Quế Phong: Chọn hướng đi nào cho tập trung phát triển?
(Baonghean) - Trong các lợi thế của huyện Quế Phong, nên lựa chọn hướng đi cốt lõi nào để tập trung đầu tư nhằm đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững? Đây là vấn đề được đặt ra và tập trung phân tích, mổ xẻ và có định hướng rõ trong cuộc làm việc vừa qua của đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tại Quế Phong.
» Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo hoàn thổ mỏ khai thác khoáng sản
» Bí thư Tỉnh ủy thăm cơ sở sản xuất giống chanh leo lớn nhất Châu Á
Thoát nghèo từ nông, lâm nghiệp
Công tác giảm nghèo của huyện Quế Phong được thực hiện tương đối bài bản và có cách làm, lối đi riêng; song tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đến cuối năm 2016 còn gần 46%, quy mô nền kinh tế cũng chỉ xếp 18/21 huyện, thành, thị trong tỉnh.
Tại cuộc làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh và đoàn công tác, các ý kiến đều có chung nhận định: Nông, lâm nghiệp thực sự là thế mạnh và nếu thực hiện tốt thì đây chính là lối mở để địa phương này đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo bền vững. Những năm qua, Quế Phong đang tập trung phát triển mạnh theo hướng nâng cao giá trị sản xuất trong nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành. Minh chứng rõ nhất về thành công của Quế Phong được biết đến nhiều là mô hình phát triển chanh leo.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh thăm mô hình chăn nuôi bò của ông Lỳ Nỏ Pó, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: Thành Duy |
Đoàn công tác của Bí thư Tỉnh ủy đã làm việc tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Những ngọn đồi hoang vu trước đây đã được dần thay thế bằng những vườn chanh leo bạt ngàn, trải dài tít tắp góp phần làm thay da đổi thịt cuộc sống đồng bào các dân tộc trên xã vùng biên. Không chỉ trồng và bán sản phẩm chanh leo, với sự có mặt của doanh nghiệp, ở đây đã và đang dần hình thành một chuỗi sản xuất khép kín đối với cây chanh leo.
Ông Phạm Duy Thái - Giám đốc Công ty CP chanh leo Nafoods cho biết: Công ty đã đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng trung tâm sản xuất giống chanh leo công nghệ cao trên diện tích 5 ha, kết hợp với cơ sở sản xuất giống được xây dựng trước đó nâng tổng diện tích tổ hợp sản xuất giống lên 6 ha, được đánh giá là nơi sản xuất giống chanh leo lớn nhất châu Á với công suất 4 triệu cây giống/năm.
Đợt này, công ty đã khởi công Trung tâm nghiên cứu phát triển chanh leo Việt Nam, khi hoàn thành sẽ có đầy đủ các hệ thống phòng nghiên cứu để lai tạo các giống chanh leo mới. Hiện công ty đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 300 lao động, với 90% là người dân bản địa. Ấn tượng với những thay đổi, cách làm trên vùng đất biên ải này, Bí thư Tỉnh ủy đã trao đổi với doanh nghiệp nhiều vấn đề, như làm hệ thống đường giao thông, giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương để góp phần xóa đói, giảm nghèo...
Tri Lễ không chỉ có đặc thù vùng tiểu khí hậu và đất đỏ banzan cho cây chanh leo bén rễ, mà còn có nhiều giống cây, con bản địa đặc hữu, có lợi thế cạnh tranh cao. Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác đã đến thăm mô hình chăn nuôi bò của ông Lỳ Nỏ Pó ở bản Pà Khốm trên diện tích rộng 20ha. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, ông Pó đã phát triển quy mô đàn bò lên đến gần 70 con. Nếu đem nhân với giá thị trường hiện nay, ông Pó thực sự là tỷ phú chăn nuôi bò ở vùng biên. Tự nhiên và chân chất, ông Pó đã giới thiệu với Bí Thư Tỉnh ủy về mô hình sản xuất của gia đình cũng như những khó khăn gặp phải trong sản xuất ở quy mô hộ. Lắng nghe những trăn trở của người nông dân vùng biên, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh trao đổi, gợi mở thêm với ông Pó về phương thức chăn nuôi theo hướng hàng hóa, có sự đầu tư chuyên sâu.
Sản xuất giống chanh leo tại xã Tri Lễ (Quế Phong). Ảnh: Thành Duy |
Gắn với quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Quế Phong đã có những đề án chuyên sâu gắn với phát triển các giống cây, con bản địa triển khai ở nhiều địa phương như đề án phát triển chăn nuôi, quy hoạch vùng trồng chanh leo lên đến 1.500 ha, sản xuất rau an toàn…
Những mặt làm được, điểm sáng trong nông nghiệp Quế Phong là điều ai cũng ghi nhận, song để đạt được hiệu quả như mong muốn còn nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tiến Lâm chỉ rõ hai điểm nghẽn trong nông, lâm nghiệp của huyện cần tháo gỡ đó là công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn ít, nên dù huyện rất trăn trở xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình nhưng thiếu vai trò dẫn dắt, kết nối của doanh nghiệp để phát triển thành quy mô hàng hóa.
Trên cơ sở phân tích những thế mạnh của Quế Phong, bên cạnh phát triển các cây công nghiệp như: Cao su, chanh leo trên diện tích đất trồng trọt phù hợp, duy trì và nâng cao hiệu quả diện tích đất lúa hiện có để đảm bảo an ninh lương thực, phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, Bí thư Tỉnh ủy chỉ rõ một trong những hướng đi quan trọng của địa phương này cần phải khai thác hiệu quả đó là nghề rừng. Toàn huyện hiện có diện tích đất lâm nghiệp hơn 172.000 ha, rừng sản xuất gần 80.000 ha nhưng vẫn chưa có nhiều mô hình phát triển kinh tế rừng có hiệu quả.
Cho rằng đây là lợi thế và hướng đi cốt lõi của các huyện vùng cao, trong đó có Quế Phong để có thể giảm nghèo nhanh, bền vững vì nó có tác động đến phần lớn đời sống đại bộ phận nhân dân, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị huyện phối hợp với các ngành liên quan để phát triển nghề rừng theo hướng cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ…
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, huyện cần chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này để họ đóng vai trò dẫn dắt; đồng thời phải có chiến lược quy hoạch đất lâm nghiệp tốt và giao đất cho người dân để làm nghề rừng trên cơ sở tính toán, phân tích cụ thể, bài bản.
Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ tầm
Định hướng phát triển cho Quế Phong đã được chỉ rõ, song điều mà Bí thư Tỉnh ủy cũng như nhiều thành viên đoàn công tác trăn trở đối với địa phương này chính là xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ tầm, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra.
“Qua theo dõi, kinh nghiệm cho thấy, đối với vùng miền núi và dân tộc, mặc dù chúng ta đầu tư nhiều nhưng nếu không có đội ngũ cán bộ dân tộc ở cơ sở chất lượng triển khai thực hiện thì hiệu quả không cao”, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lô Xuân Vinh nêu quan điểm, từ đó đề nghị huyện Quế Phong tiếp tục tập trung quan tâm hơn công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số.
Bên cạnh việc xây dựng số lượng cán bộ người dân tộc thiểu số đảm bảo đúng tỷ lệ theo quy định trong các cơ quan cấp huyện và cấp xã thì cần phải có những cán bộ nòng cốt ở cơ sở chất lượng. “Làm sao xây dựng được đội ngũ cán bộ trong dân làm nòng cốt phát triển kinh tế - xã hội thì lúc đó mới tạo được động lực thực sự”, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh đề xuất.
Trên quan điểm, mọi việc muốn thay đổi đều xuất phát từ cái gốc đầu tiên là đội ngũ cán bộ, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh đặc biệt nhấn mạnh vấn đề này trong cuộc làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Quế Phong.
Với điều kiện huyện nghèo, vùng cao biên giới, Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ về thực trạng huyện khó thu hút cán bộ giỏi các vùng khác về, nên giải pháp chính vẫn là dựa vào đội ngũ cán bộ địa phương là phần nhiều, cũng như thu hút con em địa phương được đào tạo, tiếp tục đào tạo cán bộ hiện có. Từ đó, xây dựng đội ngũ cán bộ “thật tinh” theo hướng cần có một số lượng cán bộ nhất định được đào tạo bài bản để phát triển, nhưng cũng cần một số cán bộ cắm bản, cắm xã là những người phải rất am hiểu địa phương, địa bàn và có bản lĩnh về lãnh đạo quần chúng.
“Tôi đề nghị các đồng chí nên nghiên cứu xây dựng hệ thống chính trị theo hướng ở những vị trí quan trọng, cốt yếu của huyện nên chọn những cán bộ tốt nhất để bố trí, đào tạo, rèn luyện cho họ là những đầu tàu thúc đẩy sự phát triển; còn các vị trí ở vùng sâu, vùng xa, các đồng chí chọn những người bản lĩnh, am hiểu địa phương, gần gũi với dân”, Bí thư Tỉnh ủy chỉ rõ và đề nghị Quế Phong thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ về cơ sở và đào tạo để chuẩn bị nguồn cán bộ cốt cán kế cận; nghiên cứu để thực hiện tốt mô tả vị trí việc làm; sắp xếp lại bộ máy cho hiệu quả theo tư duy phải hướng về phía trước.
Một hướng đi mới mà huyện Quế Phong tập trung khai thác trong thời gian tới là du lịch. Bí thư Huyện ủy Quế Phong cho biết, trong quý III/2017, huyện tổ chức hội thảo phát triển kinh tế - xã hội, du lịch sinh thái và đề nghị UBND tỉnh, Sở NN&PTNT hỗ trợ, tạo điều kiện giúp huyện tổ chức thành công. Bí thư Tỉnh ủy đồng tình với cách làm này của huyện và đề nghị tại hội thảo sẽ tập trung phân tích kỹ hơn những định hướng đã đưa ra để có chiến lược phát triển hiệu quả. |
Thành Duy
TIN LIÊN QUAN |
---|