Quảng cáo không đúng sự thật, có thể bị đi tù?
(Baonghean.vn) - Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội thường xuyên quảng cáo những món hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí là “thần thánh hoá” công dụng, gây hại cho người mua. Vậy, việc những người này quảng cáo gian dối bị phạt bao nhiêu tiền, bao nhiêu năm tù ?
Đó là vấn đề quan tâm của chị Nguyễn Hoài Thương (TX. Cửa Lò, Nghệ An).
Trả lời:
* Cá nhân, tổ chức có hành vi quảng cáo gian dối, không đúng sự thật có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 34, Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Cụ thể, theo Khoản 5, Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn:
- Về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;
- Về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung sau:
- Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 - 07 tháng;
- Tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 - 24 tháng trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong 06 tháng.
Đồng thời, buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo; buộc cải chính thông tin gian dối, không đúng sự thật đã đăng tải quảng cáo.
* Trường hợp cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quảng cáo gian dối mà còn vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối.
Cụ thể, theo Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015, người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm:
- Bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng; hoặc - Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Như vậy, việc quảng cáo những món hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí là “thần thánh hóa” công dụng, gây hại cho người mua trên các nền tảng và nhiều mạng xã hội khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo. Tùy theo mức độ nghiêm trọng, hành vi này có thể bị xử lý hình sự theo quy định pháp luật hình sự nêu trên.