Quan trọng là phải chọn được người có uy tín và tâm huyết
Vừa qua, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức Hội nghị BCH lần thứ 11 - nhiệm kỳ VI, thảo luận các nội dung và kế hoạch chuẩn bị cho Đại hội VFF nhiệm kỳ VII (2013 - 2017). ông Nguyễn Hồng Thanh - Ủy viên BCH VFF, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch CLB SLNA đã trao đổi với PV Báo Nghệ An về những nội dung của kỳ Đại hội VFF sắp tới...
(Baonghean) - Vừa qua, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức Hội nghị BCH lần thứ 11 - nhiệm kỳ VI, thảo luận các nội dung và kế hoạch chuẩn bị cho Đại hội VFF nhiệm kỳ VII (2013 - 2017). ông Nguyễn Hồng Thanh - Ủy viên BCH VFF, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch CLB SLNA đã trao đổi với PV Báo Nghệ An về những nội dung của kỳ Đại hội VFF sắp tới...
P.V: Xin ông cho biết những vấn đề chính được bàn tại kỳ họp BCH Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vừa qua?
Ông Nguyễn Hồng Thanh: Cuộc họp BCH VFF vừa qua có hai nội dung chính: Thứ nhất là chuẩn bị nhân sự cho kỳ Đại hội sắp tới; tất cả những người được giới thiệu đều được nêu ra và tiếp tục xem xét để có bổ sung. Nội dung thứ 2 là thông qua Điều lệ sửa đổi của VFF. Nhưng vấn đề quan trọng và được mọi người quan tâm nhất tại hội nghị vẫn là công tác chuẩn bị nhân sự cho kỳ đại hội VFF sắp tới.
P.V: Theo ông, danh sách những người được đề cử vào các vị trí quan trọng của VFF sắp tới có đáp ứng được các yêu cầu, mong muốn của các CLB bóng đá không?
Lãnh đạo VFF dự khán trận đấu giữa SLNA và Hà Nội T&T trên sân Vinh.
Ảnh: Đức Chuyên
Ông Nguyễn Hồng Thanh: Bây giờ thì chưa khẳng định được, bởi ứng cử viên cho chức danh Tổng Thư ký VFF dễ đánh giá hơn, vì liên quan chủ yếu đến chuyên môn. Còn ứng cử viên cho chức danh Chủ tịch VFF nếu là người của doanh nghiệp thì đó phải là người có kinh nghiệm, doanh nghiệp đó phải là doanh nghiệp mạnh, làm ăn có lãi thật, ổn định lâu dài về mặt tài chính; phải có uy tín trong xã hội cao, có mối quan hệ rộng rãi để tìm kiếm các nguồn tiền cho Liên đoàn và phải rất tâm huyết, am hiểu về bóng đá. Còn nếu đó là người nhà nước, thì phải được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng ý giới thiệu, người này cũng phải tâm huyết, am hiểu bóng đá, có uy tín lớn trong xã hội, củng cố được mối quan hệ rộng rãi với các ngành, các doanh nghiệp…
Tiêu chí là thế, nhưng hiện nay cũng mới nêu danh sách ra vậy thôi, chứ chưa đánh giá ai là nặng ký nhất. Bởi vì đó là những người mà VFF thấy có thể đảm đương được thì nêu ra, chứ chưa chắc tổ chức nơi người đó đang làm việc và bản thân người đó đã đồng ý. Tại hội nghị, tôi cũng có phát biểu là trước khi đưa thì mình nên nắm các điều kiện, tiêu chuẩn và phải gặp người đó xem họ thật sự tâm huyết không, sẵn sàng ngồi “ghế nóng” để lãnh đạo Liên đoàn không?
P.V: Khi VFF tìm được các vị trí chủ chốt mới trong nhiệm kỳ sắp tới thì họ có vực dậy được nền bóng đá Việt Nam đang rơi vào thời kỳ khủng hoảng không thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Thanh: Đây là giai đoạn khó khăn của bóng đá Việt Nam, nên những người lãnh đạo mới của VFF phải quyết đoán và linh hoạt mới vực dậy được phong trào. Bóng đá chuyên nghiệp là doanh nghiệp, mà với tình hình kinh tế bây giờ, nếu cứ để doanh nghiệp làm bóng đá cả là không ổn. Bởi doanh nghiệp ở nước ngoài thì người ta làm hàng thế kỷ rồi, ở mình còn mới, chưa thật bền vững, chưa khẳng định tập đoàn nào đứng vững lâu dài. Hiện nay, các tập đoàn lớn của thế giới còn khó khăn huống chi là doanh nghiệp Việt Nam, nên giai đoạn này làm bóng đá không thể khoán trắng cho doanh nghiệp mà phải gắn với địa phương, với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm thì mới tồn tại và phát triển được.
P.V: Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam cũng đã được phê duyệt, là một người làm bóng đá lâu năm, ông thấy chiến lược này có vạch ra được đường hướng phù hợp cho sự phát triển bóng đá Việt Nam trong tương lai không?
Ông Nguyễn Hồng Thanh: Chiến lược thường đi theo tuần tự: muốn có đỉnh cao thì phải có phong trào, quan trọng nhất bây giờ là phải phát triển bóng đá quần chúng. Do đó chiến lược phải đề ra được giải pháp tổng thể, phải có sự phối hợp giữa Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ VH-TT&DL để phát triển bóng đá học đường, cần vạch ra Bộ Giáo dục - Đào tạo làm phần nào, Bộ VH-TT&DL làm phần nào, phần nào của Liên đoàn bóng đá. Một chiến lược có độ dài 10-15 năm, định hướng thì đúng rồi, nhưng trong quá trình làm phải có sự điều chỉnh linh hoạt. Ví dụ như chiến lược trước đây không đề cập đến giai đoạn suy thoái kinh tế như hiện nay, nhưng khi xảy ra thì mình phải điều chỉnh lại.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Đức Chuyên (Thực hiện)