Quân và dân Nghệ An với Chiến dịch Thượng Lào
Thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào là chiến thắng của tinh thần vô sản quốc tế cao cả, thắng lợi của tinh thần đoàn kết giữa hai dân tộc và hai quân đội Việt - Lào”. Trong thắng lợi vẻ vang đó, đó có sự đóng góp không nhỏ của quân và dân tỉnh Nghệ An
Sau thất bại nặng nề ở Hòa Bình và Tây Bắc Việt Nam, thực dân Pháp tập trung lực lượng phòng thủ Thượng Lào. Âm mưu của chúng là “biến Sầm Nưa thành một tập đoàn cứ điểm mạnh “kiểu Nà Sản” ở Tây Bắc Việt Nam nhằm ngăn chặn các cuộc tiến công của quân chủ lực Việt Nam trên chiến trường Thượng Lào và uy hiếp vùng tự do của cách mạng Việt Nam”.
Để đập tan âm mưu của thực dân Pháp, đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam quyết định phối hợp cùng quân giải phóng Pathét Lào mở chiến dịch Thượng Lào. Chiến dịch Thượng Lào vừa nhằm “Tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai, giúp Chính phủ kháng chiến Lào mở rộng và xây dựng căn cứ địa chính, tạo điều kiện đẩy mạnh cuộc kháng chiến của nhân dân Lào”, vừa để “rèn luyện thêm cho chủ lực ta về chiến thuật và về sự chấp hành chính sách quốc tế của Đảng”.
Địa bàn tác chiến Thượng Lào ở rất xa các căn cứ hậu phương của Việt Nam, nên “vấn đề cung cấp là khó khăn nhất”, nhưng lại có ý nghĩa hết sức quan trọng. Để làm tốt nhiệm vụ này, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam tin cậy giao cho Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh chịu trách nhiệm chính trong việc huy động sức người, sức của chi viện cho chiến dịch.
Thực hiện nhiệm vụ Trung ương giao phó, ngày 21/2/1953, Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị Quân - Dân - Chính - Đảng nhằm quán triệt yêu cầu và nhiệm vụ phục vụ chiến dịch Thượng Lào. Hội nghị đã xác định nhiệm vụ chủ yếu của quân và dân Nghệ An là: “Đảm bảo cung cấp đầy đủ cho liên quân Việt - Lào và các lực lượng tham gia chiến dịch Thượng Lào”.
Để hoàn thành nhiệm vụ này, ngay sau Hội nghị, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh đã quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận với tên gọi là “Ban kim thổ sản tỉnh Nghệ An”, mật danh K31, trụ sở đóng tại huyện Đô Lương, do đồng chí Lê Lộc làm Chủ tịch.
Tuyến đường vận chuyển từ Nghệ An đi Xiêng Khoảng dài hơn 400 km, nhiều đoạn chưa có dấu chân người, thời tiết lại hết sức khắc nghiệt. Để hoàn thành nhiệm vụ Trung ương giao phó, tỉnh Nghệ An đã cấp tốc huy động 72.940 lượt dân công sửa chữa 170 km đường, làm hơn 100 cầu phao, cầu tạm trên tuyến đường số 7 từ Phủ Diễn (Diễn Châu) lên Đô Lương, lên Mường Xén sang Lào.
Sau khi tuyến đường 7 sang Lào đã được khai thông, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban kim thổ sản tỉnh, 12.000 dân công Nghệ An, với 1.486 xe đạp thồ và 1.066 thuyền, ca nô, theo đường số 7 hoặc theo dọc sông Lam vận chuyển 740 tấn gạo, hàng nghìn con trâu bò, hàng trăm tấn muối, cá khô, nước mắm và các hàng hóa khác phục vụ chiến dịch”.
Ngày 20/5/1953, Nghệ An tiếp tục huy động một đợt dân công gánh bộ gồm 12.700 người. Đoàn dân công đã phải xẻ núi, xuyên rừng, vượt qua các điểm cao ở Noong Hát, Bản Ban, Phu Quặc, Hoi Ca Nhom, Pha Phiên...để vận chuyển lương thực, thực phẩm và vũ khí, đạn dược sang Xiêng Khoảng. Tiểu đoàn 195 và các Đại đội 121, 123 bộ đội địa phương của tỉnh cũng được điều động sang Xiêng Khoảng phục vụ và trực tiếp chiến đấu trên đất Lào.
Cùng với việc huy động nhân lực (bộ đội chủ lực, dân công hỏa tuyến) và vật lực (lương thực, thực phẩm, đạn dược) vụ chiến dịch, Nghệ An còn là một trong những địa bàn huấn luyện và là điểm xuất phát tiến công địch của các đơn vị chủ lực tham gia chiến dịch chiến dịch Thượng Lào. Để chuẩn bị cho chiến dịch, ngày 17/3/1953, Đại đoàn 304 đã mở Hội nghị quân chính tại xã Đặng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam và đồng chí Phumi Vôngvichít, đại diện Đảng, Chính phủ và Mặt trận Lào Itxala.
Ngày 31/3/1953, Đại đoàn 304 chia làm hai cánh tiến sang Lào. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Hoàng Minh Thảo, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304, Trung đoàn 99 và Trung đoàn 66 đã vượt dốc Tađopắclắc, tấn công vào hệ thống phòng ngự của địch từ Noong Hét đến Bản Ban, nhằm ngăn chặn không cho địch rút lui về Cánh đồng Chum. Cùng hành quân với cánh này có đồng chí Phumi Vôngvichít. Sau khi tập kết trên đất Lào, cánh này phối hợp với Tiểu đoàn Pathet Lào do đồng chí Thào Tu chỉ huy để tham gia chiến dịch. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Chưởng, Chính ủy Đại đoàn 304, Trung đoàn 57 đã bí mật vượt dốc Phulaixileng, theo Mường Ngàn, Mường Ngân, đánh thẳng vào thị xã Phônxavẳn. Cùng hành quân với cánh này có đồng chí Nhưvư, Bí thư Tỉnh ủy Xiêng Khoảng.
Ngày 8/4/1953, chiến dịch Thượng Lào mở màn. Mặc dù địa hình phức tạp, núi cao, suối sâu, mưa nắng thất thường, nhưng trong suốt chiến dịch, hàng vạn dân công Nghệ An vẫn ngày đêm gùi, gánh gạo, muối, súng đạn để phục vụ bộ đội truy kích địch. Nhiều nơi dân công hỏa tuyến đã phải trực tiếp chiến đấu với phỉ để bảo vệ hàng hóa và thương binh.
Sau gần một tháng chiến đấu, ngày 3/5/1953, chiến dịch Thượng Lào kết thúc thắng lợi. Liên quân Việt - Lào đã tiêu diệt gần 2.800 sĩ quan và binh lính, giải phóng một vùng rộng lớn khoảng 35.000 km2 với hơn 40.000 dân, gồm tỉnh Sầm Nưa, phần lớn tỉnh Xiêng Khoảng và một phần tỉnh Luông Phrabang, trong đó có khu vực Nậm U, một khu vực có vị trí chiến lược quan trọng và giàu có bậc nhất Tây Bắc Lào.
Thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào không chỉ góp phần làm tiêu hao sinh lực địch, mở rộng căn cứ địa của kháng chiến của Lào, mà còn nối liền căn cứ này với hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh của Việt Nam thành một dải liên hoàn, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc kháng chiến của hai dân tộc.
Đánh giá ý nghĩa của chiến thắng này, đồng chí Phumi Vôngvichít đã khẳng định: “Thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào là chiến thắng của tinh thần vô sản quốc tế cao cả, thắng lợi của tinh thần đoàn kết giữa hai dân tộc và hai quân đội Việt - Lào”. Trong thắng lợi vẻ vang đó, đó có sự đóng góp không nhỏ của quân và dân tỉnh Nghệ An.