Quế Phong mở cửa hàng giúp dân tiêu thụ nông sản

27/03/2017 20:00

(Baonghean) - Lập một gian hàng rộng chừng 30m2 ở thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong đang tích cực đồng hành giúp đồng bào trên địa bàn tiêu thụ các loại nông sản.

Gian hàng nhỏ với tên gọi “Trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của huyện Quế Phong” nằm khiêm tốn ở thị trấn Kim Sơn, nơi ngã ba giao nhau giữa Quốc lộ 48 và đường lên xã Tri Lễ. Cô gái Sầm Thị Yến mới tốt nghiệp Trường Đại học Vinh được giao quản lý cửa hàng luôn tươi cười cùng bộ trang phục áo váy đồng bào Thái cho hay, rất vui khi được huyện tin tưởng, tuyển chọn vào làm việc với mức lương khởi điểm là 3 triệu đồng/tháng.

Hiện, khách tìm đến ngày càng nhiều và hàng ngày có nhiều bà con từ trong bản làng đến gửi bán các loại nông sản. Có ngày có trên 30 người đến mua hàng. Đến nay, sau 4 tháng hoạt động, cửa hàng có trên 100 mặt hàng nông sản, tăng gấp 2 lần so với tháng đầu khai trương.

Ông Lang Minh Quốc Bảo gửi sản phẩm mây tre đan bán tại gian hàng. Ảnh: Nguyên Sơn
Ông Lang Minh Quốc Bảo gửi sản phẩm mây tre đan bán tại gian hàng. Ảnh: Nguyên Sơn

Gặp ông Lang Minh Quốc Bảo ở khối 3, thị trấn Kim Sơn đến nhập sản phẩm được ông cho biết: “Tôi làm mây tre đan đã 35 năm, từ khi có cửa hàng của huyện, sản phẩm của tôi được nhiều người đặt mua, thu nhập của gia đình tăng lên, nhưng vui hơn khi sản phẩm mây tre đan truyền thống của chúng tôi được nhiều người ưa thích…”.

Còn với ông Lô Hải Truyền ở bản Na Ngá, xã Mường Nọc, người được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu Thợ giỏi nghề mây tre đan trong năm 2016 có gần 40 năm gắn bó với nghề đan lát truyền thống của đồng bào Thái, sản phẩm của ông làm ra rất tinh xảo; vì vậy, các vật dụng như mâm mây, ghế, ép xôi, giỏ đựng đồ làm ra không kịp đơn đặt hàng. Trong nhiều sản phẩm ông Truyền ký gửi bán tại gian hàng của huyện, những chiếc mâm mây có giá từ 2,5 - 3 triệu đồng/chiếc được nhiều khách hàng chọn mua.

Tại gian hàng, còn có nhiều loại dược liệu quý bày bán, do Hội Đông y huyện và các chi hội tuyển chọn, sao chế, đóng gói, kèm với hướng dẫn sử dụng. Đó là chè hoa vàng, rễ cây mủ từn, ngọc cẩu, đẳng sâm, cà gai leo, nhân trần bản địa, hạt chuối rừng…

Theo đại diện cơ sở chuyên chế biến dược liệu Hải Thanh ở thị trấn Kim Sơn, từ khi có gian hàng của huyện, sản phẩm của cơ sở được giới thiệu rộng khắp, tiêu thụ mạnh hơn, tạo điều kiện cho việc tăng cường thu mua sản phẩm từ trồng, khai thác của bà con dân bản. Trong năm 2016, cơ sở này đã xuất bán 5 tấn dược liệu và 3 tháng đầu năm 2017 bán được gần 2 tấn sản phẩm.

Ông Lê Văn Giáp - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Trong nhiều lần đi làm việc ở các xã vùng sâu, vùng xa, thấy đồng bào các dân tộc làm được nhiều sản phẩm đặc trưng, nhưng khó khăn về khâu tiêu thụ. Qua xem xét thực tế, trên địa bàn còn ít doanh nghiệp đồng hành tốt với bà con, vì vậy, huyện quyết tâm mở gian hàng giúp dân tiêu thụ các sản phẩm. Bước đầu, huyện bố trí một suất lương cho một cán bộ phụ trách gian hàng và bán sản phẩm bằng giá yêu cầu của bà con, không thu hoa hồng, phần trăm lợi nhuận”.

Hàng tuần Lãnh đạo huyện Quế Phong kiểm tra hoạt động của gian hàng. Ảnh: Nguyên Sơn
Hàng tuần Lãnh đạo huyện Quế Phong kiểm tra hoạt động của gian hàng. Ảnh: Nguyên Sơn

Thống kê sau 4 tháng hoạt động, bình quân mỗi ngày, gian hàng bán được khoảng 3,5 triệu đồng tiền hàng cho dân bản. Hàng tháng, gian hàng và đơn vị trực tiếp phụ trách là Ban phát triển nông thôn miền núi huyện, tổ chức đánh giá về giá trị sản phẩm từ các xã để tham mưu cho lãnh đạo huyện, xã có những định hướng chỉ đạo sản xuất; điển hình như sản phẩm của bà con từ xã Mường Nọc đã bán được 97,9 triệu đồng (mây tre đan, thổ cẩm, dược liệu…); sản phẩm của bà con ở thị trấn Kim Sơn đã bán được 48,8 triệu đồng…

Chị Sầm Thị Yến - người phụ trách gian hàng cho biết thêm, đến nay hầu hết bà con ở các xã đã mạnh dạn gửi hàng hóa để bán. Nếu người dân từ các xã vùng sâu ra gửi hàng, chị kiến nghị huyện cho ứng một phần vốn lưu động để trả trước cho bà con để họ không phải đi nhiều lần. Còn những xã gần hoặc vùng thị trấn có thể giao trước một phần giá trị sản phẩm khi gửi bán.

Qua thực tế, có nhiều sản phẩm nông sản sạch được khách hàng đánh giá cao và tìm mua nhưng không có hàng, bởi do quy mô sản xuất ở các xã chưa nhiều và phụ thuộc vào mùa vụ hoặc do sản lượng khai thác ít. Để quảng bá rộng khắp các mặt hàng của bà con dân bản, bên cạnh trưng bày giới thiệu tại gian hàng, hàng ngày, chị Yến còn chụp ảnh, cung cấp thông tin cho khách hàng trên mạng xã hội như Facebook, Zalo.

Để tiếp tục đồng hành với dân bản, theo ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, Đảng bộ và chính quyền huyện đang nghiên cứu xây dựng cơ chế phù hợp với từng sản phẩm, mặt hàng để đẩy mạnh phát triển kinh tế ở các xã. Huyện cũng tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế theo mô hình nhóm hộ, HTX, trang trại, gia trại với hướng sản xuất hàng hóa, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào.

“Sau thành công của mô hình gian hàng giúp dân bán các sản phẩm tiêu biểu ở Quế Phong, huyện sẽ xúc tiến thành lập HXT để nâng cao tính chủ động và tự chủ; đồng thời tiếp tục cơ chế hỗ trợ mở gian hàng tương tự ở thành phố Vinh. Qua đó, tăng khả năng quảng bá sản phẩm của huyện, tác động trở lại hoạt động phát triển sản xuất tại địa bàn huyện” - ông Lê Văn Giáp chia sẻ thêm.

Nguyên Sơn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Quế Phong mở cửa hàng giúp dân tiêu thụ nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO