Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua một số luật

17/06/2014 21:38

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 7, ngày 17/6, Quốc hội đã làm việc ở hội trường biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; thảo luận dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam.

Phiên họp của Quốc hội sáng 17/6.
Phiên họp của Quốc hội sáng 17/6. Ảnh: TTXVN

Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa

Với 86,75% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Theo đó, Luật Giao thông đường thủy nội địa đã sửa đổi, bổ sung 25 Điều, như hoạt động giao thông đường thủy nội địa; phát triển giao thông đường thủy nội địa; cảng, bến thủy nội địa; điều kiện hoạt động của phương tiện; phương tiện phải đăng ký lại; phương tiện nhập khẩu; đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng; đảm nhiệm chức danh máy trưởng, Tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa quy định rõ hoạt động giao thông đường thủy nội địa bao gồm hoạt động của người, phương tiện tham gia giao thông vận tải trên đường thủy nội địa; quy hoạch phát triển, xây dựng, khai thác, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa và quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa.

Phát triển giao thông đường thủy nội địa phải phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường thủy nội địa theo hướng hiện đại, đồng bộ về luồng, tuyến, cảng, bến, công nghệ quản lý, xếp dỡ hàng hóa; bảo đảm an toàn giao thông, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển vận tải đường thủy nội địa phải kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác.

Các phương tiện giao thông đường thủy nội địa phải đăng ký lại trong các trường hợp chuyển quyền sở hữu; thay đổi tên, tính năng kỹ thuật; Trụ sở hoặc nơi đăng ký thường trú của chủ phương tiện chuyển sang đơn vị hành chính cấp tỉnh khác; Chuyển đăng ký từ cơ quan đăng ký khác sang cơ quan đăng ký phương tiện thủy nội địa.

Đối với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi có tai nạn, sự cố xảy ra trên đường thủy nội địa, Luật quy định, thuyền trưởng, người lái phương tiện và người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa hoặc phát hiện người, phương tiện bị nạn trên đường thủy nội địa phải tìm mọi biện pháp để kịp thời, khẩn cấp cứu người, phương tiện, tàu biển, tàu cá, tài sản bị nạn; báo cho cơ quan tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa gần nhất; xác định vị trí phương tiện bị tai nạn, sự cố, bảo vệ dấu vết, vật chứng liên quan đến tai nạn, sự cố....

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Ảnh: TTXVN

Về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Quy định cụ thể những ngành, nghề và điều kiện kinh doanh

Qua thảo luận, hầu hết ý kiến các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật doanh nghiệp để nhằm thực thi các quy định của Hiến pháp; tạo cơ sở pháp lý cho việc tiến hành quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; tạo điều kiện và động lực mới cho sự phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập cản trở sự gia nhập thị trường của doanh nghiệp trong thực tiễn.

Một trong những nội dung của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được đa số đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận là vấn đề ngành, nghề và điều kiện kinh doanh. Nhiều ý kiến đề nghị cần cụ thể hóa những ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo tinh thần của Hiến pháp về quyền của mọi người tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm và chỉ bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), ngành, nghề và điều kiện kinh doanh là một điều quan trọng vì liên quan đến nguyên tắc “Doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm” được quy định trong Hiến pháp.

Tuy nhiên, trên thực tế đã có không ít rào cản, vướng mắc hay vùng cấm, đối với hoạt động của các doanh nghiệp. Do đó, đại biểu đề nghị Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cần làm rõ sự thống nhất về thẩm quyền Chính phủ đối với việc ban hành danh mục ngành, nghề và điều kiện kinh doanh cũng như việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung hàng năm nhằm tháo gỡ những bất cập hiện nay.

Đại biểu Thành cũng cho rằng hiện nay, việc các ngành, nghề bị cấm ban hành nằm ở rất nhiều cấp độ văn bản pháp luật khác nhau và thuộc thẩm quyền cả Trung ương lẫn địa phương, nhưng tất cả đều là văn bản quy phạm pháp luật.

Do đó, khoản 1, Điều 7, chỉ nên quy định “Danh nghiệp có quyền tự do kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm” là đầy đủ. Mặt khác, về thẩm quyền ban hành danh mục ngành, nghề và điều kiện kinh doanh (khoản 2, khoản 3, khoản 4), cần thống nhất và giao cho Chính phủ ban hành thay vì vừa giao Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ như nêu trong dự thảo.

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đánh giá Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã thể chế hóa nguyên tắc tự do kinh doanh được quy định tại Điều 33 của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 7 chỉ cần dùng cụm từ “pháp luật không cấm” cho phù hợp với Hiến pháp, chứ không nên quy định doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật, pháp lệnh, nghị định không cấm.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng Luật doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia và doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh các ngành, nghề pháp luật, pháp lệnh và nghị định không cấm.

Do đó, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cần quy định cụ thể danh mục, nguyên tắc, thủ tục thực hiện cũng như lộ trình, thời gian cụ thể ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh; đồng thời cần phải được thể chế hóa trong một văn bản do Chính phủ ban hành để thuận lợi cho nhà đầu tư tham chiếu. Đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) đề nghị cần cụ thể hóa những ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện ngay trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Góp ý về doanh nghiệp xã hội, nhiều ý kiến tán thành việc quy định doanh nghiệp xã hội và cho rằng quy định này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lợi nhuận đầu tư vào các lĩnh vực an sinh xã hội, góp phần cùng các nguồn lực Nhà nước trong việc giải quyết vấn đề xã hội và môi trường.

Tuy nhiên, cách quy định như dự án Luật có thể gây hiểu nhầm đây là một loại hình doanh nghiệp mới ngoài các loại hình hiện nay là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.

Do vậy, dự thảo Luật cần quy định cụ thể, phù hợp, bảo đảm bao quát hết các hoạt động của doanh nghiệp xã hội cũng như phân biệt rõ doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp công ích; đồng thời, ngăn ngừa xu hướng các doanh nghiệp chuyển sang hoạt động dưới danh nghĩa doanh nghiệp xã hội để hưởng các ưu đãi.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng doanh nghiệp xã hội là một thiết chế mới được đưa vào dự thảo luật phù hợp với xu thế và tình hình phát triển kinh tế-xã hội hiện nay cũng như hội nhập quốc tế.

Doanh nghiệp xã hội có vai trò quan trọng nhất định trong đời sống xã hội, góp phần cùng nhà nước giải quyết những vấn đề xã hội đặt ra một cách có hiệu quả hơn. Mô hình này đã được triển khai có hiệu quả ở nhiều quốc gia, nên cần được thể chế hóa trong điều kiện ở nước ta. Dự thảo Luật cần làm rõ khái niệm “Doanh nghiệp xã hội”; xác định rõ lĩnh vực hoạt động của Doanh nghiệp xã hội...

Nhất trí với việc quy định về doanh nghiệp xã hội như trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), tuy nhiên, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị cần có quy định thêm trong Luật hoặc Nghị định của Chính phủ nhằm ngăn chặn tình trạng sẽ có nhiều doanh nghiệp lách luật, “khoác áo” doanh nghiệp xã hội để hưởng ưu đãi tương tự như nhiều Công ty Trách nhiệm hữu hạn “khoác áo” hợp tác xã trước đây.

Trái với các ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Anh Dũng (Bắc Giang) cho rằng doanh nghiệp xã hội không phải là một loại hình doanh nghiệp mới mà vẫn là doanh nghiệp thuộc một trong các loại hình hiện nay, chỉ khác ở mục đích phân phối và sử dụng lợi nhuận. Do đó, đề nghị không đưa nội dung này vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Nên bãi bỏ quy định đăng ký giữ quốc tịch

Thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng Dự án luật sửa đổi nên theo hướng bãi bỏ quy định đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam theo khoản 2 điều 13 của Luật Quốc tịch năm 2008 bởi quy định về giữ đăng ký quốc tịch Việt Nam là chưa phù hợp với Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối ngoại đối với người Việt Nam ở nước ngoài và quy định: "người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời là là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam" của Hiến pháp.

Bên cạnh đó, quy định đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính gây khó khăn, phiền hà cho kiều bào, trong một số trường hợp sẽ tạo ra rào cản cho việc không ổn định làm ăn sinh sống của kiều bào nhất là đối với những người đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng nước sở tại đó lại áp dụng nguyên tắc "một quốc tịch," như vậy công dân của ta không thể đến đăng ký giữ quốc tịch tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bởi họ phải giữ quốc tịch nước đang sinh sống...

Đại biểu kiến nghị ban soạn thảo nên nghiên cứu phục hồi quy định cấp giấy xác nhận cho những người không có giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam khi họ có yêu cầu. Những người có giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam không cần phải đăng ký để giữ quốc tịch.

Đại biểu Hà Huy Thông (Thừa Thiên Huế) phân tích: Theo báo cáo của Bộ Chính phủ, sau gần 5 năm thực hiện đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam (theo quy định của Luật Quốc tịch năm 2008) mới có trên 6.000 người làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.

Tình trạng này do nhiều lý do: nhiều người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng việc còn quốc tịch Việt Nam là điều đương nhiên, không ai có thể bị tước mất quốc tịch, trái với Hiến pháp; nhiều người đã có quốc tịch sở tại nên không có nhu cầu cấp thiết đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam; không biết có quy định về đăng ký giữ quốc tịch trong vòng 5 năm theo luật Quốc tịch năm 2008...

Đại biểu nêu rõ cần xác định rõ yêu cầu của bà con đi đăng ký giữ quốc tịch làm gì trong khi có quốc tịch là quyền của con người, vì vậy cần bỏ hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.

Các đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Hà Huy Thông (Thừa Thiên Huế) cũng kiến nghị: Quốc hội cho phép quy định thời điểm có hiệu lực của Luật kể từ ngày công bố, nhằm bảo đảm cho việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam được thực hiện cơ bản là liên tục, không bị ngắt quãng, tránh trường hợp đến ngày 1/7/2014 sẽ có hàng triệu đồng bào sẽ bị mất quốc tịch theo tinh thần của Luật Quốc tịch năm 2008 và phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cũng trong buổi làm việc chiều 17/6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về việc việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town.

Theo Tờ trình của Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town), Công ước và Nghị định thư Cape Town được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn và cho thuê các trang thiết bị tàu bay một cách hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế cho các quốc gia thành viên, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển; tạo khuôn khổ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ tại các quốc gia thành viên, cũng như khuyến khích việc cấp tín dụng và tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn vay ưu đãi của các hãng hàng không.

Việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town là điều kiện để các hãng hàng không Việt Nam được hưởng các ưu đãi từ quốc gia sản xuất tàu bay, các tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu, quy hoạch phát triển của ngành hàng không Việt Nam và sự phát triển kinh tế.

Các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với việc gia nhập Công ước gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town bởi việc gia nhập Công ước và Nghị định thư sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn, cho thuê trang thiết bị tàu bay, qua đó, mang lại lợi ích cho các hãng hàng không của Việt Nam; tăng sức cạnh tranh, sức hấp dẫn của thị trường vận tải hàng không Việt Nam; có lợi cho người tiêu dùng; giảm chi phí kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống pháp luật Việt Nam tiếp cận hệ thống pháp luật kinh doanh thương mại quốc tế.

Theo Vietnam+

Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua một số luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO