản trị, vận hành hệ thống.
Khánh Ly