Quốc hội chưa xem xét dự án cao tốc Bắc - Nam
Quốc hội khóa 14 sẽ chưa xem xét dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam tại kỳ họp thứ 3 đang diễn ra.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã không xuất hiện trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh chương trình kỳ họp từ ngày 16/6 cho đến hết kỳ họp đang diễn ra do Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày chiều 12/6.
Như vậy, Quốc hội khóa 14 sẽ chưa xem xét dự án đặc biệt quan trọng này tại kỳ họp thứ 3 đang diễn ra.
Trước đó, khi làm việc với nhóm thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Bắc - Nam chiều 3/6, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương giải trình các ý kiến góp ý để hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 này của Quốc hội.
Trong buổi làm tại trụ sở Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), đơn vị được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giao chuẩn bị dự án, Phó thủ tướng yêu cầu nhóm thực hiện lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi phải rà soát các nội dung của báo cáo, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về phương án đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam có điểm đầu tại nút giao Cao Bồ (điểm cuối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình) thuộc địa phận huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), điểm cuối tại nút giao Dầu Giây (điểm cuối cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây), thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. |
Phó thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Bộ GTVT và đơn vị tư vấn trong thời gian rất ngắn đã hoàn thành Báo cáo với chất lượng cao nhất, được Hội đồng thẩm định Nhà nước báo cáo Chính phủ cho phép trình Quốc hội thông qua chủ trương tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội. Dựa trên ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội, Phó thủ tướng yêu cầu ngành GTVT nói chung, tư vấn TEDI nói riêng, khẩn trương tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh báo cáo để trình xin ý kiến Quốc hội.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông không phải là dự án mới do nhiều đoạn tuyến thuộc dự án đã đưa vào khai thác, đang đầu tư xây dựng và nghiên cứu đầu tư. Do vậy, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi lần này được cập nhật, tổng hợp từ các dự án chưa được đầu tư thành một dự án quan trọng quốc gia.
Chủ đầu tư giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là Bộ GTVT và TEDI là đơn vị được giao chuẩn bị dự án.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đã được đưa ra thảo luận tại phiên họp đột xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 1/6, và dự kiến sẽ được bổ sung vào chương trình kỳ họp này.
Theo tờ trình của Bộ GTVT, dự án cao tốc Bắc - Nam có tổng mức đầu tư 312.435 tỉ đồng với dự kiến 4/6 làn xe, tốc độ 80 -120km/h và chia thành 20 dự án thành phần.
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua 16 tỉnh, thành phố với tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 6.505 ha. Số hộ dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 15.500 hộ, trong đó có 3.900 hộ dự kiến phải tái định cư. |
Bộ GTVT đưa ra phương án 17/20 dự án thành phần thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Chiều dài đoạn Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh là 1.622 km, trong đó đã đưa vào khai thác 123 km gồm các đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; đang triển khai thi công đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 127km, còn lại 1.372 km cần đầu tư. Dự án gồm hai giai đoạn là từ năm 2017 - 2025 và sau năm 2025.
Theo Tờ trình của Tổng thư ký Quốc hội, Quốc hội cũng được đề nghị thông qua việc chưa biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch lần này, bởi sau phiên thảo luận vừa qua cho thấy dự án còn nhiều ý kiến khác nhau, nhiều vấn đề liên quan đến số lượng lớn các luật hiện hành (ít nhất 45 luật), cần có sự tham gia sâu của các bộ, ngành chịu tác động lớn của dự án luật, nên cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung cho chặt chẽ./.
Theo Kinh tế Sài Gòn
TIN LIÊN QUAN |
---|