Quế Phong: Dồn sức xây dựng nông thôn mới

05/02/2014 10:31

(Baonghean) - Đồng chí Lữ Đình Thi - phó bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An về những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới năm 2013 và kế hoạch thực hiện năm 2014.

PV: Thưa đồng chí chủ tịch! Xin đồng chí cho biết kết quả đạt được trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới của huyện Quế Phong trong năm 2013?

Đồng chí Lữ Đình Thi: Để thực hiện tốt Chương trình nông thôn mới (NTM) huyện Quế Phong đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-HU ngày 6/6/2011 về đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến năm 2020. Từ đó, các cấp ủy đảng, chi bộ cơ sở và đảng viên có ý thức gương mẫu, đi đầu trong xây dựng NTM. Thời gian qua, huyện đã thực hiện rất tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia xây dựng NTM...

Bản tái định cư Huồi Duộc - Huồi Man.
Bản tái định cư Huồi Duộc - Huồi Man.

Một trong những tiền đề quan trọng thúc đẩy phong trào xây dựng NTM của Quế Phong, là huyện được Trung ương và tỉnh hỗ trợ 1.275 triệu đồng (trong đó 500 triệu đồng vốn đầu tư phát triển) để làm 0,3 km đường giao thông nông thôn liên xã tại bản Na Ngá, xã Mường Nọc. Từ chương trình hỗ trợ xi măng của tỉnh (hỗ trợ 100% xi măng) trong đợt 1 năm 2013, huyện đã nhận 3.090 tấn xi măng và đã phân cho các xã tiến hành làm đường bê tông. Huyện đã làm gần 22 km/20 km tỉnh giao, giá trị khối lượng 18.557 triệu đồng.

Sau 3 năm xây dựng mô hình trồng cây chanh leo tại xã Tri Lễ, hiện nay Quế Phong tạo được sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao và trong thời gian tới chanh leo sẽ mở hướng làm giàu cho người dân. Hiện UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch trồng 1.000 ha trên địa bàn 3 xã: Tri Lễ, Nậm Nhoóng, Nậm Giải. Đây là mô hình liên kết mang tính bền vững và rất hiệu quả giữa 3 nhà (nhà nước, nhà máy, nhà nông). Trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện tập trung thâm canh trên diện tích hơn 2.300 ha lúa nước với các loại giống năng suất, chất lượng cao, đồng thời tập trung phát huy thế mạnh về phát triển chăn nuôi, hiện nay, tổng đàn trâu có 24.076 con, bò 13.913 con, lợn 26.774 con, dê 1.414 con; gia cầm 242.104 con... Cùng với đó, triển khai nhiều đề án: Trồng mới 5.500 ha rừng, trong đó trồng 2.000 ha cao su; Đánh bắt, nuôi trồng thủy sản lòng hồ Thủy điện Hủa Na; Chăn nuôi bò lai sind sinh sản, mô hình nuôi cá lồng, mô hình nuôi lợn đen địa phương... Nhìn chung các mô hình bước đầu đều cho hiệu quả kinh tế. Toàn huyện đã thành lập được 17 HTX dịch vụ nông nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực. Một số HTX hoạt động có hiệu quả như HTX dịch vụ nông nghiệp và phát triển cây chanh leo xã Tri Lễ, HTX dịch vụ nông nghiệp và trồng hoa, rau sạch xã Quế Sơn...

Bà con người Mông ở xã Tri Lễ sản xuất vụ xuân.
Bà con người Mông ở xã Tri Lễ sản xuất vụ xuân.
Làm đường bê tông tại xã Quế Sơn.
Làm đường bê tông tại xã Quế Sơn.

Về lĩnh vực giáo dục, công tác phổ cập giáo dục trung học đạt 2/13 xã. Tỷ lệ tốt nghiệp THCS học tiếp Trung học phổ thông đạt 6/13 xã. Lĩnh vực y tế có 9/13 xã đạt chuẩn cũ và huyện phấn đấu đến hết năm 2014, có 3 xã là Tiền Phong, Đồng Văn, Thông Thụ đạt chuẩn mới... Trong xây dựng NTM hiện toàn huyện có 3 xã là Quế Sơn, Mường Nọc và Tiền Phong đạt 7/19 tiêu chí và các xã còn lại đạt từ 3-6 tiêu chí.

PV: Được biết, huyện có chính sách hỗ trợ 30% kinh phí cho người dân đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và mô hình sản xuất... Vậy xin đồng chí cho biết kết quả cụ thể?

Đồng chí Lữ Đình Thi: Từ Nghị quyết số 04/NQ-HU cuả BCH Huyện ủy, Nghị quyết của HĐND huyện, UBND huyện đã ban hành các quyết định, cụ thể hóa lộ trình, kế hoạch thực hiện. Huyện hỗ trợ 30% kinh phí (tổng giá trị hơn 1.379 triệu đồng) gồm vật liệu đá, cát, sỏi để làm đường, đồng thời mua 10 máy trộn bê tông (giá trị hơn 163 triệu đồng) cho các xã sử dụng vào việc làm đường và huyện còn cho mượn máy xúc phục vụ công trình NTM. Với cách làm đó, Quế Phong đã vận động được đông đảo người dân và các doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng NTM. Người dân đã đóng góp bằng tiền mặt và vật liệu đá, cát, sỏi làm đường giao thông với giá trị gần 7,3 tỷ đồng và đã có 6.580 người dân trực tiếp tham gia làm đường với 25.500 ngày công. Có 80 đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ 800m2 cát, đá, sỏi tương đương 160 triệu đồng. Đặc biệt, tại Quế Phong phong trào hiến đất làm đường giao thông được người dân hưởng ứng tích cực. Đã có 841 hộ hiến 65.241,4 m2 đất làm giao thông... Với kết quả đạt được trong đợt 1 làm đường giao thông nông thôn sẽ là cơ sở để Quế Phong thực hiện tốt đợt 2. Theo kế hoạch, thời gian tới tỉnh sẽ hỗ trợ xi măng để làm 15 km và huyện sẽ trích ngân sách tiếp tục hỗ trợ 1.200 triệu đồng (30%) và các thiết bị, máy móc cho xã Quế Sơn làm 3,9 km; Tiền Phong 1 km; Nậm Nhóng 0,5 km; Mường Nọc 4,6 km; Hạnh Dịch 0,5 km, Châu Kim 1,5 km; Châu Thôn 1 km và Tri Lễ 1 km.

Hướng dẫn cách sử dụng và sửa chữa máy cày đa chức năng.
Hướng dẫn cách sử dụng và sửa chữa máy cày đa chức năng.
 Nhà máy nước sạch Kim Sơn phục vụ người dân Kim Sơn và vùng lân cận.
Nhà máy nước sạch Kim Sơn phục vụ người dân Kim Sơn và vùng lân cận.

Thực hiện Nghị quyết số 320/2012/NQ-HĐND của HĐND huyện Quế Phong về hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. UBND huyện đã trích 600 triệu đồng thực hiện các hạng mục hỗ trợ phát triển sản xuất, như: Hỗ trợ 30% giống lúa thuần (trị giá 157 triệu đồng) để người dân phát triển sản xuất; Hỗ trợ 100% giống rau (70 triệu đồng) cho các xã làm các mô hình trồng rau xanh; Hỗ trợ 30% mua giống hươu sinh sản (36 triệu đồng ); Hỗ trợ mô hình trồng nấm sò, phát triển kinh tế trang trại, nhân rộng diện tích mía, mua giống cây lâm nghiệp, nhân rộng diện tích trồng chanh leo, nuôi vịt bầu tại xã Quế Sơn; nuôi lợn địa phương tại xã Mường Nọc, Châu Kim, Tiền Phong, Hạnh Dịch; mô hình ươm cá cấp 2 tại xã Châu Thôn... Các mô hình do huyện hỗ trợ kinh phí đều phát huy được hiệu quả, nhất là trong việc phát triển diện tích trồng mía nguyên liệu, trồng chanh leo, trồng rau xanh, nuôi vịt bầu, nuôi lợn địa phương... Rõ ràng, tuy nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư của huyện là chưa lớn, nhưng thông qua việc làm thiết thực này, thực sự đã tạo được động lực thúc đẩy cho phong trào xây dựng nông thôn mới ở Quế Phong.

Người dân được hỗ trợ bò để phát triển chăn nuôi.
Người dân được hỗ trợ bò để phát triển chăn nuôi.

So với các chương trình mục tiêu quốc gia khác đang triển khai trên địa bàn, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mang tính xã hội hóa cao nhất, rộng khắp và đa dạng nhất cả về quy mô đầu tư, hình thức đầu tư, đối tượng đầu tư, đối tượng thụ hưởng, thời gian thực hiện, với cả hệ thống chính trị, xã hội và toàn dân tham gia. Từ cách làm và bước đi cụ thể, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, được người dân đồng lòng, chung sức, trở thành phong trào rộng khắp trên đia bàn toàn huyện.

PV: Mặc dù đạt được kết quả khả quan, nhưng rõ ràng đối với huyện Quế Phong vẫn còn nhiều việc phải làm trong xây dựng NTM. Vậy xin đồng chí cho biết một số nội dung, nhiệm vụ trong năm 2014?

Đồng chí Lữ Đình Thi: Chương trình NTM ở Quế Phong có tổng mức đầu tư cho 13 xã là 3.017 tỷ đồng, theo Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc cơ cấu phân bổ vốn từ chương trình là Trung ương 27%, tương đương với nguồn đầu tư 810 tỷ đồng, còn lại là vốn lồng ghép các chương trình, dự án khác và huy động đóng góp sức dân. Sau 3 năm thực hiện chương trình, Trung ương mới phân bổ cho huyện nguồn vốn 4,870 tỷ đồng, đạt 1,5% kế hoạch vốn cả giai đoạn. Mục tiêu chung là: Đến năm 2015, có 2 xã xây dựng điểm là Quế Sơn và Mường Nọc đạt 19/19 tiêu chí, các xã còn lại đạt 50% tiêu chí, đến năm 2020 thêm 5 xã đạt 19/19 tiêu chí là Châu Kim, Châu Thôn, Tiền Phong, Hạnh Dịch, Đồng Văn, 6 xã còn lại đạt 14 tiêu chí đến 16 tiêu chí.

Để đạt được mục tiêu đó, năm 2014 huyện Quế Phong tiếp tục phát động phong trào toàn dân thi đua chung sức xây dựng NTM. Nâng cao công tác tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng những đơn vị thực hiện tốt. Chú trọng công tác đào tạo nghiệp vụ quản lý chương trình mục tiêu quốc gia cho các chủ đầu tư, nghiệp vụ kế toán cho kế toán xã. Đào tạo nghiệp vụ lập kế hoạch, lập hồ sơ dự toán triển khai tổ chức thực hiện các mô hình phát triển kinh tế cho cán bộ xã, HTX và thanh quyết toán chương trình. Tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án, ưu tiên đầu tư cho các xã điểm. Tiếp tục phát động phong trào hiến đất làm GTNT, dồn điền, đổi thửa, vệ sinh môi trường, xây dựng bản làng văn hóa và thực hiện tốt việc làm GTNT theo cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh... Năm 2014, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch vốn Chương trình NTM cụ thể về nguồn vốn đầu tư phát triển là 6.709 triệu đồng bao gồm: Hỗ trợ đầu tư các công trình tiếp tục; Hỗ trợ đầu tư các công trình mới; Hỗ trợ 2 xã điểm Quế Sơn và Mường Nọc về đích năm 2015 bình quân mỗi xã 500 triệu đồng/năm; Ưu tiên nâng cấp, sửa chữa, cải tạo các công trình hạ tầng hiện có. Trích ngân sách sự nghiệp là 3.800 triệu đồng để hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất; Hỗ trợ nhân rộng các mô hình và phát triển hình thức tổ chức sản xuất...

Trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành và nhất là sự chung tay, nỗ lực của người dân, có như vậy Quế Phong mới thực hiện tốt Chương trình xây dựng NTM.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Hoàng Vĩnh

(thực hiện)

Mới nhất
x
Quế Phong: Dồn sức xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO